Người Việt hồi hương dưới lăng kính nhiếp ảnh gia Đức

Quê hương của Nora Bibel là những "lát cắt" tươi mới, những câu chuyện nhà, truyền thống gia đình, nếp sống "tứ đại đồng đường"... Ý nghĩa của quê hương chính là yếu tố thúc giục mạnh mẽ nhất để họ trở về từ những nơi có điều kiện sống tốt hơn.

Nhiếp ảnh gia Nora Bibel


Nhiếp ảnh gia Nora Bibel

Khai mạc vào ngày 4/12 tại Trung tâm Việt - Đức, Đại học Bách khoa Hà Nội, Triển lãm ảnh “Người Việt hồi hương" do Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tổ chức dưới sự giúp đỡ của cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) đang trưng bày 15 bộ ảnh khá đặc biệt về từng cá nhân và người thân của những người Việt Nam đã sống ở Đức từ 4, 5 năm của nữ nhiếp ảnh gia Nora Bibel.

Sinh sống tại Berlin, Nora Bibel từng đến Việt Nam để thực hiện một dự án sách do Bộ Ngoại giao Đức và dự án Bảo tồn, tu tạo và đào tạo Đức (GCREP) tài trợ. Bị cuốn hút bởi tính cách của con người nơi đây, năm 2010, cô đã quyết định quay trở lại và dành một tháng để làm quen với một số người Việt hồi hương. Dù đã đi từ Bắc vào Nam theo một danh sách được lập trước, nhưng trong hành trình này, cô đã có thêm những cuộc gặp và những mối quan hệ bất ngờ. Năm 2011, Nhà xuất bản Kerber tại Đức đã cho xuất bản cuốn sách với các bức hình và những bài phỏng vấn ngắn mà Nora đã thực hiện tại Việt Nam, trong đó nêu lý do hồi hương cũng như ý nghĩa quê hương với mỗi cá nhân người Việt đang ở nước ngoài.

Cùng với nhân vật của mình, Nora Bibel đã chụp một số cảnh sắp đặt khắc họa dấu vết của quê hương giữa hai nền văn hóa. Mặc dù mỗi tấm ảnh có một bố cục riêng và đôi lúc được chụp với ánh sáng nhân tạo, nhưng các cảnh được khắc họa trên các bức ảnh lại khá ngẫu nhiên như thể các nhân vật trong bức ảnh ngưng hoạt động và hoài niệm về cuộc sống của mình. Điểm nhấn của những tác phẩm này chính là sự gần gũi với người trong khuôn hình. Nora Bibel hàm ý ở đây là sự hòa trộn đặc biệt giữa sự chính xác, thẩm mỹ và sự súc tích theo những gì cô được học ở trường Đại học Bielefeld.

Trong con mắt của Nora Bibel thì người Việt rất cởi mở, thân thiện và khá tò mò. Có những gia đình cô chỉ chụp vài bức ảnh là họ cho đi thăm quan khắp nhà, vào cả nơi rất riêng tư là phòng ngủ và phòng thờ ling thiêng. Đặc biệt, nhân vật chính của cô không đứng một mình. Lý giải điều này, cô cho biết: "Vì tôi thấy người Việt có sự gắn bó gia đình rất cao, nên tôi không để cho những nhân vật trong ảnh đứng một mình, mà bao giờ cũng đứng cùng với anh, chị, em hay bố, mẹ". Dù đã có định nghĩa riêng: "Quê hương là nơi trái tim ta gắn bó", nhưng Nora Bibel cũng muốn truyền tải thông qua triển lãm ảnh với một câu hỏi "Quê hương là gì?". Ví dụ như bà Dương Nguyệt Vân, một Việt kiều Đức hồi hương đã trả lời rằng: "Tôi có thể ở Đức 20 năm, nhưng ở đó tôi luôn luôn là một người xa lạ. Đối với tôi, chỉ có quê hương là một người mẹ".

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Đức và cộng đồng người Việt tại Thủ đô Berlin được xem là cộng đồng người nhập cư không thuộc châu Âu lớn nhất. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi bên cạnh những cơ hội đào tạo tốt hơn, các sản phẩm giá trị và chất lượng cao hơn, sự đảm bảo các phúc lợi xã hội chắc chắn hơn tại Đức… là nỗi nhớ quê cha đất tổ, nhớ về cội nguồn luôn day dứt không nguôi? Vì vậy, cuộc triển lãm đầy cảm xúc còn kéo dài tới ngày 28/12 này chắc hẳn sẽ là câu trả lời cho nhiều người Việt xa quê.

An Bình
Theo Thế giới & Việt Nam