1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

51% nguồn vốn đầu tư BĐS “đổ” vào TPHCM

(Dân trí) - 51% nguồn vốn đầu tư vào bất động sản thời gian qua đã được “đổ” vào TPHCM và trên thực tế, con số này đang tăng. Với lượng cung tăng vọt, lực cầu tăng nhẹ đã khiến thị trường này khá trầm lắng và giá cả có phẩn giảm nhẹ so với Hà Nội.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài cính Quốc gia đã cho biết như vậy trong Hội nghị CEO ngành tài chính - ngân hàng các nước châu Á năm 2009, tại Hà Nội trong hai ngày 12 - 13/11.
 
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thị trường bất động sản tại Hà Nội lại chỉ chiếm 15% nguồn vốn, số dự án cũng ít hơn TPHCM. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân Hà Nội tăng cao và với lượng người từ các địa phương đổ về Thủ đô, tìm cách nhập cư và định cư không ngừng gia tăng, làm cho sức cầu nhà ở tại đây càng tăng. Đây được xem là nguyên nhân thị trường bất động sản tại Hà Nội tăng nóng trong thời gian vừa qua.
 
Trở lại với hội nghị CEO ngành tài chính - ngân hàng châu Á 2009, hội nghị đã tập trung thảo luận 5 chủ đề chính gồm: Sự trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu - con đường phía trước; những thay đổi về quản lý điều tiết tài chính toàn cầu - tác động và ảnh hưởng đối với châu Á; triển vọng của ngành ngân hàng: quan hệ đối tác khu vực và hội nhập tài chính; vai trò của cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tín dụng quy mô nhỏ trong tăng trưởng kinh tế châu Á; Việt Nam - các cải cách kinh tế và tài chính, triển vọng cho tương lai.
 
Theo các diễn giả, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách kích thích kinh tế hợp lý, hỗ trợ được doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, khai thác thị trường trong nước, chủ động ngăn chặn được suy giảm kinh tế. Nhất là trong năm 2010, những chính sách tiền tệ theo phương châm chủ động, linh hoạt, thận trọng sẽ hỗ trợ kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng, giữ ổn định hệ thống.
 
Bên cạnh đó, năm 2010 kinh tế Việt Nam còn được hỗ trợ bởi 1 số yếu tố như: kinh tế thế giới hồi phục là tiền đề để xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh; thể chế vững chắc, môi trường kinh tế, xã hội tương đối ổn định , nhân lực dồi dào với phần lớn dân số nằm ở lứa tuổi lao động vàng cũng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài…
 
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một số vấn đề đáng lo ngại cần giải quyết, khắc phục trong thời gian tới. Đó là việc đầu tư công tăng quá cao trong khi đầu tư của khu vực tư nhân lại giảm mạnh, làm nền kinh tế phát triển không đồng đều, có thể làm gia tăng tham nhũng và lãng phí.
 
Vấn đề thanh khoản, tỷ giá hối đoái căng thăng, tỷ giá luôn kịch trần cho phép của Ngân hàng Nhà Nước, tỷ giá tự do quá cao so với tỷ giá ngân hàng và đã kéo dài tới 2 năm mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.
 
Đây chính là yếu tố làm mất nhiều điểm nhất của kinh tế Việt Nam trong việc đánh giá, xếp hạng các nền kinh tế trên thế giới.
 
An Hạ