1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

2012: Nên phá sản thêm 30% doanh nghiệp

Địa phương nào cũng muốn có cảng, sân bay mà không cần biết có phù hợp với điều kiện kinh tế vùng hay không.

2012: Nên phá sản thêm 30% doanh nghiệp - 1
Việc đầu tư KCN một cách dàn trải, thiếu tính toán đã gây lãng phí lớn về vốn đầu tư và quỹ đất, trong khi hiệu quả đem lại thấp.

 

“Nền kinh tế đang lâm vào vùng xoáy của lạm pháp cho nên chúng ta cần phải nhìn lại toàn bộ chính sách của mình. Trong tình hình khó khăn mà các chỉ tiêu đưa ra lại bình thường và có xu hướng tăng là bất hợp lý”. Đó là nhận định của PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tại hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng năm 2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2011-2015 diễn ra ngày 23/9.

 

Cái nhìn đối chiếu từ Nhật

 

Theo ông Thiên, tổng giá trị nền kinh tế chúng ta có khoảng 100 tỉ USD nhưng có tới 100 ngành hàng thương mại, hàng trăm công ty tài chính, chứng khoán, 22 sân bay (trong đó có tám sân bay quốc tế), tới 100 cảng, 650 cụm công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển, 27 khu kinh tế cửa khẩu…

 

Trong khi ở Nhật Bản, nền kinh tế lên tới 4.500 tỉ USD nhưng chỉ có bốn sân bay quốc tế. Như vậy, trong tình hình của Việt Nam, nếu chúng ta thử chia ra đầu người thì mỗi cụm này sản xuất được bao nhiêu đôla mỗi năm. Thực ra không nhiều, điều đó cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang quá tải.

 

“Theo tôi, nền kinh tế địa phương đang phải gồng mình lên nuôi các khu công nghiệp, các khu kinh tế, chứ không phải khu công nghiệp đang nuôi nền kinh tế” - ông Thiên khẳng định.

 

Đồng tình với ý kiến của ông Thiên, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nói: “Tôi đi từ tỉnh này đến tỉnh kia thấy bờ sông nào bây giờ cũng xây dựng khu công nghiệp hết. Địa phương nào cũng muốn có cảng mà không cần biết có thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế vùng hay không”.

 

Từ đó, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, đề nghị phải đình chỉ việc tăng thêm các khu công nghiệp. “Tôi đi qua phía biên giới Campuchia thấy có 6-7 khu công nghiệp. Mỗi khu công nghiệp chiếm vài hecta là được rồi cần gì đến vài chục hecta.

 

Diện tích đất nông nghiệp của nông dân bị chiếm dụng quá lớn, gây náo loạn và lãng phí. Có những khu công nghiệp hệ thống hổ lốn, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu rất lãng phí. Vậy công nghiệp đang “hại” nền kinh tế chứ không phải cứu nền kinh tế” - ông Lược khẳng định.

 

Lạm phát dồn vào bốn tháng cuối năm

 

Không chỉ đầu tư dàn trải gây lãng phí ở các địa phương, hiện nay còn rất nhiều vấn đề nổi cộm trong nền kinh tế làm lòng tin của người dân bị giảm sút.

 

Nhận định về tình hình hiện nay, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho hay nền kinh tế thế giới hiện nay bước vào giai đoạn cực kỳ khập khiễng ảnh hưởng từ suy thoái ở nước Mỹ, nợ công ở châu Âu… Chính vì thế sức mạnh kinh tế đang dịch chuyển từ Đông Á sang châu Á, trong đó có Việt Nam.

 

Còn ở nước ta, theo ông Thành, gánh nặng lạm phát vẫn đè nặng lên những tháng cuối năm và tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn. Nền tảng kinh tế vĩ mô của chúng ta chưa hề được cải thiện. Cán cân thanh toán thâm hụt, nợ công cao, rủi ro ngân hàng vẫn đang rình rập. Chính vì lẽ đó, áp lực về nới lỏng tiền tệ, tiền đồng bị phá giá, dự trữ ngoại hối giảm… đang đè lên nền kinh tế.

 

Nhà đầu tư nước ngoài dao động

 

Nói riêng về doanh nghiệp, có chuyên gia nhận định nếu phá sản thêm 30% doanh nghiệp nữa thì cũng nên. “Tuy nhiên, cái mà tôi muốn nói là tình trạng nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu nghi ngờ quyết tâm, tính kiên trì, nhẫn nại của Việt Nam. Một tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á đã điện thoại cho tôi bày tỏ nỗi lo lắng này” - ông Thành nói.

 

Bên cạnh đó, theo ông Thành, cuối tháng 9 là thời điểm đến đợt tăng lương cũng sẽ là một vấn đề ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chúng ta vẫn chưa thực sự thoát được vòng xoáy đôla hóa vì thế cần có thông điệp rõ ràng trong chính sách. Trong suốt năm năm tới, cần đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô làm chuẩn.

 

Riêng năm tới, việc kiềm chế lạm phát sẽ phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách. Đến các năm tiếp theo thì kéo lạm phát về 5%-6%. Muốn như vậy, Bộ KH&ĐT phải có những giải pháp cụ thể để đưa thâm hụt ngân sách dần dần giảm xuống 3%.

 

Theo Yên Trang

Pháp luật TP.HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm