ABAC: Đề xuất hình thành thị trường trái phiếu

Một nội dung đặc biệt được các thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh (ABAC) thảo luận chiều 14/11 là hình thành thị trường trái phiếu. Dự kiến năm 2007, ABAC sẽ chọn một số quốc gia để làm thí điểm, trong đó nhiều hy vọng có Việt Nam.

"Nếu đề xuất hình thành một thị trường trái phiếu của ABAC trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn nhờ vào dòng vốn đầu tư này", ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Saigon Invest Group, cũng là một thành viên ABAC nhận xét.

Việt Nam có rất nhiều công ty nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa (CPH), nên trái phiếu của những công ty này khi phát hành sẽ rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là loại trái phiếu chuyển đổi.

Theo ông Tâm, hiện nay thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam còn rất nhỏ, tổng thị trường chỉ đạt khoảng 4 tỉ USD. Nếu thị trường trái phiếu ra đời sẽ giúp TTCK Việt Nam lớn hơn. Dòng đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào lớn hơn.

Năm 2005, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài khoảng 6,8 tỉ USD, từ đầu tư gián tiếp khoảng 1 tỉ USD, dự kiến những năm tới sẽ đạt khoảng 10 tỉ USD/năm.

Từ nay đến hết năm 2010, để đạt tăng trưởng 8%/năm, Việt Nam cần ít nhất 130 tỉ USD đầu tư. Theo nhận xét của một số tổ chức quốc tế như IMF, đến năm 2009 - 2010 dự kiến tăng trưởng sẽ đạt 10%/năm, muốn vậy phải cần 150 tỉ USD đầu tư. Theo tính toán của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam còn cần đến 20 tỉ USD để đạt mục tiêu trên.

Theo ông Tâm, chỉ có thúc đẩy đầu tư gián tiếp mới có thể bù được vào chỗ thiếu hụt này. Đó là một trong những lý do mà các thành viên Việt Nam trong ABAC đề xuất nhiều chương trình nhằm thúc đẩy dòng luân chuyển tài chính trong khối, trong đó có cả thị trường trái phiếu.

Có nhiều yếu tố để hy vọng Việt Nam là nơi hội đủ những điều kiện để được chọn làm thí điểm chương trình thị trường trái phiếu. Đó là lộ trình mở cửa thị trường tài chính khi vào WTO, TTCK đang phát triển, một số lượng lớn các công ty CPH...

Một thuận lợi nữa là Chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu đến hết năm 2009 phải hoàn tất quá trình CPH. Một ví dụ điển hình là từ hôm nay 15.11, KCN Tân Tạo sẽ lên sàn chứng khoán.

Nhưng ngoài thị trường, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này đang trao đổi đã lên cao gấp 6 lần. "Chúng tôi dự định phát hành 50 tỉ đồng thôi, nhưng tình hình như vậy chúng tôi có thể thu được mấy trăm tỉ. Nếu huy động được số vốn như thế thì có thể chủ động thực hiện ngay những dự án của mình, xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng thì mình không mất cơ hội", ông Tâm hào hứng.

Các thành viên ABAC đều cho rằng Việt Nam đang ở một vị trí mà các nước đánh giá là rất đúng thời điểm để phát triển. Có người so sánh rằng cách đây 20 năm, Nhật Bản ở vào vị trí giống như Việt Nam bây giờ. Nhìn vào danh sách các thành viên ABAC, người ta có thể thấy nhiều thành viên là các quỹ đầu tư của Mỹ, Nga với lượng vốn đang quản lý đến hàng trăm tỉ USD...

Trả lời phỏng vấn, báo chí, ông Yasuo Kanzaki - cố vấn đặc biệt của Nikko Citigroup thừa nhận: "Có nhiều cơ hội để chúng tôi làm ăn ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam thực hiện nhiều chương trình thành công nhờ vào dòng vốn ODA. Đó là ví dụ điển hình để nhà đầu tư tin tưởng. Khu vực doanh nghiệp tư nhân đang phát triển cũng là một cơ hội cho các ngân hàng như chúng tôi".

Một lãnh đạo ABAC nói: "Trước đây nhiều nhà đầu tư  trong ABAC không quan tâm đến Việt Nam nhiều, bây giờ sự có mặt của họ ở đây phần nào nói lên sự quan tâm của họ với Việt Nam. Nhiều người nói với tôi rằng họ cảm nhận được không khí ở đây rất tốt để đầu tư, làm ăn. Vì thế trong các cuộc thảo luận, có những sáng kiến dễ dàng trở thành cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua". Trường hợp của Saigon Invest Group là một ví dụ.

"Chúng tôi đã tìm được một đối tác vốn là thành viên ABAC để thành lập liên doanh trong lĩnh vực công nghệ cao. Dự kiến chúng tôi sẽ ký thỏa thuận hợp tác trong ngày 16 này", ông Đặng Thành Tâm tiết lộ.

Theo Trung Bình - Thụy Miên
Báo Thanh niên