Phía sau một cuộc chạy trốn

Khoảng 100 cuộc điện thoại, ngót 1.000 tin nhắn và 63 giờ đồng hồ... không thuần túy là những con số về cuộc giải cứu cô dâu Việt ở một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh An Huy (Trung Quốc) mới đây.

Phía sau một cuộc chạy trốn
Mr. Man "bàn giao" M.L (phải) cho nhà báo Thu Trang sau khi làm thủ tục nhập cảnh cho nạn nhân vào Việt Nam.

Ít ai biết, phía sau câu chuyện đang được báo giới trong nước đánh giá là ly kỳ, ngoạn mục ấy là "Mr. Man", một người đàn ông kiệm lời, khiêm tốn - một cán bộ của Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) Việt Nam tại Nam Ninh.

Liên lạc với Mr. Man không khó, không chỉ bởi tài khoản mạng xã hội của anh gần như thường xuyên ở chế độ online mà ngay cả điện thoại cá nhân cũng hiếm khi ở tình trạng "ò e í". Có lẽ, tính chất công việc là phụ trách lãnh sự cho cơ quan đại diện Việt Nam ở một địa bàn phức tạp như Nam Ninh khiến anh không chỉ có cái “nhạy” của một cán bộ thông hiểu địa bàn, luôn chủ động trong tiếp nhận thông tin, mà ẩn sâu trong đó còn là một trái tim rất Con Người - như bí danh mà anh cung cấp cho báo chí trong câu chuyện: "Mr. Man".

"Đơn giản thôi"

Nếu như câu chuyện giải cứu cô dâu Việt mang tên M.L khiến báo chí tốn nhiều giấy mực với những tình tiết thắt nút, gỡ nút đến nghẹt thở thì với nhân vật nam chính trong câu chuyện, anh gói gọn trong mấy chữ: "Đơn giản ấy mà!"

Anh kể: "Chiều 18/6, mình nhận được tin của nhà báo Thu Trang (báo Phụ Nữ) báo về trường hợp của M.L qua Facebook. Sau khi nghe đầy đủ câu chuyện từ M.L, mình xác định đây là nạn nhân của một vụ môi giới hôn nhân và mua bán cô dâu, bị nhà chồng bội ước, không thực hiện những cam kết như ban đầu. Cô ấy hiện sống không tự do, không hạnh phúc, không hợp pháp, không cả hôn thú và lại đang mang thai năm tháng. Trường hợp này, nếu thông qua cơ quan chức năng địa phương để giải cứu sẽ mất nhiều thời gian và thậm chí nếu nhà chồng không hợp tác có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con".

Sau khi xin ý kiến lãnh đạo TLSQ và được giao toàn quyền phụ trách vụ này, Mr. Man bắt tay ngay vào công cuộc "mò kim đáy bể" vì ngoài số điện thoại của M.L thì bản thân cô ấy không biết tiếng và cũng không biết mình đang ở đâu giữa An Huy - một tỉnh có 60 triệu dân, rộng khoảng 140.000 km2, với 23 thành phố, 56 thị trấn, huyện lỵ...

Bằng nhiều biện pháp và với sự trợ giúp của M.L trong việc cung cấp hình ảnh quanh nơi cô đang ở, sau một đêm, Mr. Man đã xác định được nạn nhân hiện đang ở thị trấn Bạng Phụ, cách Nam Ninh khoảng gần 2.000 km. Các phương án giải cứu lần lượt được anh vạch ra.

Với sự chỉ đạo của TLSQ và sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, Mr. Man đã sử dụng tất cả đầu mối quan hệ người bản địa để bố trí hỗ trợ kịp thời tại các điểm mà nạn nhân sẽ di chuyển qua. Sau nhiều sự cố ngoài kế hoạch và thay đổi phương án trốn chạy cho M.L thì sau 63 tiếng đồng hồ, nạn nhân đã về đến Nam Ninh an toàn và lập tức được TLSQ thực hiện ngay các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. Đồng thời, TLSQ làm việc với công an địa phương để làm thủ tục xuất cảnh cho M.L.

Nhưng... rất phức tạp

Theo TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh, với đặc thù đường biên giới giữa Việt Nam với Quảng Tây rất dài (gần 700 km), giao lưu qua lại biên giới của công dân hai nước diễn ra khá phức tạp trong hàng chục năm qua nên khối lượng công việc liên quan đến công tác bảo hộ công dân của TLSQ khá lớn, liên quan đến các hoạt động như tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em xuyên biên giới, buôn lậu, đưa người vượt biên trái phép....

Chỉ cần nhìn qua con số thống kê trong năm 2014 do TLSQ cung cấp cũng đủ thấy thực tế phức tạp của địa bàn Quảng Tây: Chuyển hồ sơ xác minh nhân thân của gần 700 trường hợp công dân Việt Nam bị chính quyền sở tại bắt giữ, 300 công dân đang thụ án tù, 79 trường hợp bị lừa bán hoặc bị nạn...

Từ đầu năm 2015 đến nay, rất nhiều trường hợp là nạn nhân bị lừa sang làm việc, sau đó bị chủ lao động quỵt tiền. TLSQ đã chuyển về nước hồ sơ 350 trường hợp đề nghị xác minh nhân thân, cấp miễn phí giấy thông hành cho các trường hợp được trao trả về nước.

Một trong những điểm phức tạp khác của địa bàn là số phụ nữ Việt Nam lấy chồng tại Quảng Tây, chủ yếu qua môi giới không chính thức hoặc bị lừa bán. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Quảng Tây có khoảng trên 1 vạn trường hợp như vậy, chủ yếu sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, đa phần còn nhiều khó khăn. Các chị em đều có chung đặc điểm "bốn không": nhập cảnh không hợp pháp, cư trú không hợp pháp, hôn thú không hợp pháp và không có địa vị pháp lý hợp pháp. Điều này khiến cho cuộc sống và quyền lợi của chị em vốn khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Nhiều năm qua, TLSQ đã phối hợp với các cơ quan trong nước hỗ trợ xác minh, hoàn tất giấy tờ, thủ tục và vận động các cơ quan chức năng Quảng Tây tạo điều kiện để chị em hợp pháp hoá hôn nhân và việc cư trú tại địa phương. Chỉ riêng trong ba năm, từ tháng 5/2012 đến nay, TLSQ đã gửi hồ sơ của hơn 1.000 chị em Việt Nam như vậy để xác minh trong nước, đến nay đã xác minh được hơn 700 trường hợp để cấp hộ chiếu.

Khi có hộ chiếu Việt Nam, chị em mới có thể làm thủ tục kết hôn và được cấp giấy lưu trú có thời hạn tại Trung Quốc, góp phần nâng cao mức độ hoà nhập và địa vị pháp lý tại địa phương, giúp chị em ổn định cuộc sống.

Đại diện TLSQ cho biết: "Các trường hợp sau khi được cấp hộ chiếu cơ bản đã hoàn tất thủ tục kết hôn và cư trú hợp pháp tại Trung Quốc. Họ hài lòng với cuộc sống ổn định hiện có. Ngoài ra, đa số trường hợp cô dâu Việt bỏ trốn gần đây là do bị lừa bán, bị ngược đãi, nhà chồng không thực hiện đúng cam kết như ban đầu hoặc bản thân các cô dâu không chấp nhận nổi thực tế "không như mơ", khác xa những gì họ hình dung trước khi rời quê hương. Do đa số họ đều không biết tiếng bản địa nên dễ gặp nguy hiểm khi tự ý bỏ trốn. Những trường hợp trốn thoát đều đến TLSQ để được hỗ trợ hoặc được cơ quan chức năng địa phương giải cứu, hoặc tiếp nhận cô dâu Việt rồi bàn giao cho phía Việt Nam".

Cuộc trò chuyện với Mr. Man tưởng như không thể có hồi kết với câu chuyện ly kỳ về vô số trường hợp mà TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh đã bảo hộ trong thời gian qua. Nhưng với Mr. Man, những điều mà bản thân anh cũng như các đồng nghiệp tại TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh đang làm chỉ là một việc rất nhỏ trong hàng trăm, hàng ngàn công việc mà các cơ quan đại diện trên khắp thế giới đang làm hàng ngày hàng giờ để bảo hộ công dân Việt Nam.

"Một phần nhờ vào may mắn, đa phần nhờ vào sự hỗ trợ, tận tâm theo sát và cưu mang rất nhiệt tình của các cô chú cán bộ trong TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh - Trung Quốc, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu nghị và Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn, nên em mới có thể thực hiện thành công cuộc trốn chạy này.

Đặc biệt, gia đình và M.L xin gửi lời trân trọng cảm ơn đến một cán bộ công tác tại TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh, người đã sắp xếp toàn bộ và theo sát cuộc trốn chạy của M.L từ đầu tới cuối. Anh - với TÀI và TÂM - đã giúp đỡ M.L trọn vẹn, không một chút trì hoãn hay nề hà, vượt qua nhiều qua sự mong đợi của M.L và gia đình. Anh đã giúp chúng tôi trọn vẹn niềm tin hơn vào các cơ quan chính quyền Nhà nước nói chung và với cán bộ nói riêng, trong việc quan tâm và bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài".

(Trích Thư cảm ơn của gia đình nạn nhân gửi TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh sau khi M.L trở về nhà an toàn).

 
Theo Khánh Nguyễn (ghi)
Thế giới và Việt Nam