7 “đại gia” điện tử bị phạt gần 2 tỷ USD vì thao túng giá
(Dân trí) - Án phạt nặng chưa từng có nêu trên vừa được Ủy ban chống độc quyền châu Âu đưa ra hôm 5/12. Theo đó ngoài Samsung, Philips và LG còn có 4 “đại gia” hàng điện tử khác bị phạt vì đã ngấm ngầm bắt tay thao túng giá trong thời gian dài.
Theo tuyên bố của Ủy ban chống độc quyền châu Âu các tập đoàn này đã tổ chức nhiều cuộc họp kín để thao túng giá trên thị trường thế giới đối với các bộ phận đắt tiền nhất của TV và màn hình máy tính. Sau đó, lãnh đạo của các tập đoàn này sẽ gặp nhau tại sân golf để thống nhất về mưu đồ hòng “móc túi” hàng triệu người tiêu dùng.
Hàng triệu người tiêu dùng đã bị “móc túi” vì nhà sản xuất thao túng giá
Ủy ban chống độc quyền của EU khẳng định việc này đã được Philips, LG Electronics, Panasonic cùng 4 hãng khác thực hiện trong suốt một thập kỷ trước khi chấm dứt vào năm 2006. Hành vi của các công ty này “bao gồm tất cả những hành động tồi tệ nhất nhằm loại trừ sự cạnh tranh vốn bị nghiêm cấm đối với các công ty hoạt động tại châu Âu”, Joaquin Almunia, thành viên Ủy ban chống độc quyền tuyên bố.
Trước khi có sự ra đời của màn hình LCD, bóng đèn hình chính là bộ phận thiết yếu đối với màn hình TV và máy tính. Tài liệu của cơ quan điều tra khẳng định các ống phóng ca-tốt chiếm khoảng 70% giá thành của mỗi màn hình. Ông Almunia cho biết giá của các bóng đèn hình “là một chỉ dấu của những hậu quả nghiêm trọng” mà các công ty này gây ra cho người tiêu dùng.
Do đó Ủy ban chống độc quyền đã quyết định áp án phạt 1,47 tỷ euro (tương đương 1,96 tỷ USD) đối với 7 công ty này. Trong đó Philips và LG Electronics bị phạt nặng nhất với tổng cộng 999 triệu euro (1,3 tỷ USD). Panasonic bị phạt 157 triệu euro (205 triệu USD).
Các công ty còn lại phải chịu án phạt gồm có Samsung SDI, Technicolor, MTPD và Toshiba. Hãng Chunghwa của Đài Loan được tha bổng do là công ty đầu tiên tiết lộ vụ việc này với cơ quan chức năng EU. “Đây là án phạt nặng nhất từ trước đến nay đối với một cac-ten”, ông Almunia khẳng định.
Sau khi phán quyết trên được tuyên, Philips khẳng định sẽ kháng cáo do hãng này cho rằng án phạt là “không tương xứng và không công bằng”. “Chúng tôi lấy làm tiếc khi bị cho là dính líu tới cách hành xử này”, CEO của Philips là Frans van Houten nói.
Trong khi đó LG Electronics khẳng định đang rà soát lại quyết định của Ủy ban châu Âu trước khi kháng cáo. Hãng điện tử của Hàn Quốc cho rằng họ không phải chịu trách nhiệm về hoạt động của LG Philips Display, một liên doanh giữa LG và tập đoàn Philips của Hà Lan. Ngoài ra LG cũng không đồng tình về mức tiền phạt phải nhận.
“Có vẻ như rằng Ủy ban châu Âu đã tính toán số tiền phạt LG Electronics một phần dựa trên lượng TV và màn hình máy tính đã được bán ra bởi LG Electronics tại châu Âu thay vì chỉ tính trên số lượng ống phóng tia ca-tốt”, thông báo của LG có đoạn viết.
Trước đó trong năm 2008, EU từng phạt một liên minh thao túng giá kính xe hơi 1,38 tỷ USD. Vị quan chức này cũng khẳng định các công ty bị phạt đều hoạt động trên phạm vi toàn cầu và hiểu rõ việc làm của mình là phạm pháp.
Để thao túng giá, các công ty đã thực hiện chiến thuật bắt tay giảm sản lượng. Chính vì vậy mà khi thị trường đang phát triển mạnh cũng như lúc doanh số đã giảm do sự ra đời của màn hình phẳng, giá sản phẩm bán ra vẫn cao ngất ngưởng. Theo ông Almunia các công ty này muốn giữ giá càng cao càng tốt trước khi công nghệ mới ra mắt.
Trong một tài liệu mà Ủy ban này tịch thu được, các công ty có một thỏa thuận rất rõ ràng đó là “các nhà sản xuất cần tránh cạnh tranh về giá thông qua việc kiểm soát năng lực sản xuất”. Trong một tài liệu khác, các thành viên được cảnh báo rằng “tất cả mọi người được yêu cầu giữ bí mật bởi nếu việc này được khách hàng hoặc Ủy ban châu Âu biết tới hậu quả sẽ rất nghiêm trọng”. Một tài liệu khác thậm chí viết: “Vui lòng hủy tài liệu sau khi đã đọc xong”.
Phán quyết trên được đưa ra đã khép lại 5 năm điều tra của Ủy ban chống độc quyền châu Âu. Ông Almunia cho biết chính quyền Mỹ hiện cũng đang điều tra vụ việc này.
Thanh Tùng
Theo AP