15 ngày đầu năm, ngân sách bội chi rất lớn, đạt gần 19.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội tháng 1/2017, tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu năm đạt 18.400 tỷ đồng, tổng chi đạt hơn 37.300 tỷ đồng. Như vậy, bội chi của ngân sách 15 ngày đầu năm 2017 rất lớn gần 19.000 tỷ đồng, trung bình một ngày là 1.260 tỷ đồng.

Cụ thể, về thu ngân sách, nửa tháng 1/2017 ước tính đạt 18.400 tỷ đồng, bằng 1,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 12.500 tỷ đồng, thu từ dầu thô 470 tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 5.400 tỷ đồng.

Tình hình bội chi tháng đầu tiên năm mới đã khá căng thẳng (ảnh minh hoạ)
Tình hình bội chi tháng đầu tiên năm mới đã khá căng thẳng (ảnh minh hoạ)

Tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính là 37.300 tỷ đồng, bằng 2,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 2.000 tỷ đồng, chi trả nợ lãi 3.000 tỷ đồng và chi thường xuyên vẫn chiếm con số lớn nhất hơn 32.300 tỷ đồng, bằng 3,6%, chiếm hơn 86% tổng chi, gấp gần 2 lần con số bội chi.

Như vậy, chỉ trong nửa tháng 1/2017 bội chi ngân sách Nhà nước đã tăng mạnh, vượt hơn 3.000 tỷ đồng so với mức bội chi của trung bình cả tháng năm 2016 (khoảng hơn 15.800 tỷ đồng/tháng; 190.000 tỷ đồng/năm). Rõ ràng đây là con số đặt ra nhiều cảnh báo đối với tình hình thu chi ngân sách trong năm mới 2017.

Ngoài bội chi, báo cáo tháng 1/2017 của Tổng cục Thống kê cũng vạch ra bức tranh khá ảm đạm về tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN). Cụ thể trong tháng cả nước chỉ có gần 9.000 DN thành lập mới, tăng hơn 8% và hơn 5.500 DN quay trở lại hoạt động, tăng 14%.

Tuy nhiên, con số DN tạm dừng hoạt động, phá sản lại tăng rất mạnh với gần 1.600 DN giải thể, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, số DN tạm ngừng hoạt động kinh doanh (cả có thời hạn và không thời hạn) cũng đạt gần 13.300 DN, tăng gần 7% so với cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần so với số DN thành lập mới.

Đáng nói, 92% số DN phá sản trong tháng 1/2017 tiếp tục là các DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, công ty TNHH một thành viên, và công ty TNHH 2 thành viên cũng là đối tượng phá sản nhiều trong đầu tháng 1/2017.

Về tình hình đầu tư và phân bổ ngân sách Nhà nước tháng 1/2017 đạt mức thấp, chỉ 15.200 tỷ đồng, tăng chưa đầy 2% so với cùng năm trước. Kịch bản năm cũ lặp lại là các địa phương "ẵm" phần lớn vốn đầu tư khi chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư, trong đó phải kể đến như Hà Nội chiếm gần 2.000 tỷ đồng (chiếm gần 20%) tổng vốn ngân sách cho địa phương; Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chiếm vốn lớn của ngân sách chi cho bộ, ngành trung ương khi chiếm hơn 40% số vốn, trong khi đó, số vốn trung ương chi cho nhiều bộ ngành đã giảm rất mạnh, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ giảm gần 60% so với tháng trước, chỉ có 5 tỷ đồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm hơn 55% vốn trung ương cấp trong tháng.

Nguyễn Tuyền