Nữ tiến sĩ người Việt với giải thưởng Alfred Sloan

(Dân trí) - Sau khi được trao giải thưởng lớn Harold J. Plous Award trong năm 2008, những ngày cuối tháng 2/2009, Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên - một nhà khoa học người Việt của trường ĐH Santa Barbara ở California (Mỹ) lại giành được giải thưởng của Quỹ học bổng nghiên cứu danh tiếng, Alfred Sloan.

Nữ tiến sĩ người Việt với giải thưởng Alfred Sloan - 1

Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên: "Tôi tin là trong tương lai sẽ có người Việt Nam đoạt giải Nobel".
 
Nữ Tiến sĩ gốc Tây Nguyên

Sinh ra ở Buôn Mê Thuột, sau những năm tháng ấu thơ theo học ở trường làng, năm 1991, cô bé Nguyễn Thục Quyên sang Mỹ định cư cùng gia đình để bắt đầu cuộc sống mới ở nơi đất khách quê người với vốn tiếng Anh bằng không. Và cô gái trẻ Nguyễn Thục Quyên ngày đó đã phải nỗ lực không ngừng, vượt qua nhiều trở ngại để trở thành nhà khoa học có được những thành công như ngày hôm nay.

Bằng cách vừa học tiếng Anh và vừa học kiến thức chuyên môn, Thục Quyên đã vào được đại học. Ham học, nhưng nghèo, Quyên đã xin làm thêm trong thư viện và rửa cốc chén tại phòng thí nghiệm của trường để có tiền ăn học, đồng thời có thêm cơ hội học hỏi, thực hiện giấc mơ của mình. Và chị đã hoàn thành xuất sắc chương trình học để đạt được văn bằng Cử nhân, Cao học và bảo vệ xuất sắc luận văn Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Santa Barbara vào năm 2001.
 
Khi đang còn là nghiên cứu sinh, năm 2000, Thục Quyên đã được trao tặng hai giải thưởng quốc tế "Graduate Student Award" dành cho những nhà khoa học trẻ tuổi xuất sắc. Sau đó, Tiến sĩ Thục Quyên làm việc tại một số trường đại học và trung tâm nghiên cứu như Đại học Columbia, Trung tâm Nghiên cứu Thomas J Watson của công ty IBM. Chị trở lại làm Phó Giáo sư (assistant professor) khoa Hóa - Sinh tại trường Đại học Santa Barbara ở California từ năm 2004 và nghiên cứu, giảng dạy ở đó cho đến nay.

Nhà giáo uy tín của ĐH Santa Barbara

Mặc dù quá trình làm việc, nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Santa Barbara chưa lâu, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên luôn được đánh giá là một trong những nhà khoa học xuất sắc của trường Đại học này. Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Santa Barbara, Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên đã biên soạn giáo trình mới trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật nano. Đây là lĩnh vực nghiên cứu đang trở thành ngành học rất phổ biến đối với sinh viên sau đại học ở các khoa Vật lý, Hóa, Hóa-Sinh và Kỹ thuật. Chị cũng là nhà khoa học đã cập nhật, bổ sung, tái biên soạn giáo trình thí nghiệm hóa học phân tích cao cấp, và đã được sinh viên bình chọn là một trong những giáo trình hay nhất trong phân khoa hóa Đại học Santa Barbara.
 
Hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên đang xây dựng một giáo trình hướng dẫn các nhà khoa học những phương pháp phổ biến và truyền đạt sự đam mê khoa học đến với công chúng. Từ 3 năm trở lại đây, Tiến sĩ Thục Quyên cũng đã đứng ra cùng tổ chức rất thành công Ngày hội Khoa học và Kỹ thuật hằng năm (Science and Technology Day) với sự tham dự của 800 sinh viên và học sinh đến từ 17 trường trong khu vực. Ngày hội Khoa học và Kỹ thuật tại Đại học Santa Barbara bao gồm các buổi hội thảo, các chương trình khoa học thực hành, trình bày và tranh luận khoa học.

Thế nhưng thành công quan trọng nhất trong thời gian qua của nhà nữ khoa học người Việt này phải kể đến những công trình nghiên cứu của chị. Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu quan trọng tại Đại học Santa Barbara về lĩnh vực khoa học và kỹ thuật nano. Một trong những nghiên cứu điển hình mà Tiến sĩ Thục Quyên đã đóng góp vào việc giảng dạy và ứng dụng thực tiển là lĩnh vực chất liệu hấp thụ ánh sáng với nổ lực sử dụng tính chất quang hợp.

Nhà khoa học được trao giải Alfred Sloan

Và giải thưởng của Quỹ học bổng nghiên cứu danh tiếng Alfred Sloan mà chị vừa giành được là dành cho công trình nghiên cứu hóa học của chị về các chất nhựa bán dẫn hữu cơ dẫn điện và hấp thụ ánh sáng. Đây là công trình nghiên cứu giúp hình thành nền tảng của những công nghệ mới. Theo nhận xét của Giáo sư Alice O'Connor, một nhà khoa học có uy tín của Đại học Santa Barbara, thì những nghiên cứu do Tiến sĩ Thục Quyên đứng đầu và thực hiện được đánh giá rất cao trong lĩnh vực vật liệu quang điện hữu cơ, với trọng tâm đặc biệt về đặc tính của công nghệ nano trong ngành điện tử. Công trình của Tiến sĩ Thục Quyên trong lĩnh vực này tập trung vào sự cải tiến hợp chất cao phân tử bán dẫn hữu cơ, được coi là một trong những hướng phát triển có triển vọng nhất về các ứng dụng khoa học thực tiễn trong thời gian tới của loại vật liệu này.

Tiến sĩ Thục Quyên đã có những nghiên cứu mang tính khai phá để tìm ra phương pháp ổn định tính chất của các vật liệu quang điện hữu cơ này. Tiếp theo đó, chị còn công bố công trình nghiên cứu phát triển thiết bị hấp thụ năng lượng mặt trời với độ hấp thụ giải băng tần ánh sáng rộng hơn so với các vật liệu quang điện hữu cơ đã có hiện nay.

Alfred Sloan là Quỹ học bổng nghiên cứu danh tiếng ở Mỹ và Canada được thành lập vào năm 1934 bới nhà tài phiệt Alfred P. Sloan, Jr., cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn chế tạo xe hơi nổi tiếng General Motors. Những người được trao giải đều là các nhà khoa học xuất sắc.

Điều đáng chú ý là đây không phải giải thưởng danh giá đầu tiên mà Tiến sĩ Thục Quyên được trao vì công trình nghiên cứu trên. Đầu năm 2008, chị cũng đã được Đại học Santa Barbara trao tặng giải thưởng Harold Plous Award cho công trình nghiên cứu vật liệu quang điện hữu cơ trên. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, một giáo sư của khoa Hóa - Sinh của Đại học Santa Barbara lại giành được giải thưởng vinh dự Harold Plous Award.

Với giải thưởng Alfred Sloan vừa nhận được, Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên đã vinh dự trở thành một trong những nhà khoa học tiên phong của  61 trường cao đẳng và đại học tại Mỹ và Canada. Những nhà khoa học được trao giải năm nay là các nhà nghiên cứu hàng đầu trên các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học phân tử, tin học, kinh tế học, toán học và thần kinh học. Họ có thể sử dụng số tiền thưởng 50.000 USD của quỹ trong vòng hai năm để theo đuổi những lĩnh vực và công trình nghiên cứu mà mình quan tâm.

“Sẽ có người Việt Nam đoạt giải Nobel”

"Tôi rất vui khi biết tin mình đoạt giải thưởng này bởi vì điều đó có nghĩa rằng cộng đồng khoa học đã đánh giá cao những thành quả khoa học từ nhóm nghiên cứu của tôi. Đối với cá nhân tôi, giải thưởng này có một ý nghĩa rất lớn. Đó là người Việt Nam mình cũng có thể ngang hàng với những nhà khoa học nước ngoài. Tôi rất hãnh diện là người Việt Nam", nói về ý nghĩa của giải thưởng Alfred Sloan đối với mình, chị cho biết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên, chị sẽ dùng số tiền 50 ngàn USD của giải thưởng Alfred Sloan để tiếp tục nghiên cứu về pin năng lượng mặt trời bằng chất liệu nhựa dẫn điện (plastic solar cells).

Được biết, đến nay có 38 nhà khoa học nhận học bổng nghiên cứu Alfred Sloan sau đó đã đoạt giải Nobel và 14 người được trao tặng huy chương cao quí nhất về toán học. Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên cho rằng: "Tôi nhận thấy người Việt mình thông minh và chịu khó không kém người nước khác. Tôi tin là trong tương lai sẽ có người Việt Nam đoạt giải Nobel. Về ngành nào thì khó có thể đoán trước được".

Về với quê hương

Theo Giáo sư Henry Yang, Hiệu trưởng Đại học Santa Barbara, Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên cũng đã từng được trao tặng hai giải thưởng quan trọng tại Mỹ là giải thưởng nghiên cứu trẻ năm 2005 và sự nghiệp nghiên cứu khoa học quốc gia năm 2006. "Đại học của chúng tôi chia sẻ niềm tự hào về công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên cũng như những thành quả giảng dạy trong lĩnh vực vật lý bức xạ điện tử và đặc tính điện tử của chất liệu hỗn hợp hữu cơ và khoáng-hữu cơ. Chúng tôi vô cùng vui mừng có được chị trong đội ngũ giảng dạy", Giáo sư cho biết.

Còn về phía Tiến sĩ Nguyễn Thục Quyên, chị tâm sự: "Làm giáo sư ngành khoa học bên Mỹ rất vất vả. Đây là lý do không có nhiều phụ nữ làm giáo sư". Theo Thục Quyên, có hơn 12 công việc mà một giáo sư khoa học ở Mỹ như chị phải đảm nhiệm như: giảng dạy sinh viên đại học, cao học và hướng dẫn NCS làm luận văn tiến sĩ; làm nghiên cứu khoa học; xin tiền để làm nghiên cứu; duyệt bài cho các tờ báo khoa học; kiểm duyệt kế hoạch khoa học đề xuất cho nhà nước; làm việc trong ban tuyển sinh đại học; làm cố vấn cho sinh viên làm luận văn tiến sĩ; phục vụ cho phân ngành, trường đại học và cộng đồng; giúp đỡ giáo viên và học sinh cấp 1,2,3 học hỏi khoa học; phát triển những lớp học mới... Ngoài ra còn biết bao công việc không tên nữa".

Mặc dù bận rộn như vậy, nhưng Tiến sĩ Thục Quyên vẫn luôn gắng thu xếp để có thời gian trở về Việt Nam hằng năm. Mỗi chuyến trở về như vậy, chị thường tham dự những hội thảo khoa học tại Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, hoặc gặp gỡ với sinh viên các trường đại học trong nước. Tiến sĩ Thục Quyên cho biết, mặc dù năm nay phải tham gia thuyết trình tại một số hội thảo khoa học quốc tế, nhưng chị vẫn lên kế hoạch sẽ trở về thăm quê hương vào mùa hè này.

Vũ Anh Tuấn
TheoSanta Barbara Independent

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm