5 bài học kinh doanh của “vua chuối”

(Dân trí) - Bạn bè và đối thủ của Samuel Zemurray đều gọi ông bằng biệt danh Sam “vua chuối”. Ông khởi nghiệp bằng con đường buôn chuối chín, mặt hàng khiến các nhà buôn hoa quả cỡ lớn “phát ốm” vì chuối chín chỉ có nước đổ đi nếu bán không kịp.

5 bài học kinh doanh của “vua chuối”

Các nhà buôn chuối lớn luôn giữ nguyên tắc “một đốm, chuối sắp chín; hai đốm, chuối đã chín”. Bởi vậy, chỉ cần chuối chớm chín là đã bị họ bỏ hàng đống khổng lồ ở cảng. Tại đó, số phận đi theo hai hướng, hoặc bị đẩy xuống biển, hoặc chờ thối rữa.

Vào khoảng năm 1895, Sam - một người Nga nhập cư trẻ tuổi - đã lần đầu nhìn thấy đống chuối chín bị bỏ ở cảng Mobile, bang Alabama của nước Mỹ. Và ông đã nhận thấy cơ hội đã đến với mình. Đối với một người lớn lên trong một trang trại lúa mì tồi tàn ở Bessarabia như Sam, đống chuối chín này đúng là một đống của cải. Đem chuối này đi bán, đến tới năm 1903, Sam đã có 100.000 USD gửi trong nhà băng.

Kể từ đó, Sam bắt đầu kinh doanh cả chuối ương lẫn chuối chín. Năm 1909, ông tới Honduras, bỏ tiền mua lại và phát quang một diện tích rừng nguyên sinh lớn để trồng chuối. Sau đó, ông sử dụng một đội lính đánh thuê từ New Orleans lật đổ chính phủ Honduras và thành lập một chính phủ mới thân thiện với ông hơn.

Sam thành lập một công ty chuối chất lượng cao tại đây và cuối cùng đã thâu tóm được một hãng hoa quả lớn có tên United Fruit vào tháng 12/1932. Trước khi qua đời vào năm 1961 trong tòa dinh cơ to đẹp nhất bang New Orleans, Sam đã trải qua hàng tá công việc, từ một thợ vận chuyển, một người chăn bò, một nông dân, tới một thương nhân, một nhà hoạt động chính trị, một nhà cách mạng, một nhà từ thiện, và một giám đốc điều hành (CEO).

Từ cuộc đời và sự nghiệp kinh doanh của Sam “vua chuối”, báo Wall Street Journal đã điểm lại 5 bài học đã đưa ông từ đống chuối sắp thối rữa tới địa vị đáng mơ ước:

1. Hãy tự mình xem xét mọi việc

Khi quyết định trở thành một chủ trang trại chuối ở Honduras, Sam đã chuyển vào rừng sống. Ông tự tay trồng chuối, đi xem từng vị trí trên cánh đồng chuối và xếp chuối lên thuyền. Ông tin rằng, đây là lợi thế lớn của ông so với các sếp của United Fruit, hãng chuối lớn nhất ở thời đó mà ông đang cạnh tranh.

United Fruit có quy mô lớn hơn công ty của Sam, nhưng được điều hành từ một văn phòng ở tận Boston. Sam thì khác, ông gắn với cánh đồng chuối, hiểu các công nhân của mình đang nghĩ gì, tin gì và sợ hãi điều gì.

2. Đừng tìm cách phức tạp hóa vấn đề

Vào cuối những năm 1920, United Fruit và công ty của Sam cùng muốn giành quyền mua một mảnh đất màu mỡ nằm giữa biên giới Honduras và Guatemala. Mảnh đất này có hai chủ sở hữu, một ở Honduras và một ở Guatemala. Trong khi United Fruit thuê luật sư, tiến hành điều tra nhằm xác định xem đâu là chủ sở hữu thực sự của mảnh đất, thì Sam làm rất đơn giản: ông mua mảnh đất hai lần, mỗi lần từ một chủ sở hữu.

Một vấn đề đơn giản nên được giải quyết đơn giản.

3. Đừng tin vào chuyên gia

Vào thập niên 1930, United Fruit điêu đứng vì Đại suy thoái. Giá cổ phiếu công ty này đã giảm từ 100 USD/cổ phiếu xuống còn hơn 10 USD/cổ phiếu. Để xoay chuyển tình thế, lãnh đạo của United Fruit tham vấn các chuyên gia và nhà kinh tế, rồi nghiên cứu các báo cáo. Sam lúc này đã là cổ đông lớn nhất của United Fruit và cũng muốn có câu trả lời cho những vấn đề tương tự. Nhưng thay vì hỏi chuyên gia, ông đi tới tận bến tàu của New Orleans, tìm hiểu tình hình thông qua các thuyền trưởng và các nhà buôn hoa quả - những người hiểu rõ những gì đang diễn ra trên thực tế.

Sam đã phát hiện ra nhiều điều. Chẳng hạn, các thuyền trưởng chở chuối đã được yêu cầu đi qua Vịnh Mexico với tốc độ chỉ bằng một nửa bình thường để tiết kiệm nhiên liệu. Ông cũng được biết, trong thời gian mấy ngày kéo dài thêm trên biển đó, một phần lớn lượng chuối trên tàu chuyển từ ương sang chín. Một trong những mệnh lệnh đầu tiên của Sam khi ông tiếp quản United Fruit vào năm 1932 là không được giảm tốc độ và phải giảm quãng đường đi lòng vòng. Chỉ trong 6 tháng sau đó, giá cổ phiếu của United Fruit đã phục hồi liên tục và đạt mức 50 USD/cổ phiếu.

4. Tiền mất có thể kiếm lại được, nhưng uy tín thì một đi không trở lại

Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, Sam hợp tác với United Fruit. Hãng này hứa sẽ hỗ trợ vốn và giúp Sam phân phối sản phẩm. Đổi lại, Sam cho họ sử dụng các con tàu chở hàng của ông. Một năm nọ, khi công nhân trồng chuối ở Nicaragua đình công và phong tỏa các dòng sông ở nước này, United Fruit đã phá vỡ thế phong tỏa bằng các con tàu của Sam.

Do logo công ty của Sam được in bằng chữ lớn ở thành tàu, nên Sam đã trở thành cái tên bị căm ghét ở Nicaragua. Đó là một trong những lý do khiến Sam quyết định chấm dứt mối quan hệ đối tác với United Fruit, cho dù ông đã phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tài chính của công ty này. Theo quan điểm của Sam, một người không kiểm soát được tên tuổi và hình ảnh của mình sẽ chẳng có thứ gì.

5. Nếu bị nghi ngờ, hãy làm việc gì đó

Khi Sam tiếp quản United Fruit vào năm 1932, công ty đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ. Giá cổ phiếu của United Fruit khi đó đang trượt dần về mốc 0 USD, nhưng công nhân giỏi nhất thi nhau bỏ đi. Ngay khi tiếp quản công ty, Sam lập tức thực hiện những chuyến đi con thoi giữa Trung và Nam Mỹ, gặp gỡ công nhân trên các cánh đồng chuối và hỏi han họ.

Ông hiểu rằng, các công nhân làm việc trên cánh đồng chuối cần phải biết là đang có một người lãnh đạo họ và nếu họ biết những gì mà ông đang làm, thì họ sẽ đi theo ông tới bất kỳ đâu.

Wall Street Journal kết luận, những bài học kinh doanh của của Sam “vua chuối” có thể gói gọn như thế này: Quyền lực xuất phát từ tri thức, thông tin và kinh nghiệm - những thứ gắn với thực tế như gốc cây chuối mọc gắn với mặt đất. Nếu tách rời thực tế, bạn sẽ thất bại.

Phương Anh
Theo Wall Street Journal