1 ha rau thủy canh ở TPHCM thu đến 5 tỷ đồng/năm
(Dân trí) - Nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, mỗi hecta trồng rau thủy canh tại TPHCM có thể thu đến 250 tấn/năm và nếu được giá, doanh nghiệp cung cấp rau sạch có thể thu về 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Ứng dụng công nghệ tăng năng suất, tăng doanh thu
Sáng nay (6/7), kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 3 với phiên thảo luận tại hội trường. Trong phiên họp này, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn TPHCM trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TPHCM.
Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, ông Trung sẽ trả lời cho các đại biểu xoay quanh tình hình phát triển ngành nông nghiệp của thành phố, kết quả thực hiện các chỉ tiêu mà thành phố đặt ra, vấn đề chuyển đổi giống cây trồng và vật nuôi, chuyển đổi quy hoạch đất nông nghiệp…
Điều đại biểu quan tâm nhất là hiệu quả đầu tư nông nghiệp của người dân và trách nhiệm của chính quyền thành phố đối với đời sống của người nông dân.
Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết đặt vấn đề: “TPHCM tất nhiên không thể phát triển nông nghiệp như các tỉnh thành khác. Điều TP cần làm là phát triển năng suất lao động và giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bằng cách ứng dụng công nghệ, cải tạo giống… Vậy thời gian qua Sở đã phối hợp với các viện trường như thế nào để tạo ra cây trồng vật nuôi có năng suất cao, tăng thu nhập của người nông dân và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng?”.
Trả lời cử tri thành phố, ông Nguyễn Phước Trung cho biết: “Đây là nội dung chúng tôi luôn bám sát và thường xuyên liên kết với các đơn vị như Viện Chăn nuôi Trung ương, Viện Giống cây trồng Miền Nam, ĐH Nông lâm... Kể cả các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chúng tôi cũng liên kết. Nói chung là chúng tôi phối hợp với tất cả những đơn vị có thể phối hợp!”.
Ông Trung cũng điểm lại nhiều thành tựu trong quá trình liên kết cùng các đơn vị nghiên cứu để phát triển ngành nông nghiệp TP.
Ông nói: “Một con heo nái của TPHCM có thể cho ra 20 con heo thịt/năm, cao hơn mức trung bình của cả nước chỉ là 13 con. Mức sữa của bò Củ Chi ứng dụng công nghệ Israel đạt mức 24,5kg sữa/ngày. Mức này chỉ tương đương mức của các doanh nghiệp nuôi bò sữa lớn ở các vùng như Lai Châu, Nghệ An… Tuy nhiên, điều khác biệt là bò của các doanh nghiệp trên nuôi ở những vùng tự nhiên phù hợp và dùng giống ngoại. Còn chúng ta dùng giống bò nội và tăng năng suất bằng cách cải tạo thức ăn và hệ thống làm mát”.
Ông Trung khẳng định, thế mạnh của thành phố là nông nghiệp công nghệ cao với ưu thế có nhiều viện, trường, doanh nghiệp. Do đó, công tác trọng tâm của ngành là tập trung vào sản phẩm cây trồng vật nuôi có giá trị cao và thực tế đã đạt được rất nhiều thành tựu.
“Chúng ta đang tập trung vào cây rau và đạt năng suất đến 25 – 27 tấn/ha/vụ, tức là một năm đạt đến 250 tấn/ha. Với giá bán 6.000 đồng/kg thì mỗi năm người nông dân đạt doanh thu đến 1,5 tỷ đồng/ha. Đó là đầu tư vừa phải, với những doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư cao để sản xuất rau sạch bằng hệ thống thủy canh có khi đạt doanh thu đến 5 tỷ đồng/ha, lời trên 2 tỷ đồng/ha/năm vì rau sạch doanh nghiệp có thể bán với giá đến 20.000 đồng/kg”, ông Trung chia sẻ.
Tìm mọi cách tăng thu nhập cho người nông dân
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp, thu nhập nông nghiệp của người dân TP đạt mức 410 triệu/ha trong năm 2016, tăng 2,7 lần so với năm 2010, vượt xa mục tiêu đặt ra. Tổng thu của ngành nông nghiệp năm 2016 tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2010, đạt mức hơn 19.000 tỷ đồng.
Ông Trung cũng cho biết là sở tìm mọi cách, phát triển mọi giống cây trồng vật nuôi lạ, có giá trị để phổ biến cho bà con nuôi trồng, đảm bảo tăng cao thu nhập.
Ông chia sẻ: “Sản xuất nông nghiệp chỉ là 1 phần, nếu chúng ta phát triển được du lịch sinh thái sẽ nâng cao thu nhập của bà con rất nhiều. Chúng tôi cũng đã đặt vấn đề với Sở Du lịch để phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch”.
Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, khẳng định sở tìm mọi cách để tăng thu nhập cho người nông dân
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM nêu dẫn chứng: “Ví dụ như ở khu vực sản xuất hoa, những vườn lan rất lớn có thể thu hút du khách đến tham quan trong cả ngày. Chúng tôi cũng hỗ trợ khu sản xuất cây ăn trái ở Trung An (Củ Chi) thành những khu du lịch sinh thái bằng cách nghiên cứu, hướng dẫn bà con trồng và kỹ thuật xử lý ra trái cây trái vụ. Bởi khi có du khách đến mà không có hoa trái thì dở quá, ít nhiều phải có cây trái gì đó để khách du lịch tham quan, sử dụng mới thu hút khách được. Chúng tôi còn học hỏi và hướng dẫn bà con tổ chức thêm dịch vụ ăn uống, đờn ca tài tử…”.
“Vừa qua chúng tôi cũng xúc tiến đưa khách đến làng nghề cá cảnh, đặc biệt là ở Trung An. Khi đó, chúng tôi chỉ đạo ngành thú y phải xây dựng quy trình kiểm nghiệm dịch bệnh nhanh chóng để phục vụ du khách, đảm bảo họ hài lòng để có thể quay lại với mô hình du lịch này. Ví dụ như khi khách nước ngoài đến tham quan, họ thấy đẹp và có ý định mua vài con cá thì sao? Ngành thú y sẽ giải quyết giấy tờ ngay cho du khách trước khi họ lên sân bay về nước để họ có thể mang cá theo”, ông Trung kể.
Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Nguyễn Quang