1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

9 dấu hiệu bạn nên tìm việc mới

(Dân trí) - Bạn cố gắng nhiều nhưng không được cất nhắc, bỗng dưng bạn bị loại ra khỏi những cuộc họp quan trọng, bạn thường xuyên phải mang việc về nhà làm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Trước kia, người lao động thường có quãng thời gian gắn bó một công ty dài hơn ngày nay. Chắc chắn là thời đó cũng có chuyện nhân viên bị sa thải hoặc tự bỏ việc ở chỗ này để đi tìm cơ hội tốt hơn ở nơi khác. Tuy vậy, khoảng thời gian trung bình mà người lao động thời đó làm cho một công ty là dài hơn ngày nay. Một nghiên cứu mới đây ở Mỹ cho thấy, quãng thời gian trung bình mà người lao động ở nước này gắn với một công ty chỉ là 4,6 năm.

Trong một thị trường lao động mà các cơ hội luôn rộng mở và tính xê dịch đã trở nên cao hơn bao giờ hết như hiện nay, người lao động không có nhiều lý do để ở mãi trong một môi trường làm việc tiêu cực và khiến họ cảm thấy bất mãn. Tuy nhiên, khó khăn nằm ở việc xác định đâu là thời điểm hợp lý để bạn đi tìm một công việc mới.

1. Bạn cố gắng mãi nhưng không được thăng tiến

Bạn làm hàng loạt việc khó, làm ngoài giờ mà không được trả lương, làm việc vào cuối tuần, xuyên giờ ăn trưa… nhưng bạn không bao giờ được trao một vị trí cao hơn. Mỗi khi cơ hội thăng tiến xuất hiện, thì cơ hội đó lại rơi vào tay một người kém hơn bạn.

Có thể có nhiều lý do cho thực tế này, chẳng hạn người kia hợp với vị trí lãnh đạo đó hơn bạn, hoặc đơn giản là sếp thấy họ giỏi hơn bạn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một bằng chứng cho thấy, những nỗ lực mà bạn dành cho công ty đã không được chú ý và ghi nhận.

2. Bạn bị loại khỏi những cuộc họp quan trọng

Trước kia, bạn là người được giao những nhiệm vụ quan trọng, tham gia vào những quyết định quan trọng của công ty, có mặt trong những cuộc họp quan trọng… Nhưng bống dưng, mọi thứ thay đổi khong vì một lý do cụ thể nào. Bạn bị loại ra khỏi tất cả những vấn đề quan trọng của công ty mà không được thông báo vì bất kỳ lý do gì. Thay vào đó, bạn bị sai những việc lặt vặt như pha cà phê, lấy nước nóng… Dù sao đi chăng nữa, cách đối xử này cho thấy, bank không còn là người quan trọng nữa, và bạn không nhất thiết phải chấp nhận điều đó.

3. Bạn bị loại khỏi các cuộc vui ngoài công sở của đồng nghiệp


Người ta thường nói rằng, công việc được giải quyết ở quán bar và sân golf cũng hiệu quả không kém gì ở văn phòng. Những cuộc vui ngoài giờ làm việc với đồng nghiệp giúp mọi người hiểu nhau tốt hơn, từ đó hỗ trợ nhiều cho công việc. Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ khi bạn bị đẩy ra khỏi các cuộc vui của đồng nghiệp. Có thể tính cách của bạn không hợp với văn hóa công sở của công ty này, hoặc bạn không còn là một người được đồng nghiệp nể trọng, hoặc bạn đang bị họ đố kỵ, ghen ghét.

4. Bạn thường xuyên phải mang việc về nhà


Nhiều người phải mang việc về nhà để làm, nhất là khi họ gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ bị sa thải… Tuy nhiên, làm việc nhiều việc cơ quan ở nhà có thể khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức và không còn thời gian cho gia đình. Về lâu về dài, điều này sẽ gây cho bạn nhiều tổn thất mà bạn không lường trước được. Xét cho cùng, điều quý giá nhất vẫn là sức khỏe của bạn và gia đình của bạn.

5. Bạn liên tục phải nghe những lời phàn nàn

Trừ phi bạn là nhân viên dịch vụ khách hàng, nếu bạn phải nghe quá nhiều lời phàn nàn liên quan tới công việc, từ sếp hoặc đồng nghiệp, thì đó cũng là một dấu hiệu bạn nên chuyển việc.

6. Bạn có một vị sếp tồi

Sếp của bạn có thường xuyên đưa ra những lời đánh giá tồi tệ và chỉ thích tập trung soi mói những sai lầm trong công việc của bạn? Sếp có phải là người không có quan hệ tốt với cấp dưới? Sếp thích đưa ra những phản hồi sai lệch hoặc không mang tính xây dựng? Sếp thường xuyên giao cho bạn những nhiệm vụ “khẩn cấp” rồi lại phớt lờ và chuyển sang ưu tiên khác?

Một vị sếp tồi khiến công việc và cuộc sống của bạn trở nên khó khăn hơn, và cũng là động lực để bạn chuyển việc.

7. Điểm đánh giá dành cho chất lượng công việc của bạn đi xuống

Bạn tự nhận thấy mình vẫn làm tốt công việc, nhưng nếu như trước kia bạn được sếp đánh giá là “xuất sắc” thì nay chỉ còn là “tốt” trong bản đánh giá chất lượng công việc định kỳ. Vấn đề ở đây có thể nằm ở chính bạn. Nếu bạn đã làm một công việc quá lâu và cảm thấy chán ngán công việc đó, khiến hiệu quả làm việc suy giảm, có lẽ bạn nên đi tìm những thử thách mới để thử sức.

8. Bạn không còn thường xuyên có những cuộc trao đổi với sếp


Khi bạn mới vào công ty hoặc được bổ nhiệm vào một vị trí mới, sếp có thể thường xuyên trao đổi công việc với bạn và giúp đỡ bạn. Theo thời gian, mối quan hệ giữa bạn với sếp ngày càng thân tình. Tuy nhiên, đến một ngày nào đó, bạn chợt nhận ra, những cuộc trao đổi giữa bạn với sếp thưa dần rồi… mất hẳn. Sự thiếu giao tiếp giữa bạn với cấp trên có thể là một tín hiệu cho thấy, bạn không còn được đánh giá cao như trước, và sếp không muốn “phí” thời gian tương tác với bạn.

9. Bạn không còn hứng thú với công việc

Trước kia, sau mỗi ngày làm việc, bạn vui vẻ trở về nhà và hào hứng kể với mọi người trong gia đình về những việc bạn đã làm được trong ngày. Sáng hôm sau, khi thức dậy, bạn hứng khởi với ý nghĩ bắt đầu một ngày việc mới. Nhưng nay thì khác. Ở cơ quan, bạn chỉ mong cho hết giờ làm việc. Còn vào buổi sáng, bạn chẳng muốn rời khỏi chiếc giường và ngán ngẩm khi nghĩ tới việc tới công ty. Khi bạn đã chán công việc, công ty, sếp và đồng nghiệp của bạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tại sao bạn lại không đi tìm một công việc khác để tốt cho tất cả mọi người, bao gồm cả bạn?

Phương Anh
Theo AOL Jobs

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm