20 tuổi kiếm 40 tỷ trên mạng, 39 tuổi làm chủ tịch tổng công ty nhà nước
Câu chuyện một người trẻ mới 20 tuổi đã kiếm tiền hơn 40 tỷ đồng, khoản tiền lớn 3,5 triệu USD của Phan Sào Nam vẫn còn đang ở nước ngoài,... được dư luận đặc biệt quan tâm tuần qua.
20 tuổi kiếm 40 tỷ trên mạng
Theo cơ quan thuế TP.HCM, một cá nhân đã viết chương trình trò chơi được tải nhiều trên mạng Google, Facebook, Youtube, chạy quảng cáo trên các chương trình này và trả hơn 41 tỷ đồng trong 2 năm nhưng không kê khai thuế với cơ quan thuế. Tổng số tiền thuế truy thu, tính thêm tiền chậm nộp, phạt là 4,1 tỷ đồng cho hành vi “quên” khai báo thuế trong 2 năm qua.
Bên cạnh cá nhân có thu nhập 41 tỷ đồng, Cục Thuế TP.HCM cho biết còn một trường hợp khác thu nhập khủng lên đến 20-30 tỷ đồng nhưng cơ quan thuế hiện giờ chưa liên lạc được.
Năm 2014, Nguyễn Hà Đông, tác giả của game Flappy Bird, đã kiếm được 210 tỷ đồng (ước tính) từ quảng cáo. “Chú chim Flappy” đã biến “cha đẻ” của nó thành triệu phú sau 1 đêm.
Theo số liệu, Flappy Bird đã đạt hơn 50 triệu lượt tải và 90.000 lượt đánh giá chỉ trong vòng khoảng 9 tháng tồn tại, trở thành một trong những game ăn khách nhất. Với doanh thu khủng đến từ quảng cáo game Flappy Bird chủ yếu trên Google, Apple, nhiều giả thiết đưa ra, Nguyễn Hà Đông đã thu về khoảng 50.000 USD/ngày (khoảng 1 tỷ đồng).
Đến năm 2015, sau khi có đầy đủ các văn bản và quy định liên quan, cơ quan thuế đã trực tiếp hướng dẫn cá nhân Nguyễn Hà Đông kê khai và nộp thuế diễn ra khá thuận lợi và cha đẻ của Flappy Bird cũng "tự giác" nộp thuế với số tiền tính đến thời điểm cuối năm 2015 là 1,4 tỷ đồng.
39 tuổi làm chủ tịch tổng công ty
Ông Hồ Lê Nghĩa, sinh năm 1979, vừa được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) thay cho ông Vũ Văn Cường sẽ về hưu vào tháng 9 tới.
Tại Vinataba, ông Hồ Lê Nghĩa lần lượt đảm nhận các chức vụ: Trưởng ban kiểm soát nội bộ Tổng công ty (1/2016 đến nay), người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Công ty TNHH Liên doanh BAT - Vinataba (từ tháng 10/2015-10/2017). Ông cũng kiêm nhiệm thành viên HĐTV tổng công ty.
Đại gia Mai Hữu Tín đau đớn
Gỗ Trường Thành (TTF) của cựu chủ tịch Võ Trường Thành (giờ về tay Unigroup của ông Mai Hữu Tín) là doanh nghiệp lỗ lớn nhất trên sàn chứng khoán với lũy kế 6 tháng lên tới hơn 560 tỷ đồng.
CTCP Xây dựng U&I thuộc UniGroup của ông Mai Hữu Tín hiện là cổ đông lớn nhất tại Gỗ Trường Thành sau khi SAM Holdings bán cổ phiếu, không còn là cổ đông lớn. Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund là cổ đông lớn thứ 2 sau khi mua cổ phần TTF hồi đầu năm.
Gần đây, chia sẻ về triển vọng của TTF, ông Mai Hữu Tín cho rằng Gỗ Trường Thành sẽ còn phải trải qua những đau đớn nhất định.
Trước đó, trong năm 2017, ông Võ Trường Thành đã buộc phải chấp nhận mất nghiệp gỗ gây dựng trong nhiều năm do làm ăn thua lỗ triền miên và phải chấp nhận để các đại gia đổ ngàn tỷ vào giúp TTF tránh khỏi thảm kịch sụp đổ. Tuy nhiên, đến nay Trường Thành đúng là một khúc gỗ khó nhằn thách thức các đại gia.
Đại gia Dương Ngọc Minh vẫn ôm lỗ “khủng”
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Hùng Vương, cho biết, công ty này đang trong quá trình cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc thanh lý một số khoản đầu tư và tài sản cố định.
Trong đó đã thoái toàn bộ vốn tại Sao Ta (lãi trên 213 tỷ đồng), Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (lãi trên 187 tỷ đồng); thanh lý bất động sản tại công ty con (bán lô đất 765 Hồng Bàng, TPHCM, lãi 229 tỷ đồng); đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả...
Số liệu bảng cân đối kế toán cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của Hùng Vương đã giảm hơn 5.606 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 40% và hiện đạt mức 8.270 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 3.766 tỷ đồng và tài sản dài hạn giảm hơn 1.840 tỷ đồng.
Thu hồi dự án liên quan đến con ông Trần Bắc Hà
Dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chính thức bị UBND ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư từ tháng 7/2018. Lý do doanh nghiệp này không triển khai dự án.
Dự án nằm giữa khu đất “vàng” TP Quy Nhơn, được cho là thuộc sở hữu của doanh nghiệp (DN) do 2 con ông Trần Bắc Hà làm giám đốc, chủ tịch HĐQT. Mục tiêu của dự án là xây dựng khu tổ hợp thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp và khách sạn với quy mô gồm 2 tòa tháp cao 39 tầng, tổng số phòng là 576, trong đó 274 căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê, 302 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, spa...
Facebook Việt Nam thay lãnh đạo
Trên trang cá nhân, ông Huỳnh Kim Tước đã nói lời chia tay Facebook và cảm ơn những người bạn đã đồng hành trong suốt 8 năm qua và bày tỏ niềm vui khi có cơ hội được phục vụ cộng đồng thông qua công việc tại Facebook.
Ông Huỳnh Kim Tước là Việt kiều Mỹ. Năm 2005, ông đảm nhận vị trí cố vấn thị trường Việt Nam cho Google và đến đầu năm 2011 ông Tước thông báo đã làm việc cho Facebook. Mặc dù có thời gian khá dài là đại diện cho Facebook tại Việt Nam nhưng ông Tước rất hiếm khi trả lời truyền thông hoặc lên tiếng liên quan đến những vấn đề về chính sách, định hướng hay trách nhiệm của Facebook tại thị trường Việt Nam.
Ông chủ Sky Mining ăn chơi xa xỉ
Những buổi tiệc linh đình, trao xe xịn của ông Lê Minh Tâm - Tổng giám đốc Sky Mining đã khiến nhiều nhà đầu tư loá mắt. Hàng trăm nhà đầu tư sập bẫy tiền ảo đa cấp không chỉ do mức lãi suất béo bở lên tới 300%.
Để chứng minh khả năng tài chính mạnh, Sky Mining sẵn sàng chịu chi phí tiền điện hàng tháng theo giá điện sản xuất (Hạ biến áp riêng phải từ 400KVA trở lên) cho các phân xưởng. Chi phí setup dự trù khoảng 300 triệu đồng, cũng sẽ được Sky Mining sẽ chịu một nửa, phần còn lại là do nhà đầu tư.
Thậm chí, để trấn an khách hàng, công ty này còn đưa mức hỗ trợ chi phí vận hành 250.000 đồng/máy đào coin. Số tiền hỗ trợ cho công xưởng ít nhất là 75 triệu đồng và được chuyển cho người lập phân xưởng hàng tháng.
Đêm 29/7, ông Lê Minh Tâm bất ngờ đăng tải đoạn video giải thích vụ việc lùm xùm tại Sky Mining những ngày qua và cho biết đang đi Mỹ để "chữa bệnh", hứa sẽ về giải quyết những rắc rối với các nhà đầu tư.
Ông 'trùm' Nguyễn Hữu Tiến
Theo Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, trong khoảng thời gian từ tháng 8-12/2016, Cty CP OTCMAX của Nguyễn Hữu Tiến đã ký kết với hơn 6.000 nhà đầu tư, tổng số tiền Tiến thu hơn 200 tỷ đồng.
Sau khi nhận tiền của các nhà đầu tư, Tiến đã không triển khai các dự án như đã hứa với các nhà đầu tư. Khoản tiền này Tiến đã dùng vào mục đích khác như trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, trả tiền thuê trụ sở công ty, thuê địa điểm tổ chức các hội thảo, tiệc chiêu đãi khách... hết 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tiến còn chi mua các trang thiết bị và chi phí thường xuyên cho hoạt động của công ty hết 15 tỷ đồng; trả lương cho nhân viên cũng hết 7 tỷ đồng. Tiến còn dùng số tiền của nhà đầu tư trả 1 tỷ đồng tiền mua 1 xe ô tô hiệu Camry do Cty Thiên Rồng Việt mua trả góp trước đó. Số tiền còn lại khoảng 22 tỷ đồng, Tiến đã tiêu xài cá nhân như uống café, ăn nhậu, tiếp khách…
Chưa thu hồi được 3,5 triệu USD của Phan Sào Nam
Bộ Công an đang phối hợp với VKSND Tối cao thành lập một chuyên án phối hợp với Cảnh sát quốc tế (Inerpol) tại Singapore để thu hồi số tiền 3,5 triệu USD của Phan Sào Nam.
Quá trình điều tra, Phan Sào Nam thừa nhận hành vi phạm tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”, đồng thời tích cực cùng người thân nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính. Đến nay cơ quan điều tra đã tạm giữ số tiền hơn 850 tỷ đồng, phong tỏa gần 77 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng, kê biên 2 ngôi nhà trị giá theo hợp đồng là 12,4 tỷ đồng, phong tỏa 13 hợp đồng mua bán căn hộ với trị giá gần 140 tỷ đồng và tạm giữ 5 ô tô các loại. Tổng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo Bảo Anh
VietnamNet