Nâng cao năng lực cạnh tranh hậu WTO:
6-sigma: vũ khí nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp
(Dân trí) – Chiều 27/11, Bộ Thương mại phối hợp cùng Tập đoàn Ford, Trung tâm Đào tạo ACT đã tổ chức Hội thảo “6 Sigma – Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam sau hội nhập” với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ. 6-Sigma là yếu tố góp mặt vào thành công của các tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có cả những tên tuổi quen thuộc như General Motor, Motorola…
Theo điều tra năm 2005 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JAICA) mới được công bố gần đây thì chỉ 8,8% các doanh nghiệp có nhu cầu về đào tạo quản lý chất lượng trong khi đây lại là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp hiện nay, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO.
Đây cũng là lý do Bộ Thương mại phối hợp cùng Tập đoàn Ford, Trung tâm Đào tạo ACT tổ chức Hội thảo “6 Sigma – Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam sau hội nhập”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ. được coi như một khóa đào tạo ngắn về triết lý quản lý 6-sigma nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quản lý chất lượng và đặc biệt là các ứng dụng quản lý hiện đại chưa được hoặc ít được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.
6-sigma là gì?
6-sigma không phải là một hệ thống quản lý chất lượng như ISO hay một hệ thống chứng nhận chất lượng nào khác. Thay vào đó, đây là một hệ phương pháp giúp giảm thiểu khuyết tật dựa trên việc cải tiến quy trình. Đối với đa số các doanh nghiệp Việt Nam, điều này có nghĩa là thay vì tập trung vào các đề xướng chất lượng vốn ưu tiên vào việc kiểm tra lỗi trên sản phẩm, hướng tập trung được chuyển sang cải thiện quy trình sản xuất để các khuyết tật không xảy ra.
Theo ông Ringo D. L. Lin – Phó Giám đốc phụ trách sản xuất Ford Lio Ho Motor (Đài Loan), đồng thời cũng là chuyên gia cao cấp về 6 Sigma cho hay, chương trình 6 Sigma được xây dựng dựa trên 5 bước cơ bản là quy trình DMAIC-R (Define, Measure, Analyze, Improve, Control): Xác định, đo lường, phân tích, cải tiến và kiểm soát. Đây là một triết lý quản lý tập trung vào việc loại bỏ những sai lỗi, lãng phí và sửa chữa. 6-sigma xác định một mục tiêu cần đạt được và phương pháp giải quyết vấn đề để làm tăng mức độ hài lòng của khách hàng và cải thiện đáng kể hiệu quả cuối cùng.
Câu chuyện thành công của 6-sigma?
Để minh chứng cho điều này, ông Lin cũng lấy dẫn chứng về câu chuyện thành công về chương trình 6-sigma được hình thành ở tập đoàn Motorola vào năm 1986 và sau đó được phổ biến rộng rãi sau thành công của Jack Welch - Tập đoàn General (GE) vào thập niên 90. Năm 1995, lãi suất của GE khoảng 13,5%, năm 1998 con số này lên tới 16,7%, một con số mà trước đó Welch nghĩ là không thể mơ tới. 6-sigma đã mang đến lợi tức tới 600 triệu USD!
Tuy chưa được phổ biến rộng ở Việt Nam nhưng một vài công ty có vốn đầu tư nước ngoài như: American Standard, Ford, LG, Samsung và V-tract đã đưa chương trình 6-sigma vào triển khai áp dụng. Lấy ví dụ về Ford Việt Nam, kể từ năm 2000 khi triển khai áp dụng chương trình cho tới nay, công ty đã thực hiện 200 dự án 6-sigma cải tiến các quy trình trong mọi lĩnh vực sản kinh doanh, giúp tiết kiệm 1,2 triệu USD và giảm hơn 1.000 TGW (điểm chất lượng xe theo đánh giá của khách hàng) và tăng liên tục hàng năm chỉ số hài lòng khách hàng ở mức trên 90%.
Theo ông Tim Tucker – Tổng Giám đốc Công ty Ford cho rằng: “Đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, để tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc quản lý kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ… thì việc áp dụng triết lý 6-sigma không chỉ hướng tới khách hàng của công ty như một triết lý quản trị hiệu quả mà còn được coi như một phần không thể tách rời của Văn hoá công ty”.
Bàn về vấn đề này, TS Lê Danh Vĩnh – Thứ trưởng Bộ Thương mại cho hay, với việc tổ chức hội thảo như thế này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có được nhiều kinh nghiệm từ phía các doanh nghiệp nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ Thương mại sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác và doanh nghiệp để ngày càng có nhiều hội thảo chất lượng hơn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam và địa phương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vì sự phát triển một nền kinh tế Việt Nam hội nhập bền vững.
Mạnh Hùng