John Trịnh và hành trình Chất da cam

Là tác giả của phim tài liệu từng giành được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, John Trịnh rất xúc động trước tinh thần bất khuất và tấm lòng rộng lượng của các nạn nhân chất độc da cam: "Họ khiến tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì trong mình cũng mang dòng máu Việt".

John Trịnh và hành trình Chất da cam


Phim của John Trịnh từng giành giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Độc lập quốc tế New York (2009), giải Hòa bình ở Liên hoan phim Medea Ý (2010). Tuy vậy, anh chưa từng biết về chất độc da cam ở Việt Nam cho đến năm 2005.

30 năm sau

Lớn lên ở Việt Nam trong chiến tranh và sinh sống tại Mỹ từ năm 1987, John Trịnh chưa từng biết về chất độc da cam cho đến năm 2005, khi tình cờ đọc tin Mỹ bác đơn kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam. Nhìn thấy hình ảnh các nạn nhân trên Internet, anh sững sờ và thấy rằng Mỹ đang trốn tránh thực hiện trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam. Vì vậy, John Trịnh bắt đầu nghiên cứu sâu về lĩnh vực này và quyết định làm bộ phim về sự tàn bạo và hiệu ứng lâu dài của chiến tranh. Dù không hề được đào tạo bài bản về lĩnh vực này nhưng với mong muốn góp một tiếng nói của mình trong việc đòi lại công lý cho các nạn nhân chất da cam Việt Nam, anh đã có được những thước phim sống động để tố cáo sự tàn bạo và ám ảnh của chiến tranh - đặc biệt là chiến tranh hóa học.

"Chất da cam: 30 năm sau" là câu chuyện của các nạn nhân chất da cam, từ Bắc vào Nam Việt Nam. Thế hệ con, cháu của họ cũng do di nhiễm chất độc da cam mà bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể... Những thước phim không cầu kỳ về kỹ thuật, không hoa mỹ về câu từ nhưng lại chinh phục hoàn toàn khán giả bởi những câu chuyện có thật được kể một cách chân thực, xúc động và có phần tàn nhẫn. Tác giả đã thực hiện những cuộc phỏng vấn hấp dẫn với những hình ảnh được chọn lọc từ kho lưu trữ để kể những câu chuyện kinh dị của người dân, từ trẻ sơ sinh tới ông bà, nam và nữ, miền Bắc và miền Nam Việt Nam sống với cuộc sống bi thảm vì bị ảnh hưởng bởi chất độc này.

Điều khiến John Trịnh ngạc nhiên nhất là khi thấy bộ phim được đón nhận ngay sau khi phát hành vào cuối năm 2008 và đến nay, phim đã được chiếu tại 20 Liên hoan phim quốc tế tại Mỹ, New Zealand, Pháp, Italia, Qatar... Rất nhiều người đã khóc sau khi bộ phim kết thúc và anh có nói với họ rằng: "Người dân Việt Nam không muốn trả thù. Họ chỉ muốn các nạn nhân da cam được nhận đền bù và trợ giúp xứng đáng". Nguyện vọng của anh là mong Chính phủ Mỹ thừa nhận sai lầm trong việc sử dụng chất da cam trong chiến tranh Việt Nam và làm điều đúng đắn là bù đắp cho tất cả các nạn nhân chất da cam. John Trịnh cho biết, anh đã gửi phim cho Tổng thống Barack Obama, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Tỉ phú Bill Gates và nhiều nhân vật nổi tiếng khác tại Mỹ.

Người Việt cần hiểu đúng về "Chất da cam"

Theo John Trịnh, Agent Orange phải được dịch là Chất Cam hay Chất Da Cam chứ không phải là Chất Độc Màu Da Cam như trên báo chí ở Việt Nam và trên thế giới. Anh giải thích, quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam dùng các vạch màu trên các thùng chứa để phân loại và đặt tên cho những chất diệt cỏ khác nhau. Ví dụ như chất diệt cỏ trong thùng có vạch trắng được gọi là Chất Trắng (Agent White), chất diệt cỏ trong thùng có vạch cam được gọi là Chất Cam (Agent Orange), rồi Chất Lục, Chất Tím... Bản thân các chất diệt cỏ đó không có màu. Chất Cam là tên nên luôn được viết Hoa và có chứa chất độc là dioxin. Cái tên và màu sắc là những chi tiết nhỏ nhưng cơ bản và quan trọng. Anh nghĩ rằng, trong cuộc dấu tranh giành công lý, Việt Nam hay nạn nhân chất da cam Việt Nam cần phải tỏ rõ tính chuyên nghiệp cao độ và sự thấu hiểu vấn đề mình đang đấu tranh một cách chi tiết và chính xác.

Ngoài tên và màu sắc của chất da cam, khi trao đổi trò chuyện với một số người Việt thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong và ngoài nước, anh cũng nhận thấy còn có nhiều suy nghĩ và ý tưởng sai lệch như "chất da cam là không thật", "đó là một đòn chính trị do Việt Nam bày đặt ra để làm tiền Mỹ", "hay sau mấy chục năm và dưới tác động cùa mưa nắng, chất da cam cũng như các chất hóa học khác không thể còn tồn tại"... John Trịnh còn đưa ra một thực tế đáng buồn như tại Liên hoan phim quốc tế ở tiểu bang Kansas, Ban tổ chức đã yêu cầu anh thiết kế một tờ quảng cáo về bộ phim và đích thân họ đem dán các tờ quảng cáo đó tại các chợ và cửa hàng trong công đồng người Việt. Rạp chiếu phim hôm đó đầy người nhưng lại không một bóng dáng người Việt.

Bằng tâm huyết của mình, John Trịnh mong muốn có sự đóng góp nhiều hơn và tích cực hơn của giới truyền thông thông tin Việt Nam đối với vấn đề chất da cam trong hành trình gian nan này. Anh tin rằng, công lý không thể dừng lại vì một cuộc thua kiện: "Với tôi, vấn đề chất da cam không chỉ là cuộc đấu tranh của riêng các nạn nhân chất da cam, mà phải là cuộc đấu tranh của Việt Nam, của từng người Việt Nam".

Theo Trọng Vũ
TG&VN