3 tỷ phú giàu nhất nước Nhật mất 4 tỷ USD vì chứng khoán

(Dân trí) - Sự lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán Nhật hai tuần gần đây đã khiến giới tỷ phú nước này “lõm” nặng. Tài sản của riêng 3 người giàu nhất nước này đã bị “thổi bay” 4,2 tỷ USD.

Tăng giá chóng mặt rồi lao dốc không ngừng, thị trường chứng khoán Nhật 2 tuần gần đây đã có những diễn biến vô cùng khó lường, khiến tài sản của các tỷ phú nước này phút chốc “không cánh mà bay”.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo ghi nhận của Bloomberg, tài sản của tỷ phú giàu nhất xứ mặt trời mọc Tadashi Yanai, chủ tịch hãng bán lẻ Fast Retailing, tính đến ngày hôm qua đã sụt giảm tới 12%, xuống còn 16,4 tỷ USD. Thê thảm hơn, tài sản của ông Masayoshi Son, chủ tịch tập đoàn viễn thông SoftBank Corp. mất tới 13%, “chỉ” còn 12,1 tỷ USD.

Trong khi đó CEO Hiroshi Mikitani của tập đoàn kinh doanh trực tuyến Rakuten Inc cũng chứng kiến tài sản của mình hao hụt 9%, xuống mức 6,6 tỷ USD.

Dù vậy thì so với đầu năm, cả 3 tỷ phú trên vẫn được hưởng lợi lớn từ đợt tăng giá mạnh nhất trên thị trường chứng khoán Nhật suốt gần 25 năm qua. Tính tổng cộng tài sản ròng của họ vẫn tăng thêm 9 tỷ USD từ đầu năm tới nay.

So với mức đỉnh ngày 22/5, chỉ số Topix của Nhật ngày hôm qua đã giảm 14%, khiến 400 tỷ USD bị “quét” khỏi thị trường. Nhưng so với các thị trường chứng khoán lớn khác, Nhật vẫn là nơi có mức tăng ấn tượng nhất trong năm nay.

Trước đó Topix đã tăng điểm tới 28% khi các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan với chính sách kích thích kinh tế của thủ tướng Shinzo Abe. Thị trường tin rằng ông Abe có thể giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng sau 15 năm giảm phát.

Những đợt nới lỏng tiền tệ chưa có tiền lệ của ngân hàng trung ương Nhật đã khiến đồng Yên giảm giá 17% so với đồng USD kể từ ngày 3/12, giúp doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cao.

Mũi tên thứ ba của Abe

Trong phiên hôm nay, thị trường chứng khoán Nhật đã phục hồi trở lại khi chỉ số Nikkei đóng cửa tăng điểm 2%, lên 13.533,76 điểm, nhờ sự tăng giá mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo CNBC, thị trường đang rất kỳ vọng vào sự tham gia của các quỹ hưu trí vào thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Nhật cũng đang kỳ vọng vào việc thủ tướng Shinzo Abe công bố “mũi tên thứ ba” trong chiến lược “3 mũi tên” của ông Abe nhằm xoay chuyển nền kinh tế. Các biện pháp này sẽ bao gồm việc hình thành các đặc khu kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

So với mức đỉnh 15.627 điểm ngày 22/5, Nikkei đã sụt mất 13%. Nếu sụt xuống 12.500 điểm, Nikkei sẽ bước vào vùng “thị trường gấu”, được định nghĩa là khi một chỉ số chứng khoán giảm hơn 20% so với mức đóng cửa cao nhất.

Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng những biến động vừa qua đang báo hiệu những thay đổi lớn, tương tự như những gì từng xảy ra khi Fed can thiệp vào kinh tế Mỹ. Và cuối cùng thị trường sẽ bình ổn trở lại, ông Shogo Fujita, trưởng bộ phận chiến lược trái phiếu Nhật của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch khẳng định.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg, CNBC