10 năm vay nợ lãi, lấy tiền gửi ngân hàng: Giàu to

Đều như vắt chanh, đã 10 năm nay, năm nào gia đình tôi cũng đi vay 200 triệu đồng với mức lãi suất 6-8%/năm để lấy tiền gửi ngân hàng làm sổ tiết kiệm. Cũng chính nhờ vào chiêu tiết kiệm này mà giờ gia đình tôi có tiền tỷ trong tay.

Đó là tâm sự của chị Bùi Lê Hải Phương ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) khi nói về câu chuyện quản lý chi tiêu sinh hoạt cũng như chuyện tiết kiệm tiền của gia đình mình.

Chị Phương cho hay, khoảng 12 năm về trước, khi mua nhà hai vợ chồng chị phải vay mượn họ hàng, người thân thêm 250 triệu nữa mới đủ. Mua xong, hai vợ chồng đều quyết tâm ăn tiêu tiết kiệm lấy tiền trả nợ cho bằng hết. Thế là, chỉ trong vòng 1,5 rưỡi, số tiền nợ mua nhà đã được trả hết sạch cả gốc lẫn lãi, không thiếu một đồng xu.

Nhưng sau lần đó, hai vợ chồng chị cứ làm được đến đâu tiêu hết đến đó, sắm đủ thứ trong nhà. Nhiều món đồ chỉ dùng 1-2 lần rồi bỏ xó hoặc cho đi, lãng phí không biết bao nhiêu tiền của.

“Hồi đó, dù không vướng nợ nần gì cả mà nhiều tháng có công chuyện lớn phải chi tiêu nhiều, vợ chồng tôi vẫn phải ngửa tay vay mượn, thậm chí nếu cần gấp phải chấp nhận vay lãi cao. Những lúc như thế, hai vợ chồng luôn tự thấy xấu hổ với bản thân mình về cách quản lý chi tiêu tiền của trước đó”, chị Phương nói.


Nhờ năm nào cũng đi vay nợ lãi mà gia đình chị Phương giờ đã tiết kiệm được tiền tỷ trong tay

Nhờ năm nào cũng đi vay nợ lãi mà gia đình chị Phương giờ đã tiết kiệm được tiền tỷ trong tay

Chính qua những lần "giáp hạt" như thế, vợ chồng chị lại phải vạch bàn kế hoạch “tự làm cho mình mắc nợ bằng cách đi vay tiền rồi đem tiền đó gửi tiết kiệm. Khoản nợ sẽ được trả dần từng tháng”.

Cụ thể, năm đầu tiên, vợ chồng chị quyết định đi vay 200 triệu đồng cùng với thỏa thuận số tiền sẽ được chia trung bình để trả dần cho 12 tháng trong năm, cộng với khoản lãi suất được thỏa thuận bằng hoặc cao hơn từ 1-2% so với lãi suất ngân hàng.

“Thấy vợ chồng tôi làm vậy, mẹ chồng tôi nổi đóa lên. Bà bảo rằng sống thoải mái không muốn lại cứ thích đi mắc nợ, mua âu lo vào người. Khuyên không được, mẹ chồng tôi từ mặt, cả năm không thèm sang nhà tôi chơi với con cháu lấy một lần”, chị Phương chia sẻ.

Cố gắng để ngoài tai những lời mẹ chồng ca thán, vợ chồng chị quyết tâm thực hiện kế hoạch vay lãi để lấy tiền gửi tiết kiệm. Như vậy, mỗi tháng với khoản tiền thu nhập 35 triệu đồng của cả hai, vợ chồng chị phải để ra 17 triệu đồng/tháng trả nợ, số còn lại dùng để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình là vừa đủ, không phải quá tằn tiện, cũng không có nhiều để chi tiêu hoang phí như trước.

Khi thực hiện kế hoạch này, gia đình cần tiêu khoản gì giá trị từ 2 triệu trở lên cũng phải đắn đo, cân nhắc lên xuống xem có hợp lý không. Bởi, nếu tiêu quá đà, tiền không có trả nợ thì lại gánh thêm lãi. Lúc nào cũng có tâm lý đó nên hàng tháng, khi lĩnh lương về là chị để ngay ra 17 triệu trả nợ, không được chấm mút đến một đồng nào.

Kết quả, cuối năm đó, sau khi trả hết khoản tiền vay nợ 200 triệu đồng, vợ chồng chị có trong tay một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 200 triệu. Mẹ chồng chị thấy thế cũng làm hòa và không phản đối cách làm của hai vợ chồng chị nữa.

“Nhiều người nói vợ chồng tôi nên vay tiền mua vàng hay hơn là gửi tiết kiệm. Nhưng tôi tính rồi, vay mua vàng để đó cũng được nhưng mà tôi phải bù lãi. Mà với khoản tiền tiền 200 triệu đồng, mỗi năm cũng phải bỏ ra trên dưới 15 triệu đồng tiền lãi chứ không ít (tính nhanh ra tôi cũng mất nửa lượng vàng). Trong khi đó, nếu lấy khoản tiền 200 triệu đó gửi tiết kiệm, tôi được hưởng khoản tiền lãi tương ứng từ ngân hàng để bù vào tiền lãi của khoản nợ đã vay, coi như mình không phải bỏ thêm ra đồng nào, mà tiền thì vẫn có thể tiết kiệm được như thế”, chị Phương cho hay.

Theo chị Phương, do áp dụng thành công phương pháp vay nợ lãi để đi gửi tiết kiệm ngân hàng nên những năm sau, gia đình chị lại tiếp tục đi vay với khoản tiền tương ứng.

“10 năm rồi, đều như vắt chanh, năm nào cũng vay nợ số tiền 200 triệu để đi làm cuốn sổ tiết kiệm gửi vào ngân hàng. Tiền nợ thì trả dần hàng tháng. Thế nên, sau 10 năm, vợ chồng tôi đã có trong tay 2 tỷ đồng, đó là chưa kể khoản lãi mà hàng năm mà 2 tỷ đó đẻ ra nữa”, chị Phương khoe.

Theo Bảo Phương
VietnamNet

10 năm vay nợ lãi, lấy tiền gửi ngân hàng: Giàu to - 2