1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

7 vụ sáp nhập ngân hàng “đình đám” nhất thế giới

(Dân trí) - Lịch sử kinh tế thế giới đã từng chứng kiến nhiều vụ sáp nhập ngân hàng đình đám mà sau đó đã tạo ra những tập đoàn tài chính hùng mạnh nhất thế giới, nhưng đôi khi cũng trở thành những quyết định sai lầm, gây tổn thất không nhỏ cho các bên tham gia.

Nhưng hơn hết là những thương vụ này đều có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính toàn cầu.

 

1. NationsBank + Bank America = Bank of America

 
7 vụ sáp nhập ngân hàng “đình đám” nhất thế giới - 1

Năm 1988, thương vụ mua lại ngân hàng  Bank America Corp của NationsBank đã trở thành vụ sáp nhập ngân hàng lớn nhất trong lịch sử tính tới thời điểm đó với tổng giá trị là 64 tỷ USD.

 

Vụ sáp nhập này có nguồn gốc từ thương vụ đổ vỡ của Bank America với D. E. Shaw & Co, một quỹ phòng hộ lớn vào năm 1997. Vào năm đó, Bank America cho quỹ này vay 1,4 tỷ USD để quỹ này thực hiện một số các nghiệp vụ kinh doanh cho ngân hàng. Song D.E. Shaw đã gặp thua lỗ lớn sau vụ khủng hoảng trái phiếu tại Nga năm 1998 để rồi vào tháng 10 năm đó, BankAmerica bị NationsBank mua lại.

 

Về mặt kỹ thuật, đây là việc tập đoàn BankAmerica bị mua lại bởi NationsBank, tuy nhiên thương vụ này được thực hiện dưới hình thức sáp nhập và sau đó NationsBank đổi tên thành Tập đoàn Bank of America (BoA).

 

Ngân hàng mới sở hữu khối tài sản kết hợp lên tới 570 tỷ USD, với 4.200 chi nhánh tại 22 bang của nước Mỹ. BoA trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo vốn hóa thị trường.

 

Sau đó, ngân hàng này thực hiện một loạt các thương vụ mua bán sáp nhập lớn trong đó có các vụ như mua lại US Trust với giá 3,3 tỷ USD, mua ABN Amro khu vực Bắc Mỹ và LaSalle Bank với tổng giá trị 21 tỷ USD đều trong năm 2007, nâng tổng tài sản của BoA lên 1.700 tỷ USD.

 

2. Bank of America và Merrill Lynch

 
7 vụ sáp nhập ngân hàng “đình đám” nhất thế giới - 2

Tháng 9/2008, BoA tuyên bố ý định mua lại toàn bộ tập đoàn Merril Lynch với tổng giá trị lên tới 50 tỷ USD, biến BoA thành tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới với 20.000 nhân viên môi giới chứng khoán trên toàn cầu, 2.500 tỷ USD tiền gửi khách hàng, phục vụ hơn 59 triệu khách hàng tại 150 quốc gia. Thương vụ này đã hoàn tất vào ngày 5/12/2008. Đây được coi là một trong 10 vụ sáp nhập lớn nhất thập kỷ.

 

Tuy nhiên, sau đó, Merril Lynch đã báo cáo khoản lỗ quý 4/2008 lên tới 21,5 tỷ USD, khiến Chính phủ Mỹ phải cân nhắc đến khả năng "giải cứu" cho chính BoA vào đầu năm 2009.

 

3. Chase Manhattan và JP Morgan

 
7 vụ sáp nhập ngân hàng “đình đám” nhất thế giới - 3

Tháng 9/2000, giới tài chính toàn cầu đã bị sốc trước thông tin Ngân hàng Chase Manhattan (Mỹ) mua lại JP Morgan với giá 36 tỉ USD và đổi tên thành JP Morgan Chase & Co. Thời điểm đó, người ta cho rằng Chase Manhattan đang “nuốt chửng” J.P.Morgan. JP Morgan Chase, ngân hàng sáp nhập từ hai tập đoàn khổng lồ này, trở thành ngân hàng cho các nhà tài phiệt lớn mà tên tuổi của họ làm nên sức mạnh của tầng lớp tư sản Mỹ. Vụ làm ăn này diễn ra khi cả hai tập đoàn muốn tăng sức mạnh để cạnh tranh với các đối thủ của họ. Trên thực tế, đây là một vụ làm ăn “đôi bên cùng có lợi”. Sau vụ sáp nhập, tài sản của ngân hàng hợp nhất lên tới 2.000 tỷ USD, trở thành đế chế tài chính lớn nhất tại Mỹ tính theo giá trị thị trường và cũng là quỹ đầu tư lớn thứ 2 của nước này.

 

4. JP Morgan Chase và Bank One Corp

 
7 vụ sáp nhập ngân hàng “đình đám” nhất thế giới - 4

Giữa năm 2004, J.P. Morgan Chase & Co. đã đồng ý mua lại Bank One Corp, ngân hàng lớn thứ sáu của Mỹ, với giá 58 triệu USD. Đây là vụ sáp nhập của hai ngân hàng lớn nhất nước Mỹ thời điểm đó, biến đế chế hợp nhất trở thành ngân hàng lớn thứ hai Mỹ, sau Citigroup, với tổng tài sản lên tới 1.100 tỷ USD và 2.300 chi nhánh trên 17 bang.

 

Thông qua vụ sáp nhập, Morgan Chase nắm giữ được mảng kinh doanh thẻ tín dụng hùng mạnh của Bank One Corp, hãng phát hành thẻ tín dụng lớn nhất thế giới. Năm 2010, JP Morgan Chase đứng thứ 8 trong top 10 ngân hàng tốt nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt hơn 13 ,39 tỷ USD.

 

5. HSBC và Household International

 
7 vụ sáp nhập ngân hàng “đình đám” nhất thế giới - 5

Năm 2003, HSBC, một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất thế giới có trụ sở tại London (Anh), đã chi 15,5 tỷ USD mua lại mua lại bộ phận thẻ tín dụng Household International (Mỹ) với giá 15,5 tỷ USD và đổi tên thành HSBC Finance Corporation.

 

Tuy nhiên vào thời điểm đó cái tên Household International vẫn còn xa lạ với nhiều khách hàng, và Household International chủ yếu hoạt động trên thị trường thế chấp phẩm chất thấp, hướng tới đối tượng khách hàng có thu nhập thấp. Kể từ 2006, Household đã khiến HSBC thua lỗ 30 tỷ USD. Do hoạt động yếu kém của Household International, hiện HSBC đang tìm đối tác để bán lại.

 

6. UniCredit và HVB

 
7 vụ sáp nhập ngân hàng “đình đám” nhất thế giới - 6

Năm 2005, Unicredit, ngân hàng lớn nhất Italia công bố mua lại ngân hàng Bayerische Hyposvereinsbank (HVB), tập đoàn ngân hàng lớn của Đức với giá 18,6 tỷ USD (15,4 tỷ euro). Đây được coi là vụ sáp nhập ngân hàng xuyên biên giới lớn nhất châu Âu tính tới thời điểm đó. Cộng thêm vụ sáp nhập với Capitalia, ngân hàng lớn thứ 3 Italia đã đẩy giá trị vốn hóa thị trường của UniCredit đã tăng vọt từ 1,5 tỷ euro lên 37 tỷ euro (tăng gấp 22 lần) trong vòng 13 năm.

 

7. Commerzbank và Dresdner
 

7 vụ sáp nhập ngân hàng “đình đám” nhất thế giới - 7
 

Năm 2008, tại Đức, vụ sát nhập ngân hàng được quan tâm nhất là việc Tập đoàn bảo hiểm Allianz SE đồng ý bán lại ngân hàng lớn thứ ba của nước này là Dresdner Bank cho ngân hàng lớn thứ hai là Commerzbank. Thương vụ này trị giá 14,4 tỷ USD (khoảng 9,8 tỷ euro). Đây được coi là bước đột phá sau nhiều năm do dự, và được coi là hành động tự vệ vì với quy mô nhỏ, các ngân hàng Đức dễ bị tổn thương hơn so với các ngân hàng khác trên sân chơi toàn cầu.

 

Ngân hàng hợp nhất có số vốn 1.090 tỷ Euro và 12,3 triệu khách hàng. Tuy nhiên, ngân hàng mới này vẫn chỉ đứng thứ 2, sau Deutsche Bank với số tài sản ước tính khi đó khoảng 2.000 tỷ Euro.

 

Vụ sáp nhập này đã thúc đẩy tái cơ cấu cần thiết của toàn bộ ngành ngân hàng Đức, tạo ra một ngân hàng quốc gia lớn thứ 2 và mang lại cho các ngân hàng nguồn vốn và quy mô cần thiết để mở rộng ra nước ngoài.

 

Ngọc Trang

Tổng hợp