“Tái thống nhất nước Đức là cơ hội lớn của tôi”
Đây là tâm sự của chị Nguyễn Thị Hà, một doanh nhân thành đạt trong cộng đồng người Việt ở Berlin kể từ khi thống nhất nước Đức.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm tái thống nhất nước Đức, tạp chí "Stern" (Đức) đã có bài viết giới thiệu về chị Nguyễn Thị Hà, thường được biết tới với danh hiệu "Hà Nails", một doanh nhân thành đạt trong cộng đồng người Việt ở Berlin kể từ khi thống nhất nước Đức.
Chị Nguyễn Thị Hà trong gian hàng của mình trong dịp Lễ hội 40 năm Hội nhập và Phát triển tại TTTM Đồng Xuân, Berlin. (Ảnh: Văn Long)
Theo tạp chí Stern, Nguyễn Thị Hà tới CHDC Đức, đem lòng yêu và sau đó ở lại Đức. Cho tới nay, chị đã thành công ở khắp châu Âu với cửa hàng "Ha Beauty Nails Supply".
Chị Hà là chủ một "vương quốc" chai, lọ, bút lông, giũa, ảnh dán và những viên đá lấp lánh. Tất cả đều rực rỡ, sáng bóng và chói lòa. Nhưng rạng rỡ nhất là chị Nguyễn Thị Hà, 55 tuổi. Chị vừa từ Hội chợ Trang điểm Hongkong trở về, mang theo những xu hướng và cách trang trí thời thượng nhất của thị trường dành cho nghề Nails.
Khách hàng của chị say mê với những thứ đồ trên giá của ba cửa hàng trong "Đồng Xuân Center", một trung tâm thương mại khổng lồ của Việt Nam, nơi đã biến một phần quận Lichtenberg thành "Hà Nội nhỏ". Khi chị Hà giới thiệu một kỹ thuật sơn móng mới, khách hàng lại xin được chụp ảnh chung với chị.
Duyên phận với nước Đức
Hiện nay, chị Hà cung cấp thiết bị và nguyên vật liệu cho khoảng 1.500 tiệm Nails ở nước Đức. Việc bán hàng qua mạng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc buôn bán quốc tế. Con gái chị là Lê Quỳnh, 21 tuổi sẽ chăm lo việc này, trong khi đang theo học đại học ngành Truyền thông kinh tế. "Ha Beauty Nails Supply" đang tiếp tục mở rộng.
Lần đầu tiên chị Hà tới Đức là đến CHDC Đức và đem lòng yêu một chàng trai Việt Nam. Chị bỏ học ngành Hóa sinh ở Nga, lấy chồng và cùng với chồng mở một cửa hàng quần áo. Hai vợ chồng có được hai con gái thì cuộc hôn nhân tan vỡ, người chồng trở về Việt Nam. Chị Hà - một phụ nữ "cầm tinh con hổ" đã tự mình hạ quyết tâm và năm 2006 mở cửa hàng bán buôn ở Lichtenberg.
Cộng đồng Việt Nam được kết nối
Khoảng 24.000 người Việt Nam sinh sống chính thức ở Berlin. Tại quận Lichtenberg, những người Việt Nam đã xây dựng một cộng đồng được kết nối chặt chẽ. Quy chế lưu trú không chắc chắn sau khi bức tường Berlin sụp đổ đã buộc họ phải kinh doanh tự lập, bởi vì chỉ ai có công ăn việc làm, người đó mới được phép ở lại.
Lê Quỳnh, con gái của chị Hà kể: "Chúng tôi phải cố gắng vào được Gymnasium để nổi bật lên, thay vì bị chìm xuống trong đám đông. Ngay từ đầu, mẹ chúng tôi đã hướng chúng tôi phải tự lập. Chúng tôi không muốn phải nhận sự giúp đỡ, sự hỗ trợ của nhà nước, đối với mẹ điều đó cực kỳ quan trọng".
Quỳnh thừa nhận rằng điều đó chẳng dễ dàng gì: "Mẹ tôi khá độc đoán và có thể nổi giận, mọi sự không phải lúc nào cũng yên tĩnh. Nhưng khi lớn lên, người ta có thể hiểu được. Điều đó mang lại cho chúng tôi nhiều điều". Cả cô em gái 16 tuổi cũng giúp việc trong cửa hàng sau khi ở trường về hoặc vào những ngày cuối tuần. Quỳnh cho biết: "Chúng tôi lớn lên trong Đồng Xuân Center".
Văn hóa Việt Nam ở Berlin
Để cho văn hóa và bản sắc Việt Nam không bị mất đi trong vô vàn thứ ở Berlin rộng lớn, cho tới nay, chị Hà kiên quyết yêu cầu là ở nhà phải nói tiếng Việt. Bản thân chị chỉ biết ít tiếng Đức. Chị thường xuyên theo dõi lịch âm để chăm sóc bàn thờ thần tài có đầy đủ lọ hoa vàng, đồ ăn thức uống để ở góc cửa hàng. Chị chỉ mong muốn cho con gái mình sẽ lấy chồng Việt Nam.
Chị Hà cho biết, nước Đức đã trở thành quê hương chị, cộng đồng người Việt ở Lichtenberg đã trở thành gia đình chị. Chị Hà nhấn mạnh: "Việc tái thống nhất là một cơ hội lớn của tôi và tôi nghĩ, nếu tôi không tận dụng cơ hội đó thì còn cơ hội nào nữa?"./.
Theo CTV Văn Long/VOV.VN (lược dịch)