2 sinh viên ở trọ, nhận tiền công "bèo" đi bán pháo hoa Z121 giả

Ghi Du

(Dân trí) - Một cá nhân ở Hà Tĩnh, thu mua lượng lớn pháo hoa giả mạo pháo hoa công ty của Bộ Quốc phòng trên mạng xã hội. Sau đó, người này trả 20.000-50.000 đồng/giàn cho 2 sinh viên ở Hà Nội nếu bán được hàng.

Ngày 12/10, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 phối hợp với Đội QLTT số 4, Cục QLTT TP Hà Nội bất ngờ kiểm tra một phòng trọ tại phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện số lượng lớn pháo các loại giả mạo của Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (Z121) - Bộ Quốc phòng.

Cụ thể, lực lượng chức năng kiểm đếm được 1.459 ống pháo hoa với nhiều kích cỡ được đóng trong các hộp và giàn phóng, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ.

Làm việc với lực lượng chức năng, hai sinh viên trong phòng trọ này cho biết được một đối tượng ở Hà Tĩnh gửi pháo hoa ra cho để bán và sẽ trả tiền công theo từng loại pháo hoa bán được, với vòng bé được trả công 20.000-30.000 đồng/giàn, giàn to là 50.000 đồng/giàn. Đối tượng ở Hà Tĩnh còn nói pháo hoa của Bộ Quốc phòng, có nguồn gốc sản xuất.

Theo lực lượng quản lý thị trường, đây là vụ việc đầu tiên phát hiện hàng hóa giả mạo là pháo hoa, mặt hàng được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật để đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, an toàn đến sức khỏe, tính mạng của con người.

2 sinh viên ở trọ, nhận tiền công bèo đi bán pháo hoa Z121 giả  - 1

Việc tàng trữ pháo hoa trong nhà tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao (Ảnh: QLTT).

Làm việc với cơ quan chức năng, bà Hồ Thị Quỳnh Trang, chủ lô hàng cho biết bên cạnh số hàng hóa là 1.459 ống phóng pháo hoa với nhiều kích cỡ, hiện tại vẫn còn 486 ống pháo hoa giả mạo nhãn hàng hóa được bà Trang mua trôi nổi về kinh doanh.

Toàn bộ số hàng hóa này (486 ống) đang được để tại nhà tại địa chỉ xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Bà Trang xin được tự nguyện giao nộp.

Bà Trang thừa nhận đã sử dụng tài khoản Zalo với tên "Chang Hồ" để đăng tải hình ảnh và kinh doanh các loại hàng hóa là pháo hoa giả.

Lãnh đạo Đội QLTT số 1 cho biết hiện tại, hoạt động kinh doanh pháo hoa được quy định cụ thể trong Nghị định 137/2020, tuy nhiên, trong Nghị định không có quy định cụ thể về xử lý pháo hoa giả. Chính vì vậy, Đội QLTT số 1 đề nghị lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp để cùng lập hồ sơ xử lý vụ việc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.