33% doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản "biến mất" chỉ làm giảm 5% giá trị

(Dân trí) - Theo VASEP, mặc dù đây có thể coi là cơ hội để cơ cấu lại ngành thuỷ sản xuất khẩu, song trong bối cảnh “khủng hoảng niềm tin”, việc hỗ trợ một cách hợp lý là giải pháp cần thiết để vực xuất khẩu thuỷ sản thoát khỏi nguy cơ sụt giảm trong tương lai.

Nửa cuối năm 2012, dự báo xuất khẩu thủy sản vẫn khó khăn.

Nửa cuối năm 2012, dự báo xuất khẩu thủy sản vẫn khó khăn.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2012, trong khi nhiều mặt hàng nông sản chính liên tục chứng kiến sự sụt giảm về kim ngạch thì thủy sản vẫn khẳng định được vị thế với con số đạt gần 1,8 tỷ USD trong 4 tháng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đây lại là mức tăng trưởng không chỉ thấp nhất trong 3 năm qua, mà còn cho thấy thực trạng khó khăn của ngành thủy sản đang gặp phải. Xét về mặt giá trị, mức tăng trưởng trên là khả quan nhưng bên cạnh đó, lợi nhuận của ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang sụt giảm - theo VASEP.

Báo cáo của tổ chức này đánh giá, thiếu vốn và “đói” nguyên liệu cùng với các chi phí đầu vào tăng cao trong khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp là những trở ngại mà doanh nghiệp thủy sản phải đối đầu trong thời điểm chồng chất khó khăn này. 

Kết quả là, 2 mặt hàng chính là tôm và cá tra đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm từ tháng 4. Trong đó, xuất khẩu tôm giảm 6,5% đạt 163,2 triệu USD, riêng tôm sú giảm gần 22% - chủ yếu do tôm chết vì dịch bệnh và nhu cầu thị trường đối với sản phẩm cao cấp không nhiều. Tiếp đến là xuất khẩu cá tra cũng chỉ đạt 143,6 triệu USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái và theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục giảm nếu doanh nghiệp và người nuôi không được tiếp sức bằng nguồn vốn vay ngân hàng.

VASEP cũng cho biết, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện nay ít thuận lợi do nhu cầu thấp tại các nước nhập khẩu, việc tiêu thụ khó khăn. Thị trường chủ lực là Châu Âu, chiếm 19,6% tỷ trọng xuất khẩu đã giảm so với gần 25% của cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính kéo dài. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Châu Âu 4 tháng đầu năm giảm gần 12%, trong đó tôm giảm gần 30% và cá tra giảm gần 14%. Trong khi đó, thị trường Mỹ được các doanh nghiệp đánh giá là tăng trưởng tốt song nếu so với năm 2011, mức tăng trưởng cũng giảm chỉ còn khoảng 1/3.  

Chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản, song tại thị trường này, các doanh nghiệp Việt cũng không hề "dễ thở" khi Nhật Bản lại đang gia tăng các rào cản kỹ thuật, đặc biệt là hàm lượng ethoxyquin trong sản phẩm tôm. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý của Việt Nam không có những động thái tích cực với Nhật Bản nhằm điều chỉnh mức giới hạn cho phép của ethoxyquin trong sản phẩm tôm của Việt Nam thì rất có thể tôm Việt Nam sẽ sụt giảm trong các quý còn lại của năm nay.

Báo cáo VASEP cũng đưa ra một thông tin đáng lưu ý, mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, song con số này không phản ánh sự suy sụp của ngành thuỷ sản xuất khẩu, vì số doanh nghiệp không còn tham gia xuất khẩu trong giai đoạn này phần lớn là những doanh nghiệp thương mại có doanh số xuất khẩu rất thấp nên chỉ làm giảm khoảng 5% giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, những doanh nghiệp có nhà máy chế biến, có vùng nuôi hoặc có quy trình sản xuất khép kín vẫn giữ được mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan so với năm trước. 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu trong 4 tháng đầu năm nay chiếm 21,5% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước, con số này cao hơn so với 19,3% của cùng kỳ năm ngoái. 

Do vậy, đây có thể coi là cơ hội để cơ cấu lại ngành thuỷ sản xuất khẩu, duy trì sự phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên, VASEP cũng cho rằng, trong bối cảnh “khủng hoảng niềm tin” của nền kinh tế, đặc biệt là ngành ngân hàng, thì việc hỗ trợ một cách hợp lý cho doanh nghiệp là giải pháp cần thiết để vực xuất khẩu thuỷ sản thoát khỏi nguy cơ sụt giảm trong tương lai.

Trước mắt, xuất khẩu thủy sản có thể tăng trong quý II và quý III nhưng khó vượt quá 10% vì xuất khẩu tôm và cá tra vẫn giảm do một số khó khăn nội tại và cả từ các thị trường bên ngoài. 

8 thách thức của XK hải sản trong những tháng đầu năm

Theo VASEP, trong những tháng đầu năm doanh nghiệp hải sản Việt Nam vấp phải 8 khó khăn, thách thức chính trong hoạt động xuất khẩu. 

1. Thiếu vốn và khó tiếp cận vốn:

2. Thiếu nguyên liệu hải sản cho chế biến xuất khẩu

Sản lượng khai thác biển tăng không nhiều so với cùng kỳ (chưa đầy 5%) nhưng tỷ lệ nguyên liệu có thể chế biến xuất khẩu lại tiếp tục sụt giảm do cơ cấu mặt hàng khai thác đã thay đổi cơ bản và lượng hao hụt do chất lượng bảo quản kém. Thêm vào đó, việc tham gia cạnh tranh mua nguyên liệu sau khai thác của doanh nghiệp Trung Quốc ở hầu hết các tỉnh diễn ra mạnh mẽ hơn, tạo thêm sức ép cho nhiều doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh nhiều khó khăn. Lượng nguyên liệu nhập khẩu về làm nguyên liệu chế biến tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ 2011.

3. Nhập khẩu nguyên liệu ngày càng khó hơn

4. Vướng mắc khi xuất khẩu vào EU do nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ cơ sở/tàu không có EU code.

5. Cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị xuất khẩu hải sản trong nước ngày càng tăng.

Với số lượng đông đảo đơn vị tham gia xuất khẩu các mặt hàng từ biển, trong đó chủ yếu là đơn vị thương mại, tại mỗi nhóm ngành hàng các đơn vị xuất khẩu trong nước đã và đang có các cạnh tranh xấu về giá, về chất lượng và các hành vi phi thương mại khác ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và chất lượng sản phẩm các mặt hàng hải sản chủ lực của Việt Nam. 

6. Chịu chung các khó khăn do chính sách bất cập (phí kiểm nghiệm để cấp HC, phí công đoàn 2%, phí môi trường bao PE, phí quản lý môi trường nước thải, phí kiểm dịch...).

7. Giá cước vận tải biển tăng cao, và cao hơn các nước trong khu vực:

Giá cước vận tải biển tăng hầu hết từ 1/3/2012 của các hãng tàu, với giá cước tăng đột biến từ 640 - 1200 USD/1 cont 20 feet, ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của hàng thủy hải sản Việt Nam trên 2 thị trường chính là Châu Âu và Mỹ. Giá cước vận chuyển biển từ Việt Nam đang cao hơn Thái Lan và Philippines từ 10 – 15%.

8. Chi phí sản xuất đã tăng cao trong vòng 1 năm qua:

Với mức tăng hầu hết 10 - 30% ở các hạng mục chi phí đầu vào: lương công nhân, điện, nước, xăng dầu, bao bì .....trong khi giá xuất khẩu thì không có mức tăng với tỷ lệ tương ứng, đã làm giảm không chỉ về tỷ suất lợi nhuận mà cơ bản là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bích Diệp