Phan Toàn Thắng - Nhà nghiên cứu tế bào gốc “tình cờ”

(Dân trí) - Tháng 7/2005, nhiều tờ báo y học lớn trên thế giới đồng loạt đưa tin: Một công ty công nghệ sinh học Singapore đã nghiên cứu thành công việc phát triển tế bào gốc từ một bộ phận đặc biệt mà trước đây ít nhà khoa học nào chú ý là cuống dây rốn.

Điều này được giới nghiên cứu tế bào gốc quốc tế đánh giá là hướng đi đột phá đầy triển vọng đối với ngành nghiên cứu tế bào gốc thế giới. Và điều gây bất ngờ đối với nhiều người là nhà khoa học chủ trì dự án nghiên cứu mang tính đột phá trên là một người Việt Nam: Đó là Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Phan Toàn Thắng, một bác sĩ người Việt Nam công tác tại Đại học Quốc gia Singapore.

 

PGS.TS Phan Toàn Thắng chính là người đầu tiên trên thế giới tìm ra công nghệ tách tế bào gốc từ cuống dây rốn. Công nghệ này sẽ giúp điều trị nhiều căn bệnh nan y như ung thư, chống lão hóa, bỏng, tiểu đường...

 

PGS.TS Phan Toàn Thắng sinh năm 1968 tại Hà Nội, trong một gia đình công chức nghèo. Tuy vậy, bố mẹ anh đã dành tất cả mọi khả năng để nuôi cho các con học. Theo Phan Toàn Thắng, thời học tiểu học và trung học, học lực của anh không có gì nổi trội, mà người thành công nhất trong gia đình về học vấn khi đó là Phan Phương Đạt, em trai của anh (hai lần đoạt giải toán quốc tế; tốt nghiệp Tiến sĩ toán học tại Nga năm 1998). Thắng đã đến với ngành y một cách khá tình cờ. Ban đầu, anh không có ý định thi vào ngành y, nhưng bạn bè của bố Phan Toàn Thắng ở Học viện Quân y đã khuyên bố mẹ anh nên cho một người con theo học nghề y để chăm sóc sức khoẻ cho gia đình. Và thế là, Thắng đã đăng ký thi vào Học viện Quân y…

 

Dù được coi là “tình cờ”, nhưng ngay khi còn là một sinh viên, Phan Toàn Thắng đã thể hiện những khả năng học tập và nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực y học. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân Y năm 1991, Thắng về công tác tại Viện Bỏng quốc gia cho đến khi anh sang làm thực tập sinh tại Viện Nghiên Cứu Liền Vết Thương của trường Đại học Oxford của Vương Quốc Anh vào năm 1995.

 

Khi mới bắt đầu học về công nghệ nuôi cấy tế bào da ở Đại học Oxford danh tiếng, Phan Toàn Thắng vẫn chưa hề tiếp xúc với kiến thức khoa học và phòng thí nghiệm hiện đại vì anh chỉ quen làm lâm sàng điều trị bệnh nhân. Bởi vậy, so với các đồng nghiệp cùng lứa từ Đức, Áo, Thụy Điển, Trung Quốc... thì điểm xuất phát của Thắng là thấp nhất và kém nhất lúc đó. Các bạn Trung Quốc còn có đồng nghiệp đồng hương lứa trên để hỏi, còn anh chẳng biết hỏi ai. Dù vậy, Phan Toàn Thắng đã dồn hết nỗ lực để học tập và nghiên cứu, và anh đã theo kịp được các đồng nghiệp đó. Thời gian 2 năm thực tập sinh tại trường Đại học Oxford đã giúp cho các kỹ năng và lòng say mê nghiên cứu của Phan Toàn Thắng được củng cố thêm lên.

 

Phan Toàn Thắng - Nhà nghiên cứu tế bào gốc “tình cờ”  - 1
 PGS.TS Phan Toàn Thắng tại phòng thí nghiệm.

 

Năm 1997, Phan Toàn Thắng về nước, sau đó anh sang Singapore và làm việc, nghiên cứu tại khoa Phẫu Thuât Tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Singapore(SGH) trong 5 năm. Năm 2002, Phan Toàn Thắng hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Trước khi chuyển công tác sang Trường Đại học Quốc gia Singapore vào năm 2004, Phan Toàn Thắng đã có 2 năm nghiên cứu tại Khoa Ngoại và Viện nghiên cứu ngoại nhi, trường Đại học Stanford nổi tiếng của Mỹ. Anh là người đầu tiên trong hai năm liền được giải thưởng khoa học trẻ của Hội đồng nghiên cứu khoa học quốc gia Singapore. Phan Toàn Thắng cũng đã được trao Giải thưởng khoa học quốc tế của Hội đồng nghiên cứu phẫu thuật tạo hình Mỹ 2001. Hiện nay, PGS.TS Phan Toàn Thắng đang làm việc tại Bộ môn Ngoại, Đại học Quốc gia Singapore.

 

Phan Toàn Thắng cho biết, việc nảy ra ý định nghiên cứu phát triển nguồn tế bào gốc từ cuống dây rốn đã tình cờ đến với anh năm 2004, sau khi nhận được những dây rốn gửi tới phòng nghiên cứu của Thắng. Tế bào gốc là loại tế bào sơ khai chưa biệt hóa, có trong tuỷ, phôi thai và tế trong dây rốn, nhau thai người.

 

Là chuyên gia nghiên cứu về da và vết thương, Phan Toàn Thắng đã thành công trong việc áp dụng những kỹ thuật mà anh đã nghiên cứu để tách tế bào da và cuống dây rốn. Tuy nhiên, môi trường nuôi cấy tế bào gốc là một điều cực kỳ quan trọng, và anh đã mày mò tốn khá nhiều thời gian để tìm ra được môi trường nuôi cấy phù hợp cho loại tế bào gốc này. Và cuối cùng thì anh đã thành công. Công ty CordLabs Pte Ltd, nơi anh làm giám đốc khoa học, đã bỏ ra 200.000 USD để đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu bản quyền Mỹ.

 

Tế bào gốc có khả năng được chuyển đổi để phát triển thành rất nhiều loại tế bào mô khác nhau của cơ thể. Khả năng này cho phép chúng hoạt động như một hệ thống sửa chữa của cơ thể bù đắp cho những tế bào chết đi. Hiện nay, rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đang ra sức nghiên cứu tìm cách ứng dụng tế bào gốc để chữa trị nhiều căn bệnh và thương tích khác nhau cho con người. Việc tìm ra công nghệ tách và nuôi cấy tế bào gốc của PGS.TS Phan Toàn Thắng đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận và được giới khoa học đánh giá là có ý nghĩa rất lớn trong sử dụng tế bào gốc vào nghiên cứu và điều trị. Phan Toàn Thắng đã được nhiều trung tâm, tập đoàn nghiên cứu lớn của Mỹ và châu Âu mời sang để thuyết trình công nghệ này.

 

Công nghệ của Phan Toàn Thắng có nhiều ưu điểm vượt trội như: không vi phạm y đức, không gây tổn thương cho cả mẹ và con, quá trình thu giữ dây rốn dễ dàng nên việc lưu giữ bảo quản đông lạnh rất thuận lợi và hiệu quả cho việc sử dụng tế bào gốc để điều trị cho gia đình và bản thân trong tương lai… Sau khi tìm ra công nghệ tách và nuôi cấy tế bào gốc gây tiếng vang trong dư luận quốc tế, hiện nay PGS.TS Phan Toàn Thắng đang làm việc với các đồng nghiệp ở trong nước để đào tạo và chuyển giao công nghệ này về Việt Nam.

 

Theo PGS.TS Phan Toàn Thắng, hiện nay cán cân chất xám đang nghiêng từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Anh cho rằng Việt Nam nên hợp tác nhiều hơn với các nước trong khu vực như Singapo để có thêm nhiều cơ hội học hỏi và nâng cao hiểu biết cho sinh viên trong nước.

 

“Tôi thấy các sinh viên Việt Nam do tôi đào tạo không thua kém gì các sinh viên nước bạn. Mình nên hợp tác nhiều hơn với các nước trong khu vực, tận dụng và kêu gọi người Việt làm khoa học tại các nước lân cận. Tôi được biết hàng năm, Singapo đầu tư rất nhiều tiền để mời các giáo sư nước ngòai về thỉnh giảng. Chúng ta nên hợp tác để nhân đó mời họ về Việt Nam. Singapo rất quý Việt Nam, họ sẽ sẵn sàng ủng hộ chúng ta. Những hợp tác như thế sẽ tối đa hóa thời gian, tiềm lực và tiết kiệm chi phí. Sinh viên mình lại có thêm nhiều cơ hội học hỏi và nâng cao hiểu biết”, anh nói.

 

Vũ Anh Tuấn

Theo vietsinginco.com.vn và báo chí trong nước