1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

100 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam sau 25 năm thu hút

(Dân trí) - Tính đến tháng 2/2013, sau hơn 25 năm từ khi có Luật đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký lên tới 211 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mảng tối ở khu vực quan trọng này.

Tại Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức sáng nay (27/03), Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, sau 25 năm từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 2/2013, Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỷ USD.

Dòng tiền ngoại đang đổ mạng vào Việt Nam.
Dòng tiền ngoại đang đổ mạnh vào Việt Nam.

Khu vực chủ chốt trong thương mại quốc tế của Việt Nam

Tỷ trọng đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào GDP tăng dần qua các năm và đạt khoảng 19% GDP vào năm 2011, đóng góp 14,2 tỷ USD cho thu ngân sách giai đoạn 2001 - 2010. Riêng năm 2012, khu vực này đóng góp cho thu ngân sách khoảng 3,7 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng thu ngân sách.

Sự gia tăng mạnh mẽ của vốn đầu tư nước ngoài thực hiện được thể hiện rõ nét qua các thời kỳ. Từ khoảng 20,67 tỷ USD, chiếm 24,32% tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 1991-2000 đã tăng lên 69,47 tỷ USD, chiếm 22,75% tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2001-2011. Tỷ trọng khu vực đầu tư nước ngoài trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2000-2011 tăng 5,4%.

Khu vực này đã tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp, có tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa của Việt Nam.

Ngoài ra, luồng vốn FDI còn góp phần quan trọng vào xuất khẩu. Chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài hướng vào xuất khẩu đã tạo thuận lợi cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực xuất khẩu. Qua đó, giúp Việt Nam từng bước tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể, trước năm 2001, xuất khẩu của khu vực FDI mới chỉ đạt 45,2% tổng kim ngạch, kể cả dầu thô. Thế nhưng, từ 2003, xuất khẩu của khu vực này đã bắt đầu vượt khu vực doanh nghiệp trong nước và dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy xuất khẩu, chiếm khoảng 64% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012.

Các doanh nghiệp FDI đã góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo chiều hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo - Thứ trưởng Thu nhận xét.

Cũng nhờ có khu vực này nên đã tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là sang Mỹ, EU, làm thay đổi đáng kể cơ cấu xuất khẩu, đưa Mỹ rở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Khu vực FDI còn góp phần ổn định thị trường trong nước, hạn chế nhập siêu thông qua việc cung cấp cho thị trường nội địa các sản phẩm chất lượng cao do doanh nghiệp trong nước sản xuất, thay vì phải nhập khẩu như trước đây.

Những mảng màu xám trong bức tranh đầu tư

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, khu vực đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. 

Cụ thể, đầu tư nước ngoài thời gian qua hướng vào những ngành thâm dụng lao động, sử dụng tài nguyên, tận dụng chính sách bảo hộ công nghiệp trong khi các ngành sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng chưa nhiều.

Nhiều doanh nghiệp FDI liên tục dính nghi án lãi thật lỗ giả.
Nhiều doanh nghiệp FDI liên tục dính nghi án lãi thật lỗ giả.

Đầu tư của các nước phát triển vào Việt Nam còn khiêm tốn nếu so với đầu tư của các nước này vào Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Cho đến nay, mới chỉ có trên 100 trong tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia có mặt tại Việt Nam, thấp hơn nhiều con số 400 tập đoàn ở Trung Quốc.

Tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký, chỉ khoảng 47,2%.

Hầu hết các dự án FDI vào Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, trung bình cả giai đoạn 1988 - 2011 chỉ ở mức 15,4 triệu USD/dự án; năm 2011 giảm xuống còn 13,47 triệu USD/dự án.

Trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, chỉ có 5-6% là sử dụng công nghệ cao và 14% ở mức thấp, lạc hậu, cá biệt có trường hợp sử dụng công nghệ lạ hậu - lãnh đạo Bộ KH-ĐT chỉ rõ.

Tỷ lệ dự án FDI giải thể trước thời hạn, dự án xin giãn tiến độ, các dự án chậm triển khai, các dự án có nhà đầu tư bỏ trốn (khoảng 1.000 doanh nghiệp) tương đối cao.

Tỷ lệ việc làm mới do khu vực FDI tạo ra không tương xứng, chỉ chiếm 3,4% tổng số lao động có việc làm năm 2011.

Thu nhập bình quân của người lao động mặc dù được đánh giá cao hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước song lại thấp hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nhu cầu về nhà ở, đời sống văn hóa ở các khu tập trung nhiều lao động đã trở nên bức xúc mà chưa đáp ứng được.. 

Những hạn chế này dẫn đến từ năm 1995 đến nay, cả nước xảy ra 4.142 cuộc đình công, trong đó 75% của doanh nghiệp FDI, chủ yếu từ các doanh nghiệp của Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Điều đáng nói là hầu hết đình công không tuân thủ theo đúng trình tự quy định của pháp luật, mặc dù 70% số cuộc đình công xảy ra ở doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.

Bộ chỉ ra rằng, trên thực tế, tổ chức công đoàn cơ sở còn nhiều hạn chế trong việc đảm bảo các quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là vấn đề thỏa thuận mức tiền lương và điều kiện lao động.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Do vậy, tại hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI, với sự tham dự của các lãnh đạo Bộ KH-ĐT, các đại biểu từ các tỉnh, thành phố sẽ xem xét và thảo luận về bản dự thảo Nghị quyết về các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý luồng vốn quan trọng này.

Bích Diệp