8 "ông lớn" Việt đủ chuẩn vào Bảng xếp hạng Fortune 500 của Mỹ

(Dân trí) - Theo thống kê của Vietnam Report, nếu so sánh với Bảng xếp hạng (BXH) Fortune 500 của Hoa Kỳ, thì năm nay có 8 doanh nghiệp trong BXH VNR500 hoàn toàn đủ tiêu chí để lọt vào BXH này.

Thành phần chủ đạo của Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 vẫn là khối DNNN.
Thành phần chủ đạo của Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 vẫn là khối DNNN.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
 
Sáng nay (27/1/2015), Công ty Vietnam Report chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2014.
 
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt trong năm 2014 vừa qua khi mà tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đạt khoảng 5,98% và tỷ lệ lạm phát thấp, chỉ tăng 1,84% so với tháng 12/2013, các doanh nghiệp lớn Việt Nam cũng đã dần khẳng định được vị thế của mình. 

Theo thống kê của Vietnam Report, nếu so sánh với Bảng xếp hạng Fortune 500 của Hoa Kỳ, thì năm nay có 8 doanh nghiệp trong BXH VNR500 hoàn toàn đủ tiêu chí để lọt vào BXH này (Trước đó, trong BXH VNR500 năm 2013, có 7 doanh nghiệp đủ tiêu chí doanh thu để lọt vào Fortune 500 – 2013).

Cũng theo thống kê của Vietnam Report, thành phần chủ đạo của Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 vẫn là khối doanh nghiệp Nhà nước, cho thấy quá trình cổ phần hóa DNNN mặc dù được tập trung hơn cả trong năm vừa qua nhưng vẫn chưa đat được hiệu quả như mong đợi. 

Xét về ngành nghề, ngành khoáng sản – xăng dầu vẫn là ngành “giàu nhất” trong Bảng xếp hạng. Theo Vietnam Report đánh giá, đây sẽ là một thử thách cho các nhà điều hành kinh tế, bởi rõ ràng nền kinh tế hiện nay vẫn bị phụ thuộc vào nhóm ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặt trong bài toán tăng trưởng bền vững thì thời gian tới cần khuyến khích phát triển các ngành tiềm năng của Việt Nam như ngành chế biến, chế tạo và công nghệ thông tin… 

Đáng chú ý, trong BXH VNR500 năm nay có 41 doanh nghiệp lọt vào “Câu lạc bộ tỷ đô” (bao gồm các doanh nghiệp có tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ USD), tương đương hơn 8% số doanh nghiệp VNR500, trong đó có 4 doanh nghiệp thuộc khối tư nhân trong nước. 

Xét về số lượng, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện đang chiếm phần đông trong toàn nền kinh tế và có xu hướng ngày một gia tăng, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa được cải thiện tương xứng.

Kết quả từ cuộc khảo sát gần đây nhất của Vietnam Report cho thấy, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp tư nhân đang rất cao. Việc thiếu vốn kinh doanh đã làm hạn chế khối doanh nghiệp này phát huy hết tiềm năng của mình, lấy đi sự tự tin của các doanh nghiệp vốn được đánh giá là năng động và sáng tạo nhất của nền kinh tế. Đây cũng là một thách thức mới cho doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng trong năm 2015.

Cũng trong sáng nay, Vietnam Report đồng thời giới thiệu Sách trắng Báo cáo thường niên: Kinh tế Việt Nam 2014 và Cơ hội đầu tư 2015 (thực hiện bởi Vietnam Report và đối tác chính là Công ty Tư vấn Corr Analytics, Hoa Kỳ). 

Sách trắng giới thiệu và phân tích một số thương vụ cổ phần hóa/ kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài điển hình có giá trị từ 7 triệu USD đến 4,3 tỷ USD trong năm 2014. Thêm vào đó, sách trắng đưa ra dự báo lạm phát Việt Nam trong năm 2015 sẽ duy trì ở mức 4,5% và xuất khẩu dự kiến sẽ chạm mốc 150 tỷ USD. Các phân tích cũng dự báo nợ công sẽ giảm dần do tiến trình cổ phần hóa được đẩy mạnh và các khoản nợ xấu sẽ giảm xuống khoảng 3% trong năm 2015.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”