3 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD

(Dân trí) - Năm 2010, kinh tế thế giới đã vượt qua khủng hoảng, công tác quản lí chất lượng ATVSTP, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh đã tạo nên “thắng lợi kép”, tăng cả về lượng lẫn giá trị cho hoạt động xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản Việt Nam.

3 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD - 1
Thủy sản xuất khẩu đem lại cho Việt Nam hơn 3 tỉ USD trong năm 2010
 
Sáng 27/12, tại buổi họp tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2010, 5 năm 2006 - 2010 và kế hoạch của 5 năm tiếp theo 2011 - 2015, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt 2,8% (năm 2009 đạt 1,83%), tốc độ tăng trưởng bình quân 2006 - 2010 đạt 3,36%, vượt mức mục tiêu 3 - 3,2%/năm của Đại hội Đảng X đề ra.
 
Giá trị sản xuất toàn ngành ước tăng 4,69%, bình quân tăng 4,93%/năm (mục tiêu kế hoạch là 4,5%) trong giai đoạn 2006 - 2010. Riêng ngành nông lâm thủy sản, xuất khẩu tăng cao và đạt “thắng lợi kép” về cả lượng lẫn giá trị. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức kỉ lục, ước đạt 19,15 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm 2009...
 
Trong đó có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD là thủy sản, đồ gỗ, gạo. Mặt hàng cao su có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD còn 2 mặt hàng cà phê và hạt điều có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
 
Ngoài vấn đề về xuất khẩu nông lâm thủy sản, báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy điều kiện sống của dân cư nông thôn tiếp tục được cải thiện, tỉ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 83%, vượt mục tiêu 75% kế hoạch 5 năm của Đại hội Đảng X. Các nguồn tài nguyên và môi trường nông nghiệp được bảo vệ và sử dụng theo hước bền vững có hiệu quả.
 
Ngành nông nghiệp xác định cụ thể mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015), đạt được sự tăng trưởng bền vững, chất lượng, cải thiện cơ bản điều kiện sống của dân cư nông thôn nhất là người nghèo, bảo vệ rừng và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
 
Theo đó, ngành nông nghiệp đặt ra 6 mục tiêu cụ thể: Tăng trưởng kinh tế ngành cao, bền vững và có chất lượng thông qua nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và chất lượng sản phẩm; Cải thiện mức sống và điều kiện sống dân cứ nông thôn, đặc biệt là người nghèo; Phát triển hệ thông hạ tầng đáp ứng kịp yêu cầu sản xuất đời sống; Nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; Sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên và môi trường bền vững; Nâng cao năng lực, thể chế để quản lí ngành năng động có hiệu quả.
 
H. Ngân