1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

3 tháng nữa sẽ “cháy” số di động?

Năm 2006, Bộ BCVT đã cấp đầu số 097 cho Viettel, và 093, 094 cho VNPT. Trên lý thuyết, với 9 đầu số được cấp ra sẽ có khoảng 90 triệu thuê bao, thế những chỉ một năm sau các mạng di động GSM lại đứng trước nguy cơ “cháy” số với khoảng 15 triệu thuê bao thực. Tài nguyên kho số đang bị sử dụng một cách quá lãng phí.

Hệ quả của “mua sim thay mua thẻ nạp tiền”

Theo ông Hoàng Trung Hải, Giám đốc Vinaphone, hiện các mạng di động đã phải lao vào các cuộc đua khuyến mãi chưa có điểm dừng. Cuộc đua này đã gây ra hiện tượng  tâm lý khách hàng “mua sim thay cho mua thẻ” để tiết kiệm cước phí, và hệ quả là thuê bao ảo và lãng phí kho số quá lớn.

“Nếu cứ tốc độ phát triển thuê bao ảo như hiện nay chỉ trong vòng 3 - 4 tháng nữa sẽ hết kho số. Như vậy, sẽ phải thêm một số hoặc mã mạng mới và tốn kém không nhỏ đối với nhà khai thác cũng như đối với xã hội. Trước vấn đề này, Vinaphone đã phải sử dụng rất dè dặt để tăng hiệu quả sử dụng kho số được cấp”, ông Hoàng Trung Hải nói.

Còn ông Phạm Ngọc Tú, Phó trưởng phòng kinh doanh của VinaPhone bổ sung: “Hiện nay, các dải số 0911, 0910, 0941 và 0940 không được dùng. Như vậy, trên lý thuyết hai đầu số mà Bộ BCVT cấp cho Vinaphone sẽ có 16 triệu thuê bao, trong khi đó Vinphone sẽ phải để lại một dải số (1 triệu số) để dự phòng đổi số. Như vậy sẽ chỉ còn 15 triệu số được sử dụng thực tế. Hiện đầu số 094 của Vinaphone chỉ còn 4 dải số. Với tốc độ phát triển như hiện nay, chỉ trong vòng vài tháng nữa mạng Vinaphone sẽ “cháy” số”.

MobiFone cũng thừa nhận việc khuyến mãi nhiều tạo ra thuê bao ảo và lãng phí kho số. Nhưng nếu không khuyến mãi thì khó phát triển được thuê bao. Vì vậy, họ biết đã đứng trước nguy cơ “cháy” số nhưng “đâm lao thì phải theo lao”.

Ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng Marketing của MobiFone cho biết, hiện cả hai đầu số là 090 và 093 đã được MobiFone sử dụng gần hết. Mới đây, MobiFone đã đề nghị Bộ BCVT cấp nốt 3 dải số (tương đương với 3 triệu số) trong đầu số 093 để mạng di động này đưa vào kinh doanh. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì 3 triệu số này cũng chỉ đáp ứng cho khoảng 3 tháng.

Cùng cảnh với hai mạng di động trên, ông Bùi Quang Tuyến, Phó giám đốc Viettel Telecom cho biết, dù đã được cấp đầu số 097 (tương đương với 10 triệu số) nhưng đến thời điểm này đầu số 097 cũng chỉ còn 2 dải số (tương đương với 2 triệu số).

Sẽ quy định về sử dụng hiệu quả kho số

Mặc dù các mạng di động cho rằng, việc sử dụng tài nguyên kho số như hiện nay là lãng phí và họ phải trả phí kho số cho cả những số ảo này. Tuy nhiên, nếu so mức phí kho số như hiện nay với cuộc chiến giành thuê bao thì đây chưa phải là vấn đề đáng lo ngại.

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ BCVT cho rằng, kho số là tài nguyên quốc gia, cần có sự quy hoạch và sử dụng hiệu quả. Trên lý thuyết, Bộ BCVT đã cấp ra 9 đầu số 90 triệu số cho các mạng di động. Tuy nhiên, do hiệu suất sử dụng kho số quá thấp nên các mạng di động sắp phải đối mặt với nguy cơ “cháy” số.

Trước tình trạng lãng phí tài nguyên số như hiện nay sẽ phải triển khai hai giải pháp là thêm mã mạng mới (đầu số 01) hoặc kéo dài thêm số thuê bao. Nếu thêm đầu mã mạng mới trên lý thuyết sẽ có 10 đầu số mới tương ứng với 100 triệu thuê bao, còn kéo dài thêm số sẽ có 1 tỷ thuê bao.

Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, việc thêm mã mạng mới sẽ đỡ phức tạp hơn việc kéo dài số di động, bởi phương án kéo dài số thuê bao sẽ gây khó khăn cho khách hàng và tốn kém chi phí cho xã hội.

Để hạn chế vấn đề lãng phí kho số, ông Phạm Hồng Hải cho biết, sắp tới Bộ BCVT sẽ đưa ra quy định về hiệu quả sử dụng kho số. “Tại Singapore, các nhà khai thác di động phải sử dụng phải đạt hiệu năng sử dụng tới 70% kho số được cấp mới được cấp thêm kho số mới.

Hiện Bộ đang làm việc với các doanh nghiệp để đưa ra con số quy định về mức sử dụng hiệu quả kho số ở mức độ nào đấy thì mới được cấp tiếp. Hiện Bộ dự kiến đưa ra hiệu suất sử dụng kho số ở mức 70% đối với di động và 85% đối với cố định thì mới được cấp thêm kho số mới”, ông Phạm Hồng Hải nói.

Theo Thái Khang
Báo Bưu điện