Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ 9:
Thay đổi để nắm bắt cơ hội
Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ 9 vừa diễn ra tại Golden Sands, Varna (Bulgaria) với chủ đề "Hội nhập Châu Âu - phát triển bền vững".
Diễn đàn là hoạt động thường niên của giới doanh nghiệp người Việt tại Châu Âu nhằm kết nối toàn hệ thống, bàn bạc, thảo luận, tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm, và tìm giải pháp cho những khó khăn trong kinh doanh hiện nay để phát triển mạng lưới doanh nhân Việt kiều ngày càng lớn mạnh.
Hàng trăm doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu tham dự diễn đàn.
Tham dự diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu duy trì thường niên hoạt động diễn đàn doanh nghiệp kiều bào; đồng thời khẳng định các doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước; là nhịp cầu nối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Châu Âu. Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria Lê Đức Lưu cho rằng, diễn đàn năm nay nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ tại Châu Âu làm ăn ổn định và phát triển lâu dài, thay đổi tư duy kinh doanh.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã có một số tham luận nêu thực trạng việc làm ăn, kinh doanh của doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu, những tác động bất lợi trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Diễn đàn cũng đưa ra kinh nghiệm thành công của một số nước để từ đó giúp các doanh nghiệp kiều bào nắm bắt và dần thay đổi tư duy kinh doanh từ truyền thống nhỏ lẻ sang cách làm ăn mới, bài bản hơn; đồng thời tìm hướng kinh doanh phù hợp với tình hình hiện nay.
Trên thực tế, từ những năm 90 của thế kỷ trước, loại hình kinh doanh của người Việt tại Đông Âu chủ yếu là buôn bán ở chợ. Nhưng hiện nay, phương thức kinh doanh này gặp rất nhiều khó khăn, một phần vì nhiều nước mở ra các trung tâm thương mại lớn với môi trường kinh doanh hiện đại hơn, hút một lượng lớn khách hàng. Bên cạnh đó, khủng hoảng nợ Châu Âu cũng khiến sức mua giảm sút nhiều. Nếu muốn tồn tại và phát triển, cộng đồng người Việt tại Châu Âu buộc phải thích nghi, thay đổi theo xu hướng mới.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary Phạm Ngọc Chu khẳng định, văn hóa chợ không phải là văn hóa của Châu Âu. Do vậy, phương thức kinh doanh của người Việt ở khu vực này cần thay đổi. Trong khi đó, TS Hoàng Xuân Bình, người Việt tại Ba Lan, bổ sung thêm rằng, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ tạo cho doanh nghiệp kiều bào Châu Âu nhiều lợi thế trong hoạt động xuất nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội này để tạo thành nhịp cầu kết nối giữa Việt Nam và EU.
Các đại biểu đều đồng tình việc doanh nghiệp kiều bào tại Châu Âu cần chủ động tìm những biện pháp thiết thực nâng cao khả năng hội nhập vào nước sở tại; đồng thời tăng cường gắn kết hợp tác hơn nữa giữa các hội doanh nghiệp các nước để tận dụng tốt các cơ hội, tiềm năng sẵn có, tạo ra sự phát triển bền vững và thịnh vượng cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu.
Theo Phương Lan (từ Bulgaria)
Hà Nội mới