9 kiểu kiếm tiền quái chiêu “đặc sắc Trung Quốc”

(Dân trí) - Một trang web về đầu tư của Trung Quốc mới đây đã thống kê được 9 kiểu làm giàu ấn tượng nhất của những người có máu kinh doanh tại nước này. Tất nhiên đây không phải cách làm ăn đàng hoàng mà là những “quái chiêu”, thậm chí phạm luật.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Dù vậy thì ở một nơi mà luật pháp không phải lúc nào cũng được thực thi đầy đủ, những kiểu kiếm tiền này vẫn có đất để sinh lời. Sau đây là 9 kiểu kiếm tiền ấn tượng nhất mang “đặc sắc Trung Quốc” mà trang Eastmoney.com tổng hợp.

1. Buôn bán hóa đơn

Để trốn thuế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thu thập hóa đơn thuế hoặc biên lai bán hàng để được khấu trừ vào chi phí. Một số công ty thậm chí còn yêu cầu nhân viên phải nộp hóa đơn thuế có giá trị tương đương tiền thưởng cuối năm trước khi được nhận thưởng. Việc bán hóa đơn thuế do đó đã trở thành một ngành kinh doanh ngầm, với không ít người được cho là bỏ túi hàng nghìn USD mỗi tháng.

2. Buôn đi bán lại phiếu giảm giá bánh trung thu

Bánh trung thu thường được người Trung Quốc tặng làm quà thay vì thực sự bỏ ra ăn trong dịp lễ này. Và các nhà sản xuất bánh đã nghĩ ra một cách để kiếm thêm lợi nhuận mà không cần phải sản xuất bất kỳ chiếc bánh nào.

Một cơ sở làm bánh có thể in ra phiếu giảm giá cho khách mua bánh trung thu của mình với mệnh giá 100 nhân dân tệ (16,3 USD) và bán nó cho người bán lẻ với giá 65 nhân dân tệ. Người bán lẻ sau đó bán nó cho khách hàng A với giá 80 nhân dân tệ (13 USD). Người này đem phiếu giảm giá tặng cho khách hàng B làm quà.

Khách hàng B sau đó bán phiếu này cho người thu mua ven đường với giá 40 nhân dân tệ (6,5 USD). Người thu mua đem phiếu đến bán lại cho nhà sản xuất đầu tiên với giá 50 nhân dân tệ (8,65 USD). Vậy là nhà sản xuất không cần làm ra chiếc bánh nào vẫn thu lời 15 nhân dân tệ/phiếu giảm giá, trong khi tất cả các bên khác đều thấy vui vì thu được món lời nhỏ hoặc được thể diện mà chẳng có chiếc bánh nào được trao tay.

Bánh trung thu chỉ là một ví dụ của cách kinh doanh này. Trung Quốc có một thị trường phiếu giảm giá cho hầu như mọi mặt hàng.

3. Sản xuất hàng giả

Từ bằng tốt nghiệp giả tới sữa công thức giả, thịt giả, bao cao su giả, khăn giấy giả và răng giả….hầu như không có thứ gì trên thị trường mà không thể bị làm giả. Hầu hết hàng giả được sản xuất trong các xưởng chui hoặc các phòng thí nghiệm dùng vật liệu rẻ tiền. Nhưng ngày nay những kẻ làm giả chuyên nghiệp được cho là đã mở rộng nguồn lực và nhân sự để sản xuất hàng giả với số lượng lớn.

4. Đột nhập điện thoại

Không ít kẻ bán điện thoại tại Trung Quốc đã được biết đến với việc cài sẵn các phần mềm gián điệp trên điện thoại trước khi bán cho khách hàng. Nhờ đó chúng có thể đánh cắp các thông tin mật như chi tiết thẻ tín dụng. Một số khác có thể đột nhập vào điện thoại từ xa thông qua các phần mềm có thể biến điện thoại thành những “thây ma”

5. Bẻ khóa phần mềm

Tại Trung Quốc, các phiên bản hệ điều hành Microsoft Windows lậu vẫn được sử dụng rộng rãi và đặc biệt dễ bị tấn công. Các hệ điều hành như vậy có thể bị cài một số phần mềm theo dõi hoạt động của người dùng, như tự động chuyển hướng người dùng tới các trang web nhất định mỗi khi họ mở trình duyệt. Điều này cho phép tin tặc có thể thu tiền để đổi lại việc cung cấp lượng truy cập tới các website trả tiền cho chúng.

6. Shanzhai

"Shanzhai" (nghĩa đen là “làng núi”) đã trở thành một thuật ngữ áp dụng cho tất cả các kiểu làm hàng nhái hoặc giả hàng hiệu. Đây là một ngành công nhiệp quy mô nhiều triệu USD tại Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất làm nhái ngay tại nhà của mình sản phẩm của các thương hiệu như túi xách, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác, trước khi phát triển thành một công ty lớn với nhà xưởng riêng.

7. "Làm thầy"

Những năm gần đây, Trung Quốc đã nổi lên nhiều người tự xưng là “thầy” về một môn nào đó, ví dụ như thầy khí công giả Wang Lin. Wang từng nổi tiếng về các kỹ năng cổ truyền của Trung Quốc, từ luyện tập, ngồi thiền đến trị thương trong những năm 1990. Ông đã phát triển một mạng lưới quan hệ với các ngôi sao, như Jackie Chan hay nhà sáng lập web thương mại điện tử Alibaba, Jack Ma.

Sau khi bị lên án vì lừa đảo hồi tháng 7 vừa qua, Wang đã bỏ trốn sang Hồng Kông, mang theo hơn 1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 163 triệu USD) tiền quyên góp, bán sách và các sản phẩm được tạo ra từ danh tiếng và mối quan hệ của y.

8. Kinh doanh thẻ mua sắm

Nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu các loại thẻ mua sắm trả trước, vốn không có các đặc điểm bảo mật như thẻ tín dụng hay ghi nợ. Thường thì chúng vẫn được dùng cho mục đích hợp pháp, nhưng vài năm gần đây, các hệ thống này đã nổi tiếng trở thành phương tiện cho tham nhũng, hối lộ. Bởi thẻ mua sắm với lượng lớn tiền được nạp sẵn có thể được đem tặng và sử dụng mà không cần khai danh tính.

9. Làm gián điệp và chống gián điệp

Từ các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật tới các phần mềm gián điệp có thể đột nhập vào các phần lưu trữ trong chat, các kỹ thuật làm gián điệp và chống gián điệp đã trở thành một ngành hái ra tiền tại Trung Quốc. Có những công ty ra đời chuyên về làm gián điệp hôn nhân, hay do thám đối thủ kinh doanh và các quan chức có khả năng dính đến hành vi phạm pháp.

Thanh Tùng
Tổng hợp