16.000 tỷ USD bí mật cứu các ngân hàng Mỹ?
Các thanh tra tài chính độc lập của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) đã phát hiện Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bí mật sử dụng tới 16.000 tỷ USD để cứu trợ các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây.
Phát hiện này đã làm tăng nghi ngờ về các hoạt động không minh bạch của hệ thống ngân hàng Trung ương của Mỹ.
Tuyên bố của GAO cho biết từ cuối năm 2007 đến giữa năm ngoái, FED đã thông qua khoản cho vay khẩn cấp để cứu trợ khu vực tài chính vượt qua căng thẳng trên thị trường tín dụng và tránh sự đổ vỡ của các thể chế tài chính có thể đe dọa ổn định hệ thống tài chính Mỹ.
Đa số các khoản cho vay khẩn cấp này được lấy từ FED bang New York. Quy mô và tính chất của sự trợ giúp này cho thấy sự mở rộng chưa từng thấy vai trò truyền thống của hệ thống FED như là người cứu trợ cuối cùng các thể chế tài chính đang trong tình trạng nguy hiểm.
Các khoản cho vay khẩn cấp gồm tám chương trình lớn cung cấp trợ giúp cho các thể chế tài chính lớn mua lại các tập đoàn tài chính phá sản hoặc giữ cho Tập đoàn bảo hiểm đa quốc gia AIG của Mỹ khỏi phá sản.
Các khoản cho vay khẩn cấp lớn nhất trong ba năm từ 2007-2010 gồm 2.500 tỷ cho tập đoàn Citi Group, 2.000 tỷ USD cho Tập đoàn tài chính Morgan Stanley, 1.900 tỷ USD cho Tập đoàn Merryll Lynch và 1.300 tỷ USD cho Ngân hàng Bank of America. Tất cả các khoản cho vay khẩn cấp ngắn hạn đã được trả hoặc chuẩn bị được hoàn trả.
Mặc dù không cơ quan nào của Chính phủ Mỹ được phép cứu trợ các thể chế tài chính nước ngoài nếu không được phép của Quốc hội và Tổng thống Mỹ, nhưng nhiều ngân hàng lớn ở châu Âu đã nhận được khoản cho vay khẩn cấp của FED, như ngân hàng Barclays và Tập đoàn ngân hàng hoàng gia Scotland của Anh, Deutsche Bank và Dresdner Bank của Đức, UBS và Credit Suisse của Thuỵ Sĩ, BNP Paribas và Société Général của Pháp, Dexia của Bỉ.
Theo TTXVN/Vietnam+