Việt kiều Pháp góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris

Đa số các Việt kiều Pháp lúc đó là những thanh niên, họ sẵn sàng làm tất cả mọi việc khi đất nước cần.

Đóng góp chung vào thắng lợi chung của Hiệp định Paris, có một phần không nhỏ của bà con Việt kiều khi đó đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp - những người đã thầm lặng góp phần đóng góp, giúp đỡ, bảo vệ và ủng hộ cho hai đoàn đàm phán của Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ. 

Trong thâm tâm những người con Việt Nam tại Pháp, chỉ cần đất nước cần, làm được gì, họ sẵn sàng làm dù khó khăn đến đâu, bởi họ biết những khó khăn ấy không thấm vào đâu so với những khổ sở mà đồng bào trong nước phải chịu lúc bấy giờ.

Bà Nguyễn Thị Bình chụp ảnh chung cùng kiều bào Pháp (ảnh tư liệu)

Bà Nguyễn Thị Bình chụp ảnh chung cùng kiều bào Pháp (ảnh tư liệu)

Nói về những đóng góp của Việt kiều yêu nước trong hội “Liên hiệp Việt kiều tại Pháp” vào thắng lợi của Hiệp định Paris, ông Trịnh Ngọc Thái – thành viên đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, cho biết: “Thực sự lúc bấy giờ là Hội giúp cho 3 nơi: một là ở Choisy-le-Roi - nơi ở và làm việc của đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở, hai là ở Massy - nơi ở và làm việc của đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam và ba là Verrière-le-Buisson - nơi ở của bà Nguyễn Thị Bình. Hội Liên hiệp Việt kiều đã cử người đến phục vụ cho cả ba nơi, về bảo vệ, thư ký, rồi lái xe, đi chợ, nấu ăn cho đoàn…Tất cả những anh em, bà con ấy làm việc cho đoàn đều là tự nguyện, chứ không có lương bổng gì hết. Ngoài ra, thì hội cũng tham gia các cuộc mít-tinh để chào mừng các đoàn…”.

Cách đây 40 năm, đa số các Việt kiều sang Pháp là những thanh niên tuổi mới ngoài đôi mươi, tập hợp dưới mái nhà chung với tên gọi hội “Liên hiệp Việt kiều tại Pháp”. Hội được thành lập tháng 4/1969 với mục đích phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Trong hội lúc đó có nhiều tổ chức như Hội phụ lão, Hội công nhân lao động, Hội thương gia, Hội phụ nữ, Hội liên hiệp trí thức, Hội thanh niên sinh viên, Hội Phật tử… Đến cuối 12/1975, sau khi đất nước Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất và đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, “Hội Liên hiệp Việt kiều” mới tự giải tán. Đến 1976, Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) được thành lập và giữ nguyên tên gọi là tổ chức đại diện chính thức cho Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp cho đến ngày hôm nay.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Trịnh Ngọc Thái.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Trịnh Ngọc Thái.

Ông Bùi Thanh Tùng, Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp, cho biết, ông sang Pháp năm 1967 – khi còn là sinh viên sang du học. Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị từ năm 1968-1973, với thế mạnh của giới sinh viên là trẻ, năng nổ, dễ tiếp cận và Việt Nam khi đó là một điểm nóng trên thế giới,ông Tùng thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Pháp ủng hộ các đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Theo bà Thérese Nguyễn Văn Ký - khi đó phụ trách y tế cho hai đoàn đàm phán của ta, nay là Chủ tịch Hội người Việt nam tại Pháp, công tác giúp đoàn phải làm hoàn toàn bí mật, các cuộc họp của hội Việt kiều thường diễn ra ban đêm, mỗi người chỉ biết một người giao nhiệm vụ cho mình, thậm chí vợ chồng trong cùng một nhà cũng không hay biết nhiệm vụ của nhau.

Ông Tùng không giấu nổi cảm xúc khi nhớ lại: “Trong thời gian còn là sinh viên, do việc tiếp xúc với giới sinh viên nhiều trong các đại học Pháp, hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Pháp cũng có nhiều liên hệ với các bạn sinh viên Pháp và quốc tế. Và rõ ràng khi mình nói được cuộc chiến tranh Việt Nam là như thế nào và mục đích đấu tranh của chúng ta thì lúc đó, bạn bè Pháp, nhất là sinh viên, họ rất ủng hộ, hoàn toàn ủng hộ Việt Nam mình, rồi cùng nhau đi biểu tình. Đã có những lúc, các hội sinh viên Pháp, các công đoàn (CGT) của Pháp tham gia giúp đỡ cộng đồng người Việt mình đi biểu tình bằng cách giúp công tác bảo vệ an ninh, không cho các thành phần phá hoại vào phá cuộc biểu tình của mình”.

Ông Bùi Thanh Tùng.

Ông Bùi Thanh Tùng.

Nhìn Bộ trưởng cười màu tóc bạc phơ, nhớ đến Bác Hồ yêu kính mếnDẫn chúng tôi thăm lại khu nhà trung cư tại Massy nơi các thành viên đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam sống trong thời gian đàm phán,ông Đoàn Hữu Trung, người thường xuyên qua lại gặp gỡ, giúp đỡ đoàn, đã xúc động đọc những câu thơ chú đã làm trong niềm hân hoan khi Hiệp định Paris được ký kết:

“Chúng ta hôm nay tiến về phía trước

Hội nghị kéo dài 56 tháng 14 ngày, 27 tháng Giêng

Bao nhiêu lần lồng lộn đảo điên, hôm nay đế quốc cúi đầu ký giấy

Làm sao quên được ngày hôm ấy

(…)

Tuy ta đang sống ở xa, lòng ta như ở quê nhà reo vui

Ngày 1 tháng 5 đường phố Paris rợp đỏ cờ sao

… Cả triệu tiếng chào

Chào Việt Nam thân mến, chào các đồng chí thành công

Việt Nam độc lập muôn năm

Tôi cúi đầu tưởng nhớ Bác Hồ và tôi thương tiếc các vong linh chí sỹ

Vui nằm xuống cho quê bình đứng dậy

Cho mẹ bên con cho vợ bên chồng

Để rồi không còn cảnh chờ mong”

Còn đối với bà Thu Lê – một Việt kiều từng gần gũi với hai đoàn đàm phán của ta, phải thuyết phục lắm, chúng tôi mới được bà đồng ý trả lời phỏng vấn và ghi hình bởi như bà nói những gì bà làm không thấm vào đâu so với những khổ cực mà đồng bào phải chịu ở quê nhà.Bà cho biết, ngoài việc giúp đỡ các đoàn đàm phán của Việt Nam theo phân công của hội, bà chỉ làm “những công việc nhỏ nhặt của một người Việt kiều ở Pháp” như đi xin chữ ký ủng hộ chấm dứt chiến tranh Việt Nam, vận động và tham gia các cuộc mít-tinh ủng hộ đoàn Việt Nam, tìm những người bạn ở bên kia đối phương để giải thích cho họ thấy rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải là “nồi da xáo thịt” mà là cuộc chiến tranh chính nghĩa của một dân tộc quyết giành lại độc lập, tự do…

Bà Thu Lê trò chuyện với ông Trịnh Ngọc Thái về hiệp đinh Paris.

Bà Thu Lê trò chuyện với ông Trịnh Ngọc Thái về hiệp đinh Paris.

    Ông Nguyễn Văn Bổn, hiện Phó Chủ tịch phụ trách công tác đối ngoại của Hội người Việt Nam tại Pháp, cho biết, cùng với thời gian, số người tham gia trực tiếp giúp đỡ các phái đoàn Việt Nam còn sống giờ không còn nhiều. Nhưng đối với các bác, các cô chú, thời gian được trực tiếp đóng góp vào thành công của hiệp định mãi là một kỷ niệm đẹp không thể nào quên.

    Theo Đào Dũng – Thùy Vân

    VOV-Paris