“Nhá nha” Việt ở Nga

(Dân trí) - Chẳng ai thích và cũng chẳng ai mong muốn phải xa chồng con đi tới nơi đất khách quê người để mong kiếm miếng cơm manh áo, đồng tiền bát gạo. Nhưng nhiều khi cái khó bó cái khôn, không ít chị em đành chấp nhận sang mãi tận nước Nga làm “nhá nha”.

“Nhá nha” Việt ở Nga - 1
Nhá nha và cháu cùng chơi nào!
 

Thân cò lặn lội đồng xa

 

Từ thời kinh tế thị trường Nga mở cửa vào những năm đầu thập niên 90, người Việt làm ăn ở Nga đã phải vật lộn bươn chải với thương trường rồi sinh con đẻ cái (thế hệ F2). Họ không thể vừa giữ con vừa làm việc, vì thế phong trào tìm người trông trẻ từ trong nước sang Nga cũng phát sinh.

 

Ban đầu là những người trong bà con họ hàng ở VN, rồi dần lan ra cả những người có nhu cầu ra đi mưu sinh. Có cầu tức có cung. Hầu hết là những người phụ nữ lam lũ ở nông thôn hay có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí thất nghiệp ở thành thị từ khắp mọi miền đất nước VN hội tụ sang Nga làm giúp việc (chủ yếu là trông trẻ). Ở Nga người ta gọi là “nhá nha”.

 

Cũng nhờ thế mà mấy tờ báo “lá cải” của cộng đồng bán ở các chợ nhan nhản với mục “Tìm người trông trẻ”, trông cũng có vẻ thêm phần sinh động. 
 
Lương của các nhá nha dao động  khoảng từ 300 đến 500 USD/tháng. Còn cơm ăn, nhà ở thì chủ nuôi.  Có thời kì khó khăn lương cũng xuống đến 200 USD/tháng, nhưng thường là tùy ở gia chủ rộng rãi hay eo hẹp.

 

Về các khoản chi phí sang Nga thì họ phải trả cho dịch vụ như giấy tờ, vé máy bay tùy theo từng trường hợp. Và số tiền đó được thanh toán trừ dần vào lương hoặc bản thân người đó trả hết từ VN. Thường thì làm việc khoảng hơn 6 tháng hoặc 1 năm là họ đã có thể trả hết khoản tiền nợ nói trên.

 

Tuy nhiên không phải ai cũng vậy. Nhiều người “sểnh nhà ra thất nghiệp” khi chưa sang Nga thì được hứa hẹn nọ kia, nhưng sang rồi có khi lại phải làm công việc khác hoặc thậm chí là chẳng có việc.

 

Có nhiều người chăm chỉ trung thực được chủ mến đối xử hậu hĩnh và giữ rịt, thậm chí không muốn cho họ về phép thăm nhà ở VN bởi  lo liệu có tìm được người khác như vậy không?

 

Như trường hợp chị Thành, quê ở Bắc Ninh là một nữ doanh nhân suốt ngày bận rộn với công ty. Mặc dù cô nhá nha là người miền trong tiếng nói có vẻ hơi nằng nặng, nhưng được cái chăm chỉ thật thà nên chị cứ giữ riệt để chăm con trai nhỏ lên 3 (nay thằng bé đã 7 tuổi rồi).

 

Chị còn giúp đỡ tạo điều kiện cho cô nhá nha đưa chồng từ trong nước sang Nga làm ở một công ty xây dựng. Chị Thành tâm sự với tôi: “Có cô ấy giúp việc nhà, tôi có thể yên tâm đi cả ngày. Chỉ thỉnh thoảng mới alô về xem cô cháu ở nhà ra sao, dặn dò thêm một vài việc…”

 

Bên cạnh đó lại có nhiều nhá nha 1 năm đi ở qua 3 đến 4 gia chủ. Và cũng đã có một vài trường hợp nhá nha lợi dụng sự mất cảnh giác hay tốt bụng của gia chủ mà làm điều xằng bậy, rồi bỏ trốn như ở đôm 5 Oblen (“khu ngoại giao đoàn” theo cách gọi của chúng tôi) cách đây vài năm, khiến gia chủ phải thông báo tìm người khẩn cấp.

 

Nhưng cũng không ít gia chủ khó tính hoặc không sòng phẳng đã làm thiệt hại cho nhá nha, khiến họ lâm vào cảnh trớ trêu dở khóc dở cười. Như cặp vợ chồng Văn H. và Thị B. (đôi này đã về nước năm 2009 sau khi chợ Vòm tan rã) ở chợ Vòm, một dạo làm mọi người quen biết khá bất bình khi đối xử rất keo kiệt và còn thô bạo với chị nhá nha đã có tuổi quê ở Hà Tây trước đây.
 
Chỉ vì cái lỗi hay quên của chị, không những họ quỵt tiền công 2 tháng trời của nhá nha mà còn đuổi chị ra đường bơ vơ chỉ xách theo 1 túi quần áo cũ trên tay. Nước mắt ngắn dài chị chẳng biết kêu ai vì tiếng Nga không biết, người quen không có nơi đất khách quê người. May sao có 1 người Nga lái taxi thấy hoàn cảnh đáng thương đã chở chị ra chợ Vòm, nhờ thế bà con ta mới biết và tìm giúp chị công việc rửa bát tại một quán ăn ở chợ.

 

Cũng không ít nhá nha sau khi có chút vốn liếng đã xin ra ngoài làm ăn buôn bán. Số tiền tích cóp được nhá nha gửi về VN không chỉ giúp đỡ con cái ăn học, mà còn giúp chồng sửa sang cửa nhà, sắm sanh tiện nghi…

 

Nhưng ngược lại, không ít trường hợp đau lòng khi các bà vợ chí thú làm ăn nơi đất khách quê người dành dụm từng đồng rúp gửi về, thì các ông chồng lại không biết quí trọng nâng niu thương vợ, mà lại nướng vào cờ bạc đỏ đen, hút xách hoặc gái gú bồ bịch ở quê nhà. Còn con cái thì bị bỏ bê. Thật là đáng trách!
 
“Nhá nha” Việt ở Nga - 2

Bé ngoan ở nhà với nhá nha để bố mẹ yên tâm đi chợ Chim (Sadovo)

Ngày Nga, đêm Việt

 

Nhiều chị, nhiều cô ôm con của gia chủ nơi đất khách quê người mà phải nuốt nước mắt vào trong bởi nỗi thương nhớ con rứt ruột của mình nơi quê nhà không biết ra sao. Trò chuyện với tôi,  các chị không cầm được nước mắt.

 

“Nhớ con lắm nhưng biết làm sao hở anh, phải chấp nhận thôi.” Chị Hải, tuổi khoảng ngoài 30, dáng người đen đủi, quê Hải Dương làm nhá nha cho 1 gia đình cũng là người đồng hương bán hàng ở chợ Chim (Sadovo) đã 3 năm nay, bộc bạch.

 

Công việc của họ thường ngày là trông nom các cháu bé từ vài tháng  đến 5,6 tuổi, thậm chí là cả trên 10 tuổi. Đồng thời lo giặt giũ, cơm nước cho cả nhà khi sáng dậy lúc chiều về. Không gian của họ là 4 bức tường căn hộ Nga hoặc là ốp (khu kí túc xá).

 

Họ có vẻ thoải mái hơn khi được xuống đường đưa các cháu bé đi dạo trong công viên quanh nhà dù là mùa đông tuyết giá hay mùa hè nóng nực (nhưng bên Nga mùa hè khá dễ chịu, nóng cũng không ra mồ hôi đầm đìa như ở VN). Đó cũng là khi mà “hội nhá nha” được dịp thả phanh tám chuyện (về chuyện “tám” này thường thì cũng có những trường hợp gia chủ tá hỏa khi cầm tờ hóa đơn thanh toán tiền điện thoại!)

 

Bán kính “hoạt động xã hội” của họ giới hạn trong phạm vi từ nhà ra công viên hơặc xa hơn là cửa hàng mua bán bánh mì, bơ sữa, rau quả…gần đấy. Nhiều người sang Nga bao nhiêu năm trời mà chưa đi ra xa khỏi cánh cổng ốp hoặc căn hộ. Tuy nhiên cũng có những  nhá nha may mắn hơn khi gia chủ vào  những lúc nghỉ ngơi cho đi cùng tham quan nơi này, nơi khác.

 

Hiện nay ở Mátxcơva số người làm nghề nhá nha còn lại không nhiều, bởi lượng người VN không còn đông như thời kì những năm 1994 đến 2009 (thời điểm chợ Vòm tan vỡ).
 
Nhá nha  VN ở Nga chỉ phục vụ cho bà con đi chợ là chủ yếu bởi họ không có thời gian để chăm sóc con cái.  Ngoài ra một số gia đình công chức, doanh nghiệp…cũng có nhu cầu cần đến nhá nha Việt để chăm sóc các cháu nhỏ. Và dĩ nhiên công việc của các nhá nha VN này cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi mấy từ đơn giản: cho trẻ ăn, ngủ, đi dạo, đưa đến trường học gần đấy, giặt giũ, lau nhà, bếp núc…

 

Theo chỗ chúng tôi được biết thì người giúp việc của một số nước khác như Philippines… được đánh giá cao hơn vì họ có trình độ ngoại ngữ và nghiệp vụ. Vì thế lương bổng cũng ở mức cao hơn, khoảng 1.000 đến 1.500 USD/tháng. Họ có cả những trung tâm đào tạo bài bản hẳn hoi.
 
Nhưng ở VN chúng ta điều này còn rất hạn chế, nếu có thì cũng chỉ là mang tính chất tạm bợ “ăn xổi ở thì” và phần đông chỉ mang tính chất cá nhân với nhau, vì thế không có tính chuyên nghiệp. Có lẽ chúng ta cũng cần học tập nước bạn trong những việc tưởng chừng rất nhỏ này, vì nguồn cầu nhá nha của những người Việt ở Nga có lẽ chẳng bao giờ cạn.

 

 Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)