40% các thương hiệu hàng xa xỉ muốn rời khỏi Trung Quốc

(Dân trí) - Đây là kết quả khảo sát do một hãng tư vấn tại Mỹ tiến hành. Có một điều đáng chú ý đó là ngay chính người tiêu dùng Trung Quốc cũng quay lưng với các sản phẩm đồ xa xỉ sản xuất tại nước này.

Cuộc khảo sát này do công ty tư vấn Capital Business Credit có trụ sở tại Mỹ tiến hành và kết quả vừa được tờ Beijing Business Today đăng tải. Theo đó có tới 40% các doanh nghiệp sản xuất hàng xa xỉ nước ngoài đang cân nhắc rời khỏi Trung Quốc để chuyển sang sản xuất tại các nước xung quanh như Việt Nam hay Philippines hoặc chuyển một phần đơn hàng sang các nước phát triển.
Các thương hiệu hạng sang không muốn sản xuất tại Trung Quốc
Các thương hiệu hạng sang không muốn sản xuất tại Trung Quốc

Theo các nhà phân tích những đợt tăng giá nhân công và nguyên liệu thô gần đây tại Trung Quốc đang khiến nước này đánh mất vị thế sản xuất vào tay các thị trường mới nổi, đặc biệt tại Đông Nam Á. 

Nhưng với ngành hàng xa xỉ, còn một nguyên nhân quan trọng hơn đó là người tiêu dùng không thích những thương hiệu gắn mác “Made in China” bởi nước này từ lâu vẫn được biết đến là vương quốc của hàng rẻ tiền. 

Số liệu của Hiệp hội hàng xa xỉ thế giới có trụ sở tại Mỹ cho thấy 86% người tiêu dùng Trung Quốc không muốn mua sản phẩm gắn mác “Made in China” vì lí do trên. Rất nhiều thương hiệu toàn cầu giờ không muốn mất khách hàng chỉ vì nhãn mác cũng như năng lực mua sắm của người Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng xa xỉ quốc tế đang tăng lên. 

Do vậy, theo tờ Financial Times, nhiều thương hiệu lớn giờ đây giấu biệt phần nhãn xuất xứ “Made in China” khỏi các vị trị dễ thấy trên sản phẩm hoặc in những nhãn này nhỏ đến mức phải dùng kính núp mới thấy.

Một chiêu khác được các nhà sản xuất áp dụng đó là vẫn sản xuất tại Trung Quốc rồi gửi qua một quốc gia châu Âu để hoàn thiện. Với cách này người mua sẽ có cảm giác sản phẩm được sản xuất tại Pháp hay Italia. 

Coach, thương hiệu hàng xa xỉ của Mỹ đầu tiên từng tự hào tuyên bố rằng hàng hóa của họ sản xuất của Trung Quốc từ năm ngoái đã thừa nhận chuyển một nửa dây chuyền sản xuất sang các nước châu Á khác. 

Thanh Tùng
Theo Want China Times