Tiến sĩ người Việt nhận giải thưởng của Hội thiên văn Mỹ

(Dân trí) - Giải thưởng Henri Chrétien năm 2007 của Hội thiên văn Mỹ đã được trao cho một nhà khoa học người Việt: Tiến sĩ thiên văn học Phan Bảo Ngọc, với các công trình nghiên cứu tìm kiếm sao lùn trong vũ trụ.

Henri Chrétien là giải thưởng mang tên nhà thiên văn người Pháp, người đã cùng với chuyên gia George W. Ritchey người Mỹ phát minh ra kính thiên văn Ritchey-Chretien. Mục đích của giải thưởng Henri Chrétien là ghi nhận những công trình nghiên cứu xuất sắc, các phương pháp mới có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng nghiên cứu thiên văn học và ý nghĩa khuyến khích quan hệ hợp tác giữa các nhà thiên văn trên toàn thế giới.

Giải Henri Chrétien năm 2007 được trao cho Tiến sĩ Phan Bảo Ngọc, với công trình nghiên cứu phương pháp săn tìm những ngôi sao lùn. Công trình này mang tên: "Chuyển động riêng rút gọn cực đại" (Maximum Reduced Proper Motion). Đây là một phương pháp hoàn toàn mới trong việc tìm kiếm những sao lùn cực nhẹ trong vũ trụ, do nhà thiên văn học Phan Bảo Ngọc phát minh vào năm 2002.

 

Sao lùn cực nhẹ là những ngôi sao có khối lượng nhỏ hơn 0,3 lần khối lượng mặt trời. Trong vùng lân cận mặt trời hiện còn vô số sao lùn có khối lượng cực nhỏ, chưa được các nhà thiên văn học tìm thấy. 

Tiến sĩ thiên văn học Phan Bảo Ngọc tốt nghiệp Đại học Huế năm 1997 và ở lại trường làm giáo viên.

 

Sau đó, anh sang Pháp học thạc sỹ tại Đại học Paris VI, nhận bằng tốt nghiệp năm 2000.

 

Hai năm sau, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ cũng tại Đại học Paris VI.

 

Hiện nay, Phan Bảo Ngọc tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Thiên văn và Thiên văn Vật lý, Đài Loan.

 

Những sao lùn cực nhẹ có chuyển động riêng rất nhỏ. Theo tính toán, tính chất vật lý của loại sao này bị thay đổi rất nhiều so với các sao lùn có khối lượng lớn hơn. Mặt khác, ánh sáng phát ra từ chúng rất yếu ớt nên các phương pháp quan sát thiên văn học trong vũ trụ thông thường đã không thể nhận thấy.

 

Khẳng định trí tuệ Việt Nam

 

Năm 2002, nhà thiên văn học Phan Bảo Ngọc, với sự cộng tác của một số đồng nghiệp tại đài quan sát thiên văn học Paris, đã phát minh ra phương pháp “Chuyển động riêng rút gọn cực đại”. Phương pháp này đã mở ra một hướng mới trong việc tìm kiếm các sao lùn cực nhẹ mà nhà thiên văn học Gliese đã tiên đoán từ năm 1986, nhưng các phương pháp quan sát thông thường đã không thể tìm thấy.

 

Nghiên cứu về “Chuyển động riêng rút gọn cực đại” của Phan Bảo Ngọc bắt đầu từ mùa hè năm 2001 và được công bố lần đầu tiên tại một hội nghị quốc tế ở Hawaii tháng 5/2002. Công trình này, cùng một số công trình khác, đã giúp Phan Bảo Ngọc bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ của mình trước một hội đồng gồm các giáo sư Pháp, Đức và Mỹ tại đài quan sát Paris vào năm 2002.

 

Tiến sĩ người Việt nhận giải thưởng của Hội thiên văn Mỹ - 1
 Nhờ phương pháp của Tiến sĩ Phan Bảo Ngọc, nhiều nhà thiên văn học đã khám phá ra được các ngôi sao lùn khối lượng cực nhỏ

 

Với phương pháp "Chuyển động riêng rút gọn cực đại", các nhà thiên văn học trên thế giới đã có được trong tay một “chiếc chìa khóa” mở ra khả năng có thể phát hiện toàn bộ các sao lùn cực nhẹ trong dải Ngân Hà cũng như những dải thiên hà khác trong vũ trụ.

 

Giải thưởng Henri Chrétien năm 2007 của Hội thiên văn Mỹ chính là sự công nhận một cách rõ ràng về ý nghĩa khoa học của công trình nghiên cứu mà Phan Bảo Ngọc đã thực hiện.

 

Trước Tiến sĩ Phan Bảo Ngọc, một nhà khoa học người Mỹ gốc Việt nổi tiếng, giáo sư Trịnh Xuân Thuận, cũng đã được nhận được giải thưởng Henri Chrétien vào năm 1992.

 

Những thành công mà hai nhà thiên văn học trên đạt được đã thêm một lần nữa khẳng định về tài năng và trí tuệ của các nhà khoa học người Việt Nam nói chung, và những nhà thiên văn học người Việt nói riêng.

 

                        Vũ Anh Tuấn

Theo Physics.ucf.edu