16,6 triệu khách hàng đã đối chiếu dữ liệu sinh trắc học

Thảo Thu

(Dân trí) - Hệ thống ngân hàng ghi nhận 16,6 triệu khách hàng đối chiếu thông tin sinh trắc học. 90% người làm xác thực online và 10% khách hàng thực hiện tại quầy ngân hàng.

Thông tin về dữ liệu sinh trắc học được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nêu tại Hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng được tổ chức sáng 4/7.

90% trong hơn 16 triệu người làm xác thực sinh trắc học online

Ông Dũng thông tin, đến 17h ngày 3/7, toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận 16,6 triệu khách hàng đối chiếu thông tin sinh trắc học. Trong đó, 90% người làm xác thực online và 10% khách hàng thực hiện tại quầy ngân hàng.

Còn tính riêng ngày 3/7, đã có 23 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng và không phát sinh vướng mắc nào. "Mỗi giao dịch chỉ tốn thêm 3 giây để thực hiện, nhưng đảm bảo xác thực đúng khách hàng thực hiện giao dịch", ông nói.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, bình quân một ngày trên hệ thống giao dịch của các ngân hàng có khoảng 1,8-2 triệu giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng. "Ngân hàng nhà nước kiểm soát giao dịch hàng giờ nhằm mục tiêu kiểm soát giao dịch bất thường", Phó Thống đốc chia sẻ.

16,6 triệu khách hàng đã đối chiếu dữ liệu sinh trắc học - 1

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng (Ảnh: SBV).

Chia sẻ về một số vướng mắc khách hàng gặp phải trong việc xác thực dữ liệu sinh trắc học những ngày qua, ông Dũng cho rằng vướng mắc phổ biến nhất là việc quét NFC (Near-Field Communications) là công nghệ kết nối không dây. Các ngân hàng đã hỗ trợ tích cực khách hàng vấn đề này. Với những thiết bị điện thoại không hỗ trợ kết nối NFC, khách hàng ra ngân hàng để nhờ xử lý.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói 2 ngày qua, 4 ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đã hỗ trợ khách hàng 24/24 tại tất cả chi nhánh. Số lượng khách hàng ra quầy ngân hàng nhờ hỗ trợ cho đến hôm qua (3/7) đã giảm nhiều.

Tuy vậy, Phó thống đốc cũng cho biết trong ngày đầu áp dụng công nghệ xác thực dữ liệu sinh trắc học có hiện tượng một số giao dịch không thực hiện được, nhưng hiện tượng này chỉ xảy ra cục bộ ở một vài ngân hàng, đến ngày 2/7 đã được khắc phục.

Một vướng mắc khác liên quan việc xác thực dữ liệu là khách hàng không có căn cước công dân (CCCD) gắn chip, chỉ có chứng minh nhân dân (CMND) hoặc CCCD không gắn chip.

Nhóm khách hàng này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ và đến nay hầu hết đã được hỗ trợ tại quầy. Trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ mời tất cả khách hàng còn lại ra quầy để hỗ trợ xác thực thông tin sinh trắc học.

Về phản ánh có tình trạng dùng ảnh tĩnh quét vào xác thực khuôn mặt để thực hiện giao dịch, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết do trong ngày đầu áp dụng một số ngân hàng phát sinh lượng giao dịch quá lớn nên đã tắt tính năng này để giao dịch diễn ra thông suốt.

"Quan điểm của tôi trong những ngày đầu cũng là ưu tiên giao dịch thông suốt. Khi các ngân hàng áp dụng giải pháp mới để tăng bảo mật, không có nghĩa là loại bỏ các tính năng bảo mật trước đó", ông Dũng nói.

Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh việc áp dụng các công nghệ mới này là để hạn chế giao dịch lừa đảo, giảm thiểu sử dụng tài khoản ngân hàng chứa tiền lừa đảo. Ông nói: "Ngân hàng nào chứa tiền lừa đảo mà không truy vết được thì đó là ngân hàng có công nghệ kém, khách hàng sẽ rời bỏ".

"Một số vướng mắc có thể là hệ thống cập nhật, giao dịch chưa mượt nhưng cơ bản sẽ được xử lý trong thời gian tới", ông Dũng khẳng định.

Lý giải việc ngành ngân hàng không triển khai công nghệ này trong 2-3 năm trước mà lại thực hiện từ 1/7 năm nay, ông Dũng cho biết: "3 năm trước muốn làm, có tiền cũng không thể làm được" do không có cơ sở dữ liệu. Phía Ngân hàng Nhà nước cần nhờ đến Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) trực thuộc Bộ Công an để có dữ liệu triển khai.

Theo Quyết định số 2345, từ 1/7, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Việc triển khai quyết định này góp phần bảo đảm các giao dịch thanh toán trực tuyến chỉ được thực hiện bởi chính chủ tài khoản, qua đó sẽ nâng cao an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán trực tuyến, giảm thiểu rủi ro gian lận, lừa đảo trong giao dịch thanh toán trực tuyến, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm.

Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.