1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

ADB: Vị trí á quân xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bị đe dọa

(Dân trí) - Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong thập kỷ tới, trong khi Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng thì Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị Ấn Độ chiếm giữ vị trí thứ hai các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Theo hai bản báo cáo cập nhật từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 30/8, trong năm 2011, sản lượng gạo thu hoạch của Việt Nam đạt 7,6 triệu hecta và sản xuất được 26,5 triệu tấn gạo. Năng suất bình quân 3,49 tấn/hecta, tăng 0,94%/năm.

Cùng với Ấn Độ và Pakistan, hiện Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu và ổn định giá xuất khẩu gạo với mức tham chiếu thấp hơn thế giới. Mặc dù hiện nay có sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nước xuất khẩu gạo hàng đầu (đặc biệt là Ấn Độ), ADB vẫn dự đoán rằng, trong thập kỷ tới, Thái Lan sẽ vẫn trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Trong khi đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị Ấn Độ chiếm giữ vị trí thứ hai.

ADB: Vị trí á quân xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bị đe dọa
Giá gạo thế giới có thể leo thang nếu Ấn Độ cấm xuất khẩu trở lại và Thái Lan duy trì sàn giá lúa ở mức cao.

Tuy nhiên, báo cáo của ADB cũng lưu ý, chương trình cam kết mua gạo của Thái Lan nhằm đảm bảo nông dân của họ sẽ nhận được nhiều hơn giá thị trường, đã khiến cho các công ty xuất khẩu nước này nản lòng. Điều này dẫn đến tổng thu nhập từ xuất khẩu gạo đã liên tục giảm kể từ cuối năm 2011.

Tính đến 28/5/2012, xuất khẩu gạo của Thái Lan đã giảm 43,1% tương đương với 2,86 triệu tấn.

Năm 2011, Thái Lan và Việt Nam cung cấp hơn một nửa tổng sản lượng gạo nhập khẩu của Châu Phi. Cùng với Ấn Độ và Pakistan, 4 nước sản xuất gạo này cung cấp khoảng 4/5 nhu cầu gạo của Châu Phi.

Tổ chức này cho rằng, nếu với điều kiện thời tiết bình thường và điều kiện vĩ mô tương tự 2011, tổng sản lượng gạo của các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) dự đoán sẽ tăng từ 110,5 triệu tấn năm 2010-2011 lên 128,3 triệu tấn vào năm 2021-2022.

Sản lượng sẽ tăng trưởng nhẹ, đạt mức 1,22% mỗi năm, trong khi diện tích thu hoạch sẽ tăng thêm 0,15% lên gần 47 triệu hecta vào năm 2022. Trong thập kỷ tới, khu vực ASEAN dự kiến sẽ tăng 53% xuất khẩu ròng, 14% nhập khẩu ròng, 29% diện tích thu hoạch, 25% tổng sản lượng và 22% tổng mức tiêu thụ gạo.

Top 5 xuất khẩu kiểm soát 87% thương mại toàn cầu

ADB nhận định, biến động mạnh về giá ở thị trường gạo là do cung và cầu không co giãn trên khắp Châu Á và giao dịch thương mại nhỏ hẹp. Xuất khẩu gạo toàn cầu đang tập trung cao độ vào 5 nhà xuất khẩu hàng đầu (theo thứ tự là Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan, và Mỹ) kiểm soát 87% thương mại toàn cầu.

Tổ chức cảnh báo, nếu Ấn Độ thực hiện chính sách cấm xuất khẩu trở lại vì phải thanh lý gạo dự trữ và chịu ảnh hưởng của hạn hán, thì thị trường lúa gạo toàn cầu có thể bị thắt chặt một cách nhanh chóng.

Điều này đặc biệt đúng nếu Thái Lan duy trì mức sàn giá lúa cam kết cao, vì chính sách  này có hiệu quả như một dạng thuế ngầm áp vào việc xuất khẩu gạo.

Sự leo thang của giá gạo thế giới gần đây, và đặc biệt đối với tất cả các loại gạo tấm của Việt Nam, là vì thương nhân Thái Lan đang thu mua gạo Việt Nam thông qua biên giới Campuchia - Thái Lan để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu của họ. Thu mua lúa gạo thông qua tuyến đường này vẫn còn rẻ hơn cho các thương nhân Thái Lan so với mua gạo Thái Lan với giá cao.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm