1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

ACB rơi vào nhóm buộc phải bán nợ xấu cho VAMC

(Dân trí) - Trong 9 tháng đầu năm, ACB đã tất toán thành công toàn bộ 15.500 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi vàng. Nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh nhưng do tổng nợ xấu tăng cao đã khiến tỷ lệ nợ xấu của ACB tại 30/9 vượt 3%, bắt buộc phải bán cho VAMC.

Tất toán thành công 15.500 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi vàng

Tất toán thành công 15.500 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi vàng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 với kết quả lãi 440,8 tỷ đồng, lật ngược kết quả lỗ cùng kỳ năm ngoái là 529,7 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, ACB có lợi nhuận sau thuế 1.117,6 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ 9 tháng/2012.
 
Trong quý III, thu nhập lãi thuần của ACB giảm 25,9% so với cùng kỳ, đạt 1.188,6 tỷ đồng đưa kết quả 9 tháng giảm 34% so với cùng kỳ xuống 3.499,5 tỷ đồng.  Mảng dịch vụ mang về 195,7 tỷ đồng lãi thuần trong quý III, tăng 13,3% trong khi 9 tháng tăng 4,6% đạt 563,5 tỷ đồng.

Tuy mức lãi 10,1 tỷ đồng không đáng kể trong quý III, tuy nhiên đây là điểm sáng của ACB so với cùng kỳ, mảng này chính là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của ACB trở nên xấu đi với 1.144,5 tỷ đồng lỗ. Tính 9 tháng, kinh doanh ngoại hố và vàng giảm lỗ còn 43,5 tỷ đồng so với mức lỗ 1.251,2 tỷ đồng cùng kỳ 2012.

Thuyết minh BCTC cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, ACB đã tất toán thành công 15.501,2 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi vàng và số dư tại 30/9 là 0.
 
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng trở nên khả quan hơn khi có lãi 184,6 tỷ đồng đưa mức lãi 9 tháng lên 471 tỷ đồng. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh giảm lỗ quý III còn 20,4 tỷ đồng song 9 tháng lại giảm lãi còn 62,2 tỷ đồng, bằng 26,3% so với cùng kỳ.
 
So với tình trạng lỗ của cùng kỳ năm ngoái thì quý III năm nay, hoạt động khác đã mang về cho ACB gần 12 tỷ đồng và 9 tháng, lãi thuần ở mảng này đạt gần 9 tỷ đồng.
 
Chi phí quản lý chung giảm nhẹ đã góp phần đưa lợi nhuận thuần từ kinh doanh trước dự phòng rủi ro trong quý III đạt 616,1 tỷ đồng và đạt 1.820,7 tỷ đồng trong 9 tháng. Cùng kỳ quý III/2012, hoạt động kinh doanh trước dự phòng của ACB âm 417,4 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro trong năm nay cũng giảm còn 82,2 tỷ đồng so với mức 274,1 tỷ đồng của quý III năm ngoái. Nhờ vậy, đưa tổng lợi nhuận trước thuế quý III của ACB đạt mức 533,9 tỷ đồng so với mức lỗ cùng kỳ là 691,5 tỷ đồng.

Giảm gần 930 nhân viên trong 9 tháng
 
Thuyết minh báo cáo tài chính của ACB cũng cho thấy, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 1,6% thì chất lượng cho vay của ACB lại giảm sút. Tại thời điểm 30/9, tổng nợ xấu của ACB ở mức 3.491 tỷ đồng, tăng 35,8% so với đầu năm. Tuy nhiên, điểm khả quan là nợ xấu chủ yếu tăng ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3), tăng 213,3% so với đầu năm, trong khi nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm 1,56% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) giảm 57,7%.
 
Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/9 là 3,34% tổng dư nợ tín dụng, tăng so với tỷ lệ 2,5% hồi đầu năm. Như vậy, ACB cũng thuộc trong những ngân hàng buộc phải bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC).
 
Trong khi đó, huy động vốn khách hàng của ACB trong 9 tháng đầu năm tăng 6,7%. Tổng tài sản tại thời điểm 30/9 ở mức 160.477,5 tỷ đồng, giảm 15.830 tỷ (tương ứng 9%) sau 9 tháng.

Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm mạnh chỉ còn 6.863,9 tỷ đồng, bằng 33,8% so với con số đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn bằng nội tệ là 3.760,9 tỷ đồng, bằng 1/4 con số đầu năm.

ACB cho biết, số dự tiền gửi liên ngân hàng tại ngày 30/9 bao gồm 719 tỷ đồng đã quá hạn liên quan đến một NHTMCP quốc doanh (VietinBank – PV) và số dư này đang được cơ quan chức năng bên ngoài điều tra. Khả năng thu hồi các khoản này sẽ tùy thuộc vào quyết định của Tòa án.

Tổng số nhân viên chính thức của toàn ngân hàng tại 30/9 là 9.348 người, giảm 927 người so với thời điểm 31/12/2012 (số liệu tại báo cáo sau kiểm toán).

Mai Chi
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm