10 thống đốc ngân hàng trung ương tệ nhất thế giới
Tạp chí Global Finance vừa công bố xếp hạng 36 thống đốc ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất thế giới. Thống đốc các ngân hàng trung ương của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu cùng có tên trong nhóm 10 nhân vật “đội sổ” của xếp hạng này.
Theo trang tin Business Insider, xếp hạng của Global Finance dành cho các thống đốc dựa trên khả năng kiểm soát lạm phát, kích thích tăng trưởng, duy trì ổn định tỷ giá và quản lý lãi suất. Các thống đốc được cho điểm theo thang từ A đến F.
Chỉ có 6 trong số 36 thống đốc được xếp hạng nhận được điểm A là các thống đốc Glenn Stevens của Australia, Stanley Fisher của Israel, Riad Salameh của Lebanon, Zeti Akhtar Aziz của Malaysia, Amando Tetangco Jr. của Philippines, và Fai-Nan Perng của Đài Loan.
Còn dưới đây là 10 thống đốc có điểm số thấp nhất:
1. Rasheed Mohammed Al Maraj, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bahrain
Hiện tại, Bahrain đang cùng lúc phải đối mặt với nền kinh tế suy giảm và bất ổn chính trị. Theo số liệu của Reuters, trong quý 1 năm nay, GDP của Bahrain giảm 1,4%. Tờ Emirates 24-7 cho hay, quốc gia này từng trải qua một giai đoạn giảm phát trong thời gian suy thoái hồi năm 2008, và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh rất có thể sẽ đến lúc phải xem xét lại khả năng của Ngân hàng Trung ương Bahrain trong việc xây dựng chính sách riêng.
2. Jean-Claude Trichet, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)
Điểm số năm 2011: B-
Điểm số năm 2010: A
Những khó khăn kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đang tăng lên từng ngày. Những dấu hiệu rõ nét cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công ở đây có thể dẫn tới thảm họa cho thị trường tài chính toàn cầu đang đe dọa số phận của đồng Euro. Trong khi đó, phần lớn các nền kinh tế thành viên trong Eurozone đang tăng trưởng èo uột. Trichet và các đồng nghiệp của ông ít nhiều phải gánh chịu những thiếu sót của hệ thống trong EU, nhưng bản thân ông cũng bị đánh giá là hành động quá chậm và chưa đủ.
3. Philipp Hildebrand, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB)
Điểm số năm 2011: B-
Điểm số năm 2010: B-
SNB đã thất bại trong việc giữ tỷ giá đồng Franc của nước này trong tầm kiểm soát, khi mà giới đầu tư toàn cầu xem đồng tiền này là một “vịnh tránh bão”. Đồng tiền tăng giá đã gây tác động xấu tới nền kinh tế Thụy Sỹ vốn phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu. Gần đây, tin đồn về việc Thụy Sỹ sẽ neo tỷ giá đồng Franc vào đồng Euro đã khiến giới đầu tư giảm bớt việc tích trữ đồng tiền này.
4. Duvvuri Subbara, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ
Điểm số năm 2011: B-
Điểm số năm 2010: C
Tốc độ lạm phát cao, trên 9%, đeo bám Ấn Độ dai dẳng, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương nước này duy trì việc tăng lãi suất. Trong khi đó tăng trưởng GDP lại giảm tốc vì các chính sách thắt chặt. Tuy nhiên, Thống đốc Subbara và các đồng sự của ông vẫn đặt trọng tâm vào việc chống lạm phát.
5. Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)
Điểm số năm 2011: C
Điểm số năm 2010: C
Giới phê bình đã chỉ trích ông Bernanke từ mọi phía đối với chính sách tiền tệ vào hàng siêu lỏng lẻo của ông. Hai chương trình nới lỏng định lượng mà ông tung ra gây tranh cãi lớn. Quyết định của ông duy trì lãi suất siêu thấp đã khiến Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan quyết định lãi suất trong FED, rơi vào tình trạng chia rẽ căng thẳng chưa từng thấy trong nhiều năm. Những người có quan điểm chỉ trích cảnh báo rằng, những chính sách như thế có thể tạo tiền đề cho “bão” lạm phát trong tương lai.
6. András Simor, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hungary
Điểm số năm 2011: C
Điểm số năm 2010: C
Lãi suất cao do hoạt động vay nợ lan tràn của Chính phủ Hungary đã khiến nền kinh tế nước này tê liệt, Reuters cho biết. Các ý kiến chỉ trích chính sách của Ngân hàng Trung ương Hungary cho rằng, mức lãi suất như hiện nay của nước này là phi lý vì lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
7. Masaaki Shirakaw, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ)
Điểm số năm 2011: C
Điểm số năm 2010: C
Gần đây, BoJ đã có những động thái nhằm góp phần kiểm soát sự tăng giá của đồng Yên. Tuy nhiên, kết quả của việc can thiệp này còn chưa chắc chắn, khi mà cuộc khủng hoảng nợ công vấn chưa buông tha châu Âu. Trong khi đó, chính sách tài khóa thắt chặt đang đe dọa tiến trình phục hồi mong manh của kinh tế Nhật sau thảm họa động đất-sóng thần.
8. Kim Choongsoo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc
Điểm số năm 2011: C
Áp lực lạm phát có thể đưa giá cả ở Hàn Quốc tăng vượt tầm kiểm soát, trong khi mục tiêu lạm phát mà Chính phủ nước này đề ra là 4% cho cả năm. Tốc độ lạm phát có khả năng sẽ vượt tốc độ tăng GDP của Hàn Quốc, bất chấp năm nay là một trong những năm thành công nhất từ trước tới nay của lĩnh vực xuất khẩu ở nước này. Mặc dù Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tuyên bố sẽ áp dụng nhiều biện pháp chống lạm phát, những nỗ lực của họ đến giờ vẫn chưa đem lại kết quả.
9. Abdullah bin Saud Al-Thani, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Qatar
Điểm số năm 2011: C-
Lạm phát tăng vọt hồi đầu năm nay buộc Chính phủ Qatar ra quyết định neo buộc tỷ giá đồng nội tệ Riyal (được dùng chung bởi Qatar và Dubai) vào đồng USD. Xét đến bối cảnh hiện nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, sự neo giá này là hợp lý, đồng thời thúc giục Ngân hàng Trung ương Qatar nâng cao năng lực kỹ thuật và điều hành để đến một ngày nào đó điều hành đồng tiền riêng của nước này.
10. Mercedes Marcó del Pont, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Argentina
Điểm số năm 2011: D
Điểm số năm 2010: D
Hãng định mức tín nhiệm Moody’s mới đây đã dành cho các ngân hàng tư nhân của Argentina triển vọng tín nhiệm tiêu cực. Hãng này cho rằng, chính sách của Ngân hàng Trung ương Argentina đã gây ra lạm phát cao và mức lãi suất thực âm, gây nguy hiểm cho các nhà băng. Tờ Wall Street Journal đưa tin, lạm phát ở Argentina hiện ở mức trên 20%.