1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

6 rào cản khiến 75% doanh nghiệp chưa thể chuyển đổi số

Đại Việt

(Dân trí) - Khoảng 75% doanh nghiệp Việt chưa chuyển đổi số bởi nhiều rào cản. Chính vì vậy, các doanh nghiệp rất cần có một đội ngũ hỗ trợ, "thăm khám" và tìm ra nguyên nhân chính xác.

6 rào cản khiến 75% doanh nghiệp chưa thể chuyển đổi số - 1

Các chuyên gia cùng phân tích, chia sẻ những thông tin về chuyển đổi số tại TP HCM (Ảnh: Đại Việt).

Tại một sự kiện mới đây ở TP.HCM, các nhà quản lý và chuyên gia đã mổ xẻ nhiều vấn đề về chuyển đổi số tại Việt Nam.

Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS), cho biết, 2021 được đánh giá là thời điểm vàng để chuyển đổi số tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp Việt chưa chuyển đổi số là khoảng 75%. Bài toán chuyển đổi số trở thành giải pháp tất yếu. "Sự đổi mới sáng tạo trong kinh doanh là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đáp ứng cầu của người tiêu dùng", ông Bảo nói.

Theo ông, chuyển đổi số đang là chủ trương của Chính phủ và cũng là xu hướng của thế giới. Doanh nghiệp đang gặp nhiều trở ngại trong quá trình chuyển đổi số vì không biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu.

Cũng theo ông Bảo, các doanh nghiệp thường vấp phải 6 rào cản chính gồm: kiến thức chuyển đổi số, không kiểm soát được hiệu quả, thiếu nhân lực, thiếu kết nối, thiếu thông tin và môi trường kinh tế bất ổn. Do đó, cần có những đơn vị đóng vai trò "thăm khám" câu chuyện chuyển đổi số nói trên.

Khi đã "thăm khám" cho doanh nghiệp xong thì các đơn vị hỗ trợ sẽ tư vấn cho doanh nghiệp cần phải làm gì, thay đổi ra sao và đối tác nào sẽ giúp cho doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả.

6 rào cản khiến 75% doanh nghiệp chưa thể chuyển đổi số - 2

Chuyển đổi số đang là xu hướng trên toàn thế giới và Việt Nam không nằm ngoài quy luật phát triển này.

Ông Phạm Từ Liêm, đại diện MCV Group, cho biết, ngay cả các đơn vị truyền thông, truyền hình cũng cần phải tích cực chuyển đổi số trong giai đoạn tới.

Theo ông Liêm, hiện nay, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân Việt Nam là rất cao. Trong khi đó, nhiều nguồn thông tin không rõ ràng, thiếu kiểm chứng luôn xuất hiện đầy rẫy trên internet, mạng xã hội… Chính vì vậy, người dân càng ngày càng muốn được tiếp cận những thông tin chính thống, được kiểm duyệt kỹ càng từ các cơ quan báo chí uy tín.

"Do đó, các đơn vị truyền thông, truyền hình cũng cần phải số hóa để tiếp cận đúng đối tượng khán giả tiềm năng; Phát triển những công cụ nhanh chóng nhận được sự đánh giá, phản hồi của độc giả, khán giả. Các công cụ này giúp các đơn vị hiểu được sở thích, nhu cầu của khán giả để phục vụ tốt hơn, từ đó có phương án khai thác quảng cáo trên nội dung đăng tải, phát sóng…", ông Liêm chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đã giúp cho doanh nghiệp nhận thấy tầm quan trọng của việc thông thương hàng hóa thông qua nền tảng số.

"Việc đưa sản phẩm ra thị trường là hoạt động bắt buộc đối với doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, doanh nghiệp phải chuyển đổi số và từng bước đưa sản phẩm lên nền tảng số hóa", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, ngoài các hoạt động chuyển đổi số thương mại điện tử thì truyền hình số và nội dung số cũng là những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Hình ảnh càng được chú trọng về chất lượng, thẩm mỹ thì càng đảm bảo "sức hút" đối với người dùng.