Thủ lĩnh của người Việt tại Nouvelle Calédonie

Trong câu chuyện của vị Lãnh sự danh dự Việt Nam mới được bổ nhiệm, Nouvelle Calédonie hiện lên tràn đầy hương vị của hoa trái. Mảnh đất ấy giờ đây trở nên tươi đẹp hơn nữa với người Việt vì có một vị thủ lĩnh đầy nhiệt huyết như ông Dinh Jean Pierre (tên Việt là Đinh Ngọc Riệm).

Nouvelle Calédonie còn được gọi là Tân Thế giới - một vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp nằm ở Thái Bình Dương. Cộng đồng người Việt đã có mặt ở đây rất sớm từ những năm cuối thế kỷ XIX. Và ông Dinh Jean Pierre là thế hệ kiều bào thứ hai được sinh ra trên mảnh đất này...

Thế hệ của những người “Chân đăng”

Năm 1868, bốn người Việt Nam đầu tiên đặt chân tới Nouvelle Calédonie vì bị đi đày khổ sai. Những thập kỷ tiếp theo, nhiều người đi phu sang khai thác mỏ và đồn điền cho giới chủ Pháp nên số người Việt tăng lên tới hàng nghìn người.

Trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhiều chuyến tàu từ Hải Phòng đã cập cảng Nouméa, Nouvelle-Calédonie, đưa theo nhiều người Việt Nam là tù nhân bị giam ở đảo Poulo Condore và dân thường đăng ký đi phu. Hết lớp người này đến lớp người khác, cho đến những chuyến tàu cuối cùng vào năm 1939 thì không còn tàu để chở người sang cũng như đưa người về.

Khi Thế chiến thứ II sắp bùng nổ, những con tàu ấy được chuyển sang phục vụ cho quốc phòng nên hơn 1.000 người làm ở Nouvelle Calédonie bị kẹt lại. Từ đấy, bà con người Việt tản mát về các tỉnh lỵ lớn và thành phố làm ăn buôn bán và nhiều nghề khác như trồng rau, thợ may, cắt tóc, mở cửa hàng ăn uống hay cửa hàng tạp hóa... Con đường trở về quê hương với họ gần như “không có ngày hẹn"...

Bức tượng Chân đăng Việt Nam tại Nouvelle Calédonie.
Bức tượng Chân đăng Việt Nam tại Nouvelle Calédonie.

Cha mẹ ông Dinh Jean Pierre thuộc thế hệ những người Việt đi phu vào thời điểm đó, sau này được gọi với biệt danh "Chân đăng" (những người xin một chân đăng ký đi phu). Họ sinh ra thế hệ sau của những người dân đi phu mỏ. Tuy sinh ra trên đất khách, quê người nhưng thế hệ kiều bào thứ hai như ông vẫn được giáo dục theo phong cách sống của những người Việt ở làng quê Việt Nam. Vào năm 1974, những người Việt ở đây đã thành lập Hội Ái hữu Việt Nam để tìm kiếm một nơi bầu bạn, chia sẻ. Đáng tiếc là cha mẹ ông đã mất tại mảnh đất này khi chưa có dịp trở lại quê hương.

Sinh sống ở Nouvelle Calédonie gần 70 năm và công việc kinh doanh rất bận rộn, ông Dinh Jean Pierre vẫn thường xuyên về thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình tại Liễu Đề, Nam Định. Ông đã tham gia vào Ban chấp hành Hội Ái hữu người Việt và giữ chức Chủ tịch Hội 5 năm nay. Chính tấm lòng và sự nhiệt huyết, tận tâm của ông dành cho cộng đồng đã làm nên tiếng vang của Hội Ái hữu cũng như tạo nên uy tín của người Việt tại đây.

Ghi đậm dấu ấn của người Việt

Dinh Jean Pierre cho biết, với hơn 4.000 người, cộng đồng người Việt đã góp phần làm phong phú hơn nền văn hoá đa sắc màu ở hòn đảo Nam Thái Bình Dương. Bà con ở đây tham gia vào 3 tổ chức là Hội Phật giáo, Hội Thiên chúa giáo và Hội Ái hữu. Riêng Hội Ái hữu có số lượng người Việt tham gia đông nhất, hiện có khoảng 500 người.

Ấn tượng đặc biệt của bà con kiều bào về vị Chủ tịch Hội là người luôn sống hết mình vì cộng đồng. Nếu như trước đây, tinh thần đoàn kết trong Hội chưa được cao thì hiện nay, khoảng cách giữa mọi người đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Càng ngày, bà con càng tham gia sinh hoạt cộng đồng tích cực hơn. Dù người theo Công giáo hay Phật giáo cũng đều đến với trụ sở của Hội Ái hữu gặp gỡ, giao lưu với tinh thần “tình làng nghĩa xóm” và đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Ông Dinh Jean Pierre (ngoài cùng, bên phải) cùng bà con kiều bào.
Ông Dinh Jean Pierre (ngoài cùng, bên phải) cùng bà con kiều bào.

Đặc biệt, cách đây 3 năm, ông Dinh Jean Pierre đã kêu gọi và tập hợp được tất cả cộng đồng thực hiện ý tưởng dựng bức tượng “Chân đăng Việt Nam” để ghi nhớ công ơn cha mẹ họ. Bức tượng ấy được đúc ở Việt Nam và chuyển theo đường biển từ Hải Phòng.

Cộng đồng người Việt là cộng đồng đầu tiên làm được việc này tại Nouvelle Calédonie. Hình ảnh một ông bố thợ mỏ, bà mẹ quấn khăn mỏ quạ và đứa bé (thế hệ kiều bào thứ hai như ông Dinh Jean Pierre) được đặt giữa trung tâm thành phố chính là sự ghi dấu bước chân và ghi nhận đóng góp của người Việt với nơi này.

Ông Dinh Jean Pierre chia sẻ, người Việt đang hàng ngày tạo dựng thêm uy tín tại Nouvelle Calédonie. Người Việt với tính chịu thương chịu khó, biết làm giàu từ các ngành nghề khác nhau cũng như khai hoang nhiều vùng đất trở thành những nông trại trù phú.

“Uy tín của cộng đồng tăng lên đã giúp các thủ tục pháp lý được thuận lợi. Nếu như trước đây, bà con “mỏi mắt” chờ ngày được trở về quê hương hay thăm lại nơi sinh sống cũ thì hiện nay mọi sự đi lại đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trong mắt chính quyền nước sở lại thì không cần phải nghi ngại người Việt mình bởi bản chất hiền lành, cần mẫn và không ngừng làm giàu hơn cho mảnh đất này”, ông nói.

“Đất nước còn khó khăn nên chưa có điều kiện thành lập một cơ quan đại diện chính thức tại Nouvelle Calédonie. Tuy nhiên chúng ta có thể ủy quyền cho một công dân nước ngoài gốc Việt có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp, xứng đáng làm đại diện. Với cương vị mới, ông Dinh Jean Pierre sẽ là cầu nối để chính sách của nhà nước đến với bà con được sâu sắc hơn, qua đó, giúp cộng đồng thấy rõ được mình là bộ phận không thể tách rời của dân tộc”.

Vũ Hồng Nam (Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)

Theo

Thế giới và Việt Nam