Nhà khoa học Lê Duy Loan:

“Quan trọng là biết hướng về cội nguồn"

(Dân trí) - Cho đến nay giới, công nghệ thông tin (CNTN) trên thế giới không còn xa lạ gì với tên tuổi của Lê Duy Loan, một phụ nữ người Việt Nam đầy tài năng đã làm "khuynh đảo" thế giới công nghệ cao, vốn vẫn được coi như lãnh địa chỉ dành cho phái mạnh.

Chị là phụ nữ duy nhất cho đến nay đã được Texas Instrument - một công ty hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực thiết kế bộ nhớ máy tính - trao danh hiệu cao quý: " Texas Instruments Senior Fellow", là vị trí chuyên gia xuất sắc nhất, tương đương với phó chủ tịch công ty này.

 

Sinh năm 1963 tại Việt Nam, cô bé Loan cùng với mẹ sang Mỹ vào năm 12 tuổi và đến định cư tại Houston, bang Texas. Khi ấy, trong điều kiện sống xa cha, không tiền, không biết tiếng Anh… Lê Duy Loan đã tự hứa với mình sẽ theo đuổi đến cùng giấc mơ đổi đời bằng con đường học vấn. Vốn là người thông minh, cộng với sự nỗ lực không ngừng, chỉ 4 năm sau, chị đã tốt nghiệp thủ khoa của trường trung học khi mới 16 tuổi, và được đăng đàn phát biểu trước 2.000 cử tọa của trường.

 

"Có trải qua những ngày tháng nhọc nhằn của tuổi thơ phải lăn lộn ở xứ người, những đêm thắp đèn đọc sách, nghiên cứu, đọc tài liệu mỏi mắt… mới thấu hiểu được vinh dự của ngày trở thành người đứng trước hàng ngàn học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo của trường để phát biểu cảm tưởng của mình. Vinh dự và tự hào vô cùng bởi một lẽ nữa: mình là người Việt Nam", Lê Duy Loan cho biết.

 

Sau khi tốt nghiệp trung học, chị quyết định theo học tại đại học Texas ở Austin. Tố chất thông minh và sự kiên trì đã giúp chị hoàn thành chương trình cử nhân tại đại học Texas chỉ trong ba năm. Năm 1981, những nỗ lực ấn tượng của cô gái Việt Nam tài năng này đã được nhật báo Houston Chronicle ca ngợi là "Kỳ quan học thuật" trong một bài viết về chị. Duy Loan vinh dự nhận Học bổng dành cho những tài năng xuất chúng (Scholarship Winner Out Of The Ordinary) của Đại học Texas. Không chỉ vậy, chị còn đoạt giải thưởng kỹ sư trẻ tốt nghiệp xuất sắc từ Đại học Texas, ngành Kỹ sư và một lần nữa được tự hào đăng đàn phát biểu bài diễn văn tốt nghiệp trước những bạn đồng môn lớn tuổi hơn, vì khi ấy Lê Duy Loan mới chỉ 19 tuổi.

 

Liền sau đó, từ 1982 Duy Loan bắt đầu làm việc cho hãng Texas Instruments với vai trò của một kỹ sư chuyên thiết kế bộ nhớ cho máy tính. Và chẳng bao lâu, cô kỹ sư trẻ mới ra trường này đã làm những chuyên gia sừng sỏ ở công ty hàng đầu của thế giới trên lĩnh vực trong lĩnh vực thiết kế bộ nhớ máy tính Texas Instruments phải kinh ngạc bởi sự sáng tạo, thông minh, tinh thần làm việc quyết đoán và hiệu quả công việc mà cô đem lại.

 

Texas Instrument đã sáng suốt khi giao cô giữ trọng trách điều hành các dự án lớn trị giá hàng tỷ USD cùng với các công ty đến từ ba châu lục khác nhau. Và họ đã không lầm khi Lê Duy Loan cùng đội ngũ chuyên gia của mình đã hoàn thành xuất sắc công việc, và không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế khổng lồ mà còn ghi tên mình vào hàng ngũ những kỹ thuật viên sắc nhất thế giới về công nghệ thông tin. Sau đó chị lần lượt cho ra đời các sáng chế quan trọng để nâng cao khả năng làm việc của bộ nhớ máy vi tính. Lê Duy Loan lên chức Giám sát tại công ty vào năm 1985.

 

 “Quan trọng là biết hướng về cội nguồn"  - 1

Chị Loan vừa thành đạt trong sự nghiệp, vừa có một gia đình hạnh phúc.

 

Tuy công việc bận rộn, Lê Duy Loan vẫn vừa học vừa làm để đến năm 1989 chị hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh MBA ở Đại học Houston. Cùng năm, Lê Duy Loan được giao chức vụ giám đốc thiết kế, và chị trở thành một trong những thành viên cao cấp của Hội đồng Kỹ thuật vào năm 1993. Kể từ đó, Lê Duy Loan ngày càng khẳng định vị trí của mình trong bộ phận "đầu não" của Texas Instruments. Năm 1997, Loan vinh dự là người phụ nữ đầu tiên nhận danh hiệu Thành viên Danh dự do Hội đồng Kỹ thuật Texas Instruments trao tặng, đồng thời là Phó giám đốc thương mại của công ty.

 

Và năm 2002, lần đầu tiên trong lịch sử 76 năm của mình, công ty Texas Instrument đã trao danh hiệu "Texas Instruments Senior Fellow". Đây là chức vụ uy tín nhất trong những "đại công ty về kỹ thuật" của thế giới. Không chỉ là người phụ nữ đầu tiên, chị cũng là người châu Á đầu tiên được trao danh hiệu này. Đến nay cũng chỉ có 5 người đàn ông nhận chức vụ này trong công ty Texas Intruments. Ngoài ra, Thạc sĩ Lê Duy Loan còn được tặng nhiều danh hiệu khác như: Nữ chuyên gia kỹ thuật xuất sắc thế giới (Women in Technology International Hall of Fame), Nhân vật lãnh đạo của thành phố Houston, giải Ngọn đuốc vàng tôn vinh những người Mỹ gốc Việt có thành tích xuất sắc và đóng góp to lớn cho cộng đồng năm 2007...

 

Nhà khoa học Lê Duy Loan đã cùng Texas Instruments luôn khẳng định ưu thế vượt trội trong lĩnh vực thiết bị xử lý tín hiệu số DSP và analog. Cho đến nay, Lê Duy Loan sở hữu khoảng gần 30 sáng chế trong lĩnh vực nghiên cứu bộ nhớ máy tính. Vai trò xuất sắc của chị đã được giới CNTN ghi nhận. Tháng 8/2002 Công ty National Instruments - một thành viên quan trọng trong thị trường chứng khoán Nasdad - cũng đã mời chị vào ghế thành viên Hội đồng quản trị công ty.

 

Tuy nhiên, Thạc sĩ Lê Duy Loan được mọi người nhắc đến không chỉ về những tài năng và thành công trên trường quốc tế của chị, mà còn cả tấm lòng mà phụ nữ Việt Nam này dành cho quê hương. Năm 2002, chị cùng một số bạn bè thành lập Quỹ từ thiện Sunflower Mission để giúp xây dựng trường học và cấp học bổng cho các sinh viên, học sinh nghèo ở Việt Nam. Được biết, trong năm năm qua, Quỹ từ thiện Sunflower Mission đã xây được hơn 62 lớp học tại các địa phương nghèo ở Việt Nam và cấp hơn 2000 học bổng cho sinh viên, học sinh trong khắp cả nước. Lê Duy Loan nói: "Tôi cảm thấy mình hãnh diện là người Việt Nam nhưng tôi cũng cảm thấy mắc nợ quê hương mình nhiều quá.

 

Về nước nhìn thấy cảnh sống thiếu thốn của các gia đình, nhất là điều kiện cơ sở để trẻ em đến trường quá lớn, tôi không cam lòng. Đó cũng chính là lý do Sunflower Mission ra đời với mục đích duy nhất là giúp đỡ về giáo dục cho Việt Nam. Sunflower Mission được thành lập còn vì mục đích giúp cho cộng đồng người Việt đang sinh sống ở Mỹ và các nước khác nhất là trẻ em cảm nhận được sợi dây thiêng liêng của tình cảm cội nguồn, giúp các em hiểu, đồng cảm và chia sẻ khó khăn với những đưa trẻ cùng giống nòi".

 

Dù bận rộn với những công việc, dự án nhưng khi về đến nhà, chị vẫn là người mẹ dịu hiền, người vợ đảm đang với mái ấm gia đình cùng hai con trai. Chị dành thời gian để dạy cho con biết đọc, biết viết tiếng Việt. "Tôi dạy cho con biết: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín, biết nét đẹp trong văn hóa Việt nhưng cũng dạy cho con những cái hay của văn hóa Mỹ. Khi lớn lên, nó sẽ biết phân biệt điều hay, lẽ phải, tốt xấu và quan trọng là biết hướng về cội nguồn", chị Lê Duy Loan cho biết.

 

Vũ Anh Tuấn

Theo BBC, Cali Today và báo chí trong nước