1 tỉ USD nâng công suất Tân Sơn Nhất?

Diện tích sau khi di dời 140.000 hộ dân có thể xây dựng được… cả chục nhà ga công suất tương đương nhà ga T2 Tân Sơn Nhất.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Một bạn đọc nhiều năm làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất cung cấp các dữ liệu cho thấy hoàn toàn có thể mở rộng sân bay này để sử dụng ít nhất 15-20 năm nữa. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Trước hết, tôi khẳng định tổng diện tích sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay bao gồm cả dân dụng và quân sự là 850 ha. Con số này có thể kiểm tra đơn giản qua các hệ thống bản đồ giấy và bản đồ vệ tinh. Một số thông tin cho rằng sân bay này có 850 ha đất cho dân dụng và 520 ha cho quốc phòng là không đúng. Nhưng diện tích 850 ha cũng đủ để sắp xếp, khai thác hợp lý và mở rộng nhà ga, sân đậu để nâng công suất Tân Sơn Nhất.

 

9,1 tỉ USD, di dời 140.000 hộ dân: Khó hiểu

 

Có nhiều chỉ số được dùng để xác định công suất sân bay, trong đó quan trọng nhất là đường băng, sân đậu máy bay và nhà ga phục vụ khách. Trên thế giới có nhiều sân bay công suất 50-70 triệu khách/năm cũng chỉ hai đường băng. Tân Sơn Nhất đang có hai đường băng nên vấn đề còn lại của sân bay này chỉ là năng lực của nhà ga và sân đỗ máy bay.

 

Bộ GTVT cho rằng để nâng công suất Tân Sơn Nhất lên 15-25 triệu khách/năm cần đến 9,1 tỉ USD và di dời khoảng 140.000 dân. Thử hình dung, con số 140.000 hộ dân gần bằng toàn bộ số dân ở Gò Vấp (xấp xỉ 600.000 người). Nếu giải tỏa ngần ấy dân sẽ thu về gần được khoảng 200 ha đất. Để xây một nhà ga với công suất 15-25 triệu khách/năm có cần tới diện tích lớn như vậy?

 

Theo số liệu được Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) công khai trên trang web, nhà ga T2 Tân Sơn Nhất vừa hoàn thành được xây trên diện tích khoảng 5 ha (kể cả các công trình phụ trợ), gồm bốn tầng với tổng diện tích khai thác hơn 90.000 m2 cho công suất 12 triệu khách/năm. Còn nhà ga T2 Nội Bài (dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2014) đang được xây dựng trên diện tích gần 14 ha, gồm bốn tầng, công suất phục vụ 15 triệu khách/năm.

 

Đối chiếu với số liệu này cho thấy diện tích sau khi di dời 140.000 hộ dân có thể xây dựng được… cả chục nhà ga công suất tương đương nhà ga T2 Tân Sơn Nhất. Thực tế, nếu xây thêm một nhà ga với công suất khoảng 25 triệu khách/năm thì chỉ cần khoảng 20-50 ha là quá dư, chắc chắn không cần đến diện tích và số tiền giải tỏa quá lớn như vậy.

 

Sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể mở rộng để đạt công suất 12-15 triệu khách/năm. Ảnh: HTD
Sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn có thể mở rộng để đạt công suất 12-15 triệu khách/năm. Ảnh: HTD

 

Thêm nhà ga không cần giải tỏa

 

Trong khuôn viên Tân Sơn Nhất còn gần 200 ha ở phía bắc (hơn 160 ha dự kiến làm sân golf) và khoảng 100 ha đất ở phía nam đường băng do quân đội quản lý. Phần diện tích “thừa” này dư sức để xây mới một nhà ga T3 (10-20 ha) với công suất 10-15 triệu khách/năm mà không cần giải tỏa, di dời bất kỳ hộ dân nào. Tổng kinh phí xây dựng vào khoảng 500-900 triệu USD, tương đương giá thành đầu tư nhà ga T2 Nội Bài.

 

Ngoài ra, có thể dùng khu đất gần 100 ha do Bộ Quốc phòng quản lý ở phía nam đường băng làm nhà ga, sân đậu máy bay với 50-80 chiếc và các công trình phụ trợ khác. Đồng thời, chuyển toàn bộ chức năng quân sự sang khu đất phía bắc (dự kiến làm sân golf) và kết nối giao thông với đường Quang Trung, Tân Sơn.

 

Còn nếu vẫn muốn giữ nguyên chức năng quốc phòng của khu đất 100 ha vừa nêu, chúng ta có thể xây nhà ga mới cùng sân đậu máy bay ở khu đất gần 200 ha nơi có sân golf. Phương án này không cần mở thêm các cổng khác vào sân bay mà vẫn có thể kết nối tốt giữa các nhà ga cũ-mới bằng hệ thống buýt nội bộ hoặc các trục đường ngầm dưới đường băng, sân đậu (đầu tư khoảng 70-100 triệu USD nữa). Hình thức kết nối này hiện nhiều sân bay lớn trên thế giới đang áp dụng.

 

Nếu thực hiện theo các phương án nêu trên, sau khoảng 3-4 năm, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đáp ứng công suất 35-45 triệu khách/năm và có thể sử dụng đến 2025-2030.

 

 Lo lắng về giao thông kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất sau khi được mở rộng cũng không quá lớn, bởi TP.HCM đang triển khai và có trong quy hoạch nhiều công trình giao thông quan trọng như tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (dự kiến hoàn thành toàn tuyến trong năm 2015), đường trên cao từ Lăng Cha Cả về quận 1 (rồi nối qua Thủ Thiêm), tuyến metro Bến Thành - Tham Lương (khai thác giai đoạn 1 vào năm 2020). Ngoài ra, nhiều tuyến đường xung quanh cũng đang được quy hoạch mở rộng…

 

Theo Anh Minh

Pháp Luật TPHCM
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”