70% khu công nghiệp vi phạm luật môi trường
(Dân trí) - Hiện cả nước có 192 khu công nghiệp thì 70% trong số đó chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải và hàng chục doanh nghiệp sản xuất ngày đêm xả thải trực tiếp ra các con sông.
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát môi trường (CSMT), đây chính là nguồn gây ô nhiễm cho các con dòng sông như Đồng Nai, Thị Vải, sông Nhuệ, Đáy…
Riêng 6 tháng đầu năm, Cục CSMT (C36) và các Phòng Cảnh sát môi trường Công an các địa phương (PC36) đã điều tra phát hiện gần 600 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, làm rõ hơn 380 tổ chức và cá nhân, chuyển CQĐT khởi tố 8 vụ, 13 bị can, phối hợp với các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền trên 1 tỉ đồng.
Qua phân tích của Cục CSMT thì vi phạm về môi trường ở Việt Nam hiện nay diễn ra hầu khắp các lĩnh vực. Trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải nguy hại, một số tập đoàn kinh tế lớn như tập đoàn điện lực, tập đoàn Vinashin... chưa coi trọng vấn đề này, còn lỏng lẻo trong việc quản lý chất thải độc hại.
Như vụ Công ty cổ phần Cửu Long Vinashin làm giả giấy tờ của các cơ quan nhà nước nhập khẩu 21 máy biến thế Hàn Quốc có “niên đại” sản xuất từ những năm 1960 - 1980 có 03 chiếc chứa dầu thải PBC (Poly Chlorinated Biphenyls) vô cùng độc hại với con người và môi trường, 18 chiếc còn lại thì cũ nát, khô hỏng, biến dạng.
Đánh giá của Cục CSMT cũng cho thấy, tình trạng nhập khẩu phế liệu, rác thải, thân vỏ tầu cũ từ nước ngoài vào Việt Nam tuy được hạn chế đáng kể so với năm 2007 nhưng vẫn tiếp diễn, đặc biệt là nhập khẩu qua cảng Hải Phòng, Quảng Ninh và TPHCM.
Việc khai thác khoáng sản trái phép, bừa bãi gây huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ cảnh quan môi trường xảy ra ở nhiều địa phương; nổi lên là tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu than trái phép tại Quảng Ninh, khai thác Titan tại ven biển Miền Trung (Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Nam...).
Bên cạnh đó việc khai thác tài nguyên khoáng sản (vàng, crom, volfram...), vật liệu xây dựng (cát, đất, đá) qui mô nhỏ lẻ xảy ra ở hầu hết các địa phương mà chưa được kiểm soát.
Theo dự báo của Cục Cảnh sát môi trường, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật môi trường trong nhiều lĩnh vực thời gian tới sẽ tiếp tục phức tạp, thủ đoạn sẽ ngày càng tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan thi hành pháp luật.
Hồng Ngân