20 năm thu hút ĐTNN: Bước nhảy và sự thay đổi

(Dân trí) - Ngoài những thành tựu đạt được, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam trong 20 năm qua vẫn còn những hạn chế cần khắc phục…

Không có sự khác biệt

Tính đến nay, cả nước có khoảng 9.500 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được cấp phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 98 tỷ USD.

Trừ các dự án đã hết thời hạn hoạt động và giải thể trước thời hạn, hiện có 8.590 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt trên 83 tỷ USD.

Riêng năm 2007, thu hút ĐTNN đạt 20,3 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2006, gần bằng tổng mức đầu tư nước ngoài cuat 5 năm 2001 - 2005 và chiếm tới gần 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 20 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Đoan cho biết, sau 20 năm mở cửa thu hút ĐTNN, hiện có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó các nước và vùng lãnh thổ thuộc Châu Á chiếm 69% tổng vốn đầu tư đăng ký, Châu Âu chiếm 24%, các nước Châu Mỹ chiếm 5%.

Trong đó vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất là Hàn Quốc (vốn đăng ký trên 13 tỷ USD), Singapore đạt 10,7 tỷ USD, Đài Loan đạt 10,5 tỷ USD, Nhật Bản đạt trên 9 tỷ USD…

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh, điều đặc biệt trong quá trình thu hút ĐTNN là đã có trên 100 tập đoàn lớn thuộc danh sách 500 tập đoàn lớn nhất thế giới có đầu tư tại Việt Nam.

Khác với thời kỳ đầu, hình thức đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài cũng có sự thay đổi. Ban đầu nhà ĐTNN đa phần chọn hình thức liên doanh nhưng kể từ năm 1998, hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài là chủ yếu.

Phức tạp và tốn kém

Tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian qua có sự đóng góp đáng kể của nguồn vốn ĐTNN. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu đãi từ chính sách, việc các nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào Việt Nam cũng còn đang gặp nhiều trở ngại.

Theo điều tra của Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) vừa được công bố ngày 24/1/2008, có những quy định quá phức tạp và gây tốn kém cho nhà đầu tư.

Theo điều tra này, ước tính 50% số giấy phéo và giấy phép con không hợp pháp, hơn 2.900 loại giấy phép không hoàn toàn phù hợp với quy định của luật pháp. Trong khi đó, vẫn có 22 loại công cụ pháp lý gây nhầm lẫn, trùng lặp và tạo gánh nặng cho doanh nghiệp…

Tổng Thư ký Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi, nói trong suốt 20 năm qua đã có sự chuyển dịch và chúng ta thấy rằng các nhà ĐTNN đã bước đầu quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Qua đó, Việt Nam cũng trở thành một điểm sáng trong bản đồ về thu hút FDI và là sự lựa chọn của nhiều công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, cộng đồng các nhà ĐTNN tại Việt Nam vẫn là một cộng đồng tương đối khép kín.

Trần Hưng