Mưu sinh ở Czech
Người Việt Nam ở CH Czech chủ yếu làm nghề kinh doanh và nhiều người đã thành công.
Thế nhưng theo chia sẻ của Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Czech Hoàng Đình Thắng, những năm gần đây tình hình kinh doanh khó khăn, bởi vậy bà con kiều bào đang phải cố gắng để thích nghi và tìm hướng đi mới...
1. Đến Prague tôi không chỉ bị choáng ngợp bởi đây là nơi tập trung những công trình kiến trúc mang phong cách của nhiều thời đại như Nhà thờ Thánh Vitus theo trường phái gothic, nhà thờ thánh George kiểu La Mã… mà còn bởi hầu như ở con phố nào của Prague cũng có ít nhất một cửa hàng kinh doanh của người Việt.
Điển hình của những nơi “thuần Việt” đó phải kể đến Trung tâm thương mại Sapa - được biết đến như một Hà Nội thu nhỏ của người Việt tại Prague. Có người bảo ở Trung tâm Thương mại Sapa có cảm giác đang ở đâu đó ở Việt Nam vì tất cả biển hiệu cửa hàng đều viết bằng tiếng Việt và xung quanh hầu như chỉ nghe người ta nói chuyện bằng tiếng Việt.
Trung tâm rất rộng, được quy hoạch với các khu bán hàng đặc chủng khác nhau. Ngoài khu bán đồ trang trí nội thất, hàng điện tử, các văn phòng dịch vụ như dịch thuật, tư vấn, đại lý vé máy bay…thì có đủ các gian hàng bán đồ ăn, rau, hoa quả tươi, đông lạnh; đến các hàng ăn như phở, bánh mỳ kẹp thịt, bánh cuốn, bún chả, đậu phụ mắm tôm… chẳng thiếu thứ gì.
Chị Thu Hà, một tiểu thương ở chợ cho biết, hàng hóa ở đây đa số nhập từ Việt Nam. Mục đích lúc đầu của các tiểu thương khi đưa hàng sang đây là phục vụ nhu cầu của bà con người Việt ở Prague. Thích nghi với cuộc sống ở nước sở tại, nhưng ẩm thực thì với nhiều người khó gì có thể thay thế được phở, bánh mỳ, bún chả… những món ăn đậm chất Việt. “Thế nhưng, khách hàng của chúng tôi không chỉ có người Việt đâu nhé, rất nhiều người Czech đã “phải lòng” món bánh cuốn Thanh Trì và bún nem rồi”, chị Hà chia sẻ.
Có cầu ắt có cung, lúc đầu cửa hàng của chị chỉ kinh doanh gạo, mì, gia vị… và mùa nào thức đó như dịp tết cổ truyền thì bán thêm lá dong, gạo nếp, giò chả. Nhưng dần thấy những món như bánh cuốn, bún nem nhiều người ưa thích, thế là chị mở rộng thêm. Giờ kinh doanh khó khăn mình làm nhiều thứ, mỗi thứ lãi một chút nên thu nhập cũng tạm ổn, chị bảo vậy.
Hỏi thăm chị Hà, ở trung tâm này món gì là đặc sản với người Czech, chị giới thiệu ngay – đó chính là món bún ngan mà nổi tiếng nhất là quán Dũng- Liên. Chị Hà kể, lúc đầu người Czech hay ăn món ngan của các chủ cửa hàng người Trung Quốc với hai món chủ đạo là ngan luộc và ngan quay. Nhưng từ sau khi phóng viên tờ Black đến đây thưởng thức món ngan và có bài viết khen ngợi, sau đó quán được nhiều thực khách người bản địa tìm đến. Có hôm đông từ sáng tới tối.
Không chỉ là nơi buôn bán, Trung tâm thương mại Sapa còn là nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng cho người Việt tại Czech. Những ngày lễ, tết truyền thống, những buổi gặp mặt giao lưu hầu hết đều lấy Sapa làm địa điểm tổ chức.
2 .Tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh doanh của người Việt tại Czech hiện nay rất khó khăn. Anh Ngọc Minh, quê Nghệ An, sang đây được hơn 5 năm, hiện có một tiệm tạp hóa nhỏ cũng là nơi ở của hai vợ chồng tại một vùng ngoại ô Prague. Theo lời anh Minh, việc buôn bán thời điểm này khá chậm, nhất là những ngày cuối tuần bởi đa số khách hàng đến mua sắm ở các siêu thị lớn. Cửa hàng của anh chỉ hút được khách trong những ngày làm việc bình thường vì họ tiện thể ghé qua hoặc vào mua khi nhỡ nhàng.
Cũng theo lời anh Minh, không chỉ cửa hàng của anh mà đa số những hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở Prague đều chung hoàn cảnh. Lý do rất đơn giản bởi thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường bán lẻ xuyên quốc gia ồ ạt đổ bộ vào Séc. Với những mạng lưới siêu thị và đại siêu thị xuyên quốc gia phong phú về hàng hóa, cạnh tranh về giá cả, dĩ nhiên họ sẽ “đè bẹp” được các hộ kinh doanh nhỏ lẻ như của anh Minh. Hiện các cửa hàng nhỏ lẻ của người Việt tồn tại được đa phần là do không phải thuê nhân viên và mở cửa từ sáng sớm đến tối khuya theo kiểu “năng nhặt chặt bị”.
Theo các cơ quan chức năng ở Czech, trước đây, trung bình cứ khoảng 5 cửa hàng bán thực phẩm, hoa quả, thuốc lá và rượu thì có một thuộc về những người nhập cư châu Á mà chủ yếu là người Việt. Với diện tích rộng không quá 50m2, những cửa hàng này có đủ thứ dành cho người tiêu dùng từ bánh mỳ, rượu, thuốc lá, đồ hộp…
Một số tờ báo ở Czech cũng đánh giá cao sự kiên trì của các tiểu thương Việt, họ buôn bán nhiều thứ, lợi nhuận tuy ít nhưng ông bà chủ nào cũng rất chiều lòng khách hàng. Và các tác giả của tờ báo này cho đó là một trong những lợi thế để các tiểu thương người Việt tồn tại trong cuộc cạnh tranh không cân sức với các siêu thị lớn.
3. Theo ông Hoàng Đình Thắng, nhìn lại quá trình kinh doanh 20 năm trở lại đây, rõ ràng tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn. Thế nhưng mỗi khi khó khăn thì người Việt tại Cộng hòa Séc lại phải thích nghi với khó khăn đó và tìm hướng đi mới.
Điển hình của việc chuyển đổi ấy phải kể đến Đỗ Thuyên – ông chủ người Việt sở hữu tới 20 tiệm nail ở Czech đang được báo chí nhắc đến. Cách đây hơn 10 năm, khi nhu cầu của người dân Czech bão hòa với hàng tiêu dùng do người Việt nhập về, ông Đỗ Thuyên nhận thấy cần phải tìm kiếm một con đường mới. Sau khi tìm hiểu, nắm bắt thị trường thấy rằng rất nhiều người Việt mở tiệm nail đã thành công ở Mỹ, Canada, Anh, Australia… và ông đã chọn hướng kinh doanh cho mình.
Qua hơn 10 năm kinh doanh, chắt chiu từng cơ hội, hiện Euro Nails sở hữu 20 tiệm với hơn 100 thợ với mức lương trung bình khoảng 2.500 - 3.500 USD mỗi tháng. Được biết, các tiệm của Euro Nails do ông Thuyên trực tiếp quản lý theo mô hình chuỗi, hiện diện trong hơn 40 trung tâm thương mại ở Đông Âu và làm ăn rất ổn định.
Thống kê sơ bộ, toàn Czech hiện có khoảng 300 tiệm nail khác nhau với hàng nghìn người làm việc, đây được coi là một lợi thế của cộng đồng người Việt ở quốc gia này. Ông Đỗ Thuyên chia sẻ, hầu hết các phụ nữ châu Âu đều thích làm đẹp móng tay, không chỉ là những người giàu có, công chức, nghệ sĩ, mà ngay một người giúp việc cũng vậy. Có lẽ thế mà nghề này thành công ở nhiều nước trên thế giới và cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều người Việt ở Czech.
Theo Lam Phương
Đại đoàn kết