6 công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt

Ủy ban Chứng khoán vừa công bố danh sách 6 công ty chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ ngày 23/4/2012.

6 công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt
 
6 công ty này bao gồm: Công ty Cổ phần Chứng khoán Cao Su, Công ty Cổ phần Chứng khoán Vina, Công ty Cổ phần Chứng khoán Hà Nội, Công ty Cổ phần Chứng khoán Trường Sơn, Công ty Cổ phần Chứng khoán Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Chứng khoán Mê Kông.

 

Nguyên do, các công ty này có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120%, bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Thông tư số 226/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính về quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

 

Theo quy định tại thông tư trên, thời hạn kiểm soát đặc biệt là không quá 6 tháng; tổ chức được đưa ra khỏi tình trạng này khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt và vượt 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong vòng 3 tháng liên tục.

 

Trường hợp sau thời hạn kiểm soát đặc biệt, nếu các công ty chứng khoán này vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp vượt mức 50% vốn điều lệ trở lên thì bị đình chỉ hoạt động.

 

Trong thời hạn tối đa 1 tuần kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán ra quyết định đặt vào tình trạng trên, công ty chứng khoán phải gửi Ủy ban Chứng khoán báo cáo chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục.

 

Trong thời hạn bị kiểm soát đặc biệt, công ty chứng khoán bị hạn chế các hoạt động như không được trả cổ tức, chia lợi nhuận, chia thưởng; không được chuyển nợ không có bảo đảm thành có bảo đảm bằng tài sản của mình; không được mua cổ phiếu quỹ, mua lại vốn góp từ thành viên góp vốn; không được ký mới, ký kéo dài và thực hiện các hợp đồng giao dịch ký quỹ, cho vay mua chứng khoán; không được mở rộng mạng lưới; không được tham gia góp vốn lập công ty con, liên doanh, liên kết, đầu tư bất động sản; phải hạn chế đầu tư vào các tài sản có độ rủi ro cao hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh làm tăng giá trị rủi ro, giảm vốn khả dụng…

 

Theo Nhật Nam

VnEconomy