10 năm doanh nghiệp mới bị kiểm tra thuế... 1 lần?

(Dân trí)- Theo quy định của ngành thuế là 1 năm kiểm tra bình quân được khoảng 10-15% số doanh nghiệp chấp hành pháp luật thuế. Đại biểu tính toán, với khoảng 380.000 doanh nghiệp và khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể, thì trung bình khoảng 10 năm mới bị kiểm tra trở lại một lần.

Sáng nay 25/10, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Sau kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, ngân sách phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Đại biểu Vũ Xuân Trường.

Đại biểu Vũ Xuân Trường.

Theo ý kiến đóng góp của đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định), theo quy định việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo nguyên tắc rủi ro, tức là trường hợp này là trường hợp cá biệt, thì thời hạn kiểm tra không quá 10 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế, là không phù hợp. Bởi theo đại biểu, dự thảo đã quy định không trùng khớp với với Điều 110 quy định về thời hiệu xử lý vi phạm Luật thuế. Đại biểu Trường nhấn mạnh: “Theo điều này quy định thời hiệu xử lý vi phạm về Luật thuế là 2 năm, như vậy thì tất cả những trường hợp sau 10 năm kiểm tra việc hoàn thuế mà phát hiện ra sai phạm thì không thể xử lý được theo Điều 110, bởi vì thời hiệu của nó chỉ có trong 2 năm, đó là điều mâu thuẫn”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cũng bày tỏ ý kiến băn khoăn với thời hạn cứ 10 năm doanh nghiệp mới đến lượt kiểm tra thuế 1 lần. Đại biểu Hải nói: “Thực tế cho thấy Luật quản lý thuế hiện nay cho phép doanh nghiệp được chuyển quyền tự tính, tự khai, tự nộp thuế theo quy định của ngành thuế là 1 năm kiểm tra sẽ bình quân được khoảng 10-15% số doanh nghiệp phải chấp hành pháp luật thuế. Với tổng số doanh nghiệp hiện nay khoảng 380 nghìn doanh nghiệp và khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể thì trung bình khoảng 10 năm mới bị kiểm tra vòng trở lại một lần”.

Trong khi đó, theo đại biểu Hải, việc kiểm tra quyết toán thuế chỉ có thời hiệu trong 5 năm và như vậy cũng sẽ không xử lý được trong những năm trước đó, nếu phát hiện ra những sai phạm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Còn đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) lại đề nghị dự thảo luật làm rõ quy định Điều 107 về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế xử phạt đối với hành vi khai sai để bảo đảm phù hợp thống nhất với nguyên tắc xử phạt hành chính. Điều 107 về xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp hoặc khai gian tiền thuế được hoàn quy định như sau: Người nộp thuế đã phản ánh đầy đủ trung thực các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghiệp vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn chứng từ, nhưng khai sai dẫn đến số tiền thiếu phải nộp hoặc tăng số tiền khai đã được hoàn thì phải nộp đủ số tiền thuế phải khai thiếu, nộp lại tiền thuế được hoàn cao hơn và xử phạt 20%, số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và tiền chậm nộp.

Đại biểu đặt câu hỏi: “Quy định như vậy liệu có đồng nghĩa với việc mặc nhiên và xác định hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn cũng bao hàm cả hành vi chậm nộp tiền thuế do người vi phạm vừa nộp phạt 20% số tiền khai gian thuế lại vừa phải nộp tiền nộp chậm thuế, trong khi đó hành vi chậm nộp tiền thuế bị xử phạt theo quy định của Điều 106. Như vậy, có thể hiểu 1 hành vi khai gian thuế nhưng bị xử phạt tới 2 lần, trái với nguyên tắc một hành vi vi phạm pháp luật về thuế chỉ xử phạt có một lần đã quy định tại Điều 104”.

Thắc mắc về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định mức xử lý chậm nộp 0,07% ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn 90 ngày là quá cao, không đảm bảo tính khả thi của luật. Qua thực tế cho thấy đa số các doanh nghiệp chậm nộp đều là những doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh, nếu quy định mức 0,07% này bằng 25% năm sẽ làm cho doanh nghiệp khó khăn tiếp tục chồng lên khó khăn, vượt quá khả năng của người nộp thuế, dẫn đến nợ đọng thuế tăng cao hơn.

Hơn nữa, theo đại biểu Bình: “Các doanh nghiệp chây ỳ nhằm chiếm dụng tiền thuế chỉ xảy ra khi lãi suất ngân hàng quá cao như năm 2011. Việc xử lý chậm nộp tiền thuế về bản chất mức xử phạt 0,05% này là khoản lãi chậm nộp tiền thuế, không nên coi là tiền phạt. Nếu coi là tiền phạt thì sẽ bị hiểu lầm, một hành vi vi phạm thuế sẽ bị xử phạt 2 lần, như vậy trái với quy định về xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ hành vi khai sai, thiếu thuế vừa bị phạt 10% thiếu thuế, vừa phạt chậm nộp 0,05% trên ngày”.

Bài: Nguyễn Hiền
Ảnh: Như Phúc.