Lắng nghe kiều bào góp ý sửa đổi Hiến pháp

UBTƯMTTQ ngày 17/1 tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đại diện người Việt Nam ở nước ngoài góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Việc MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trong đó trân trọng lắng nghe những ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thu hút sự quan tâm của mọi người dân. Đại diện các tổ chức, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều đánh giá cao hoạt động này và họ đã thể hiện tình cảm nhiệt huyết với đất nước, mong muốn đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung,sửa đổi Hiến pháp 1992 nói riêng.

Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc

Bà Phan Bích Thiện, kiều bào Hungary và nhiều đại biểu khác thể hiện niềm vui khi MTTQ tổ chức Hội nghị ý kiến đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. “Điều đó, chứng tỏ Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng người Việt Nam ở nước ngoài, coi chúng tôi là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”, bà Thiện phát biểu.

Lắng nghe kiều bào góp ý sửa đổi Hiến pháp

Hội nghị lấy ý kiến đại diện tiêu biểu người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. (Ảnh: Đại đoàn kết)

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Hội Người VN ở Ba Lan khẳng định, việc lấy ý kiến của kiều bào cho việc sửa đổi Hiến pháp là vinh dự lớn với bà con người Việt sinh sống ở nước ngoài. Ông Thái cũng đề nghị nên mở rộng việc lấy ý kiến của những người không có điều kiện về nước dự Hội nghị. Cơ quan đại diện Nhà nước ở nước ngoài cần có giải pháp hiệu quả để tổ chức lấy ý kiến kiều bào góp ý vào dự thảo Hiến pháp.

Góp ý cụ thể vào các điều khoản của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là điều 19 về chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các ý kiến đều mong muốn “Hiến pháp cần thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu, để mọi người dân có thể hiểu”. Đây cũng là góp ý của ông Bùi Đình Dính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài. Còn ông Nguyễn Văn Phúc, định cư tại Hoa Kỳ mong muốn: “Người Việt Nam ở nước ngoài mong được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về nước làm ăn, sinh sống ở quê hương, đóng góp xây dựng đất nước”.

Theo ông Châu Văn Chi - Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Campuchia, hiện có trên 300.000 người gốc Việt đang sinh sống tại 24 tỉnh, thành phố Campuchia nhưng đến nay vẫn còn khoảng 106.000 người chưa được nhập quốc tịch Campuchia, trong khi đó các cộng đồng khác đều được nhập. Mặc dù, Nhà nước ta đã có những chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhưng hiện nay việc xin cấp giấy tờ đối với người gốc Việt tại Campuchia còn gặp nhiều khó khăn, do bà con đã sinh sống nhiều đời ở Campuchia không còn bất cứ giấy tờ tùy thân nào để chứng minh mình là người gốc Việt Nam. Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp cần có những quy định "mở” trong nhập quốc tịch để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào muốn về nước.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, bà Phan Bích Thiện cùng đánh giá: “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có khá nhiều điểm mới như khẳng định nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN, cụ thể hóa rất nhiều về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, nâng một mức cao hơn vấn đề quản lý bằng hiến pháp, pháp luật. Trong đó, quyền công dân, quyền con người được mở rộng và đảm bảo bằng các quy định pháp luật khá chi tiết, nhiều vấn đề “sâu sát với những vấn đề của thế giới” như qui định về bảo vệ công dân Việt Nam và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, bảo vệ môi trường…”.

Đánh giá cao những qui định tiến bộ, phù hợp xu hướng hội nhập trong dự thảo Hiến pháp, ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Trường nghề Việt Nam – Canada tại Canada đề nghị, Hiến pháp sửa đổi cần có “dấu ấn” thể hiện rõ ý nghĩa là “bộ phận không tách rời” của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Huy động trí tuệ và bảo hộ kiều bào

Ông Nguyễn Hoài Bắc nhấn mạnh, kiều bào luôn mong muốn Nhà nước bảo vệ quyền lợi người Việt Nam ở nước ngoài. “Hơn 4 triệu kiều bào, chưa kể lao động xuất khẩu. Hơn 4.000 doanh nghiệp là bà con Việt kiều, tổng đầu tư 5 - 6 tỷ USD. Kiều hối hàng năm rất lớn, năm 2012 lên tới 11,2 tỷ USD. Lực lượng trí thức có 2.000 người, đóng góp rất lớn cho Việt Nam. Đề nghị Hiến pháp nên bổ sung nội dung: Kiều bào đầu tư được hưởng quyền lợi như công dân Việt Nam. Họ phải được tạo điều kiện để tham gia một cách bình đẳng ở các hoạt động trong xã hội, kể cả tham gia hệ thống chính quyền chứ không chỉ là ở MTTQ như hiện nay. Hiện nay chúng ta luôn nói kiều bào là bộ phận không tách rời, nhưng thực tế chưa rõ ràng. Chúng tôi cần những quyền lợi, nghĩa vụ giống như những công dân trong nước và điều này phải được ghi rõ ngay trong Hiến pháp” - ông Nguyễn Hoài Bắc đề xuất.

Đại biểu kiều bào góp ý kiến cho Dự thảo. (Ảnh: HNM)

Đại biểu kiều bào góp ý kiến cho Dự thảo. (Ảnh: HNM)

Còn bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội hỗ trợ Phụ nữ và Thanh niên Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng, cộng đồng người Việt Nam ở Đức luôn có nhiều dự án cho cộng đồng và hướng về quê hương, góp phần xóa đói giảm nghèo nên việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc sẽ đem lại nhiều cơ hội cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng và phát triển đất nước, gắn bó nhiều hơn với cộng đồng dân tộc Việt Nam ở quê hương.

Đề cập trực tiếp đến lợi quyền của kiều bào, ông Tài Phương, ông Nguyễn Trọng Bình đều là Việt kiều đang sống tại Hoa Kỳ cho rằng, Quy định tại Điều 18 và Điều 19 “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam", "Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài" vẫn còn chung chung. Cần quy định rõ là Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo thống kê của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có gần 4 triệu người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ông Tài Phương góp ý, kiều bào đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung, nên thêm quy định Nhà nước bảo hộ Việt kiều tham gia vào nghiên cứu, phát triển KHCN để xây dựng đất nước, bảo đảm những người tham gia được bảo hộ. Nhiều bà con có tâm tư, về Việt Nam đầu tư làm ăn, khó khăn không biết gặp ai. Họ cần được bảo hộ về mặt pháp luật. Ông Tài Phương chia sẻ, các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn ở Việt Nam đều được cơ quan ngoại giao, chính phủ nước họ bảo hộ. Họ có khó khăn là lên sứ quán kêu, còn kiều bào ta về Việt Nam làm ăn mà gặp khó thì không biết kêu ai. Vì vậy, để phát huy được sự đóng góp của kiều bào, Nhà nước cần bảo hộ bà con” - ông Tài Phương đề nghị.

Theo ông Bùi Đình Dĩnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều tiến bộ, đổi mới so với Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, Dự thảo quy định quá chi tiết và có nhiều cụm từ khó hiểu. Ông Dĩnh đưa ra ví dụ: Trong Dự thảo có 2 cụm từ “tổ chức chính trị” và “tổ chức chính trị xã hội”, nhưng không phải ai cũng hiểu 2 tổ chức này khác nhau như thế nào. Ông cũng góp ý, nhiều điều của dự thảo đều thể hiện sự bình đẳng giữa nam và nữ, nhưng một điều khoản lại quy định: Gia đình và xã hội phải tạo điều kiện cho phái nữ... lại vô tình nói đến sự bất bình đẳng.

Bà Phan Bích Thiện góp ý thêm, Dự thảo “cần cụ thể hóa hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong các vấn đề về phản biện xã hội để tập trung nhiều ý kiến của nhân dân cho các vấn đề của đất nước”.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đã góp ý nên sử dụng thống nhất các thuật ngữ có nội dung giống nhau như: theo pháp luật (Điều 11, 12…); theo quy định của pháp luật (Điều 23, 24…); theo quy định của luật (Điều 58…); làm rõ một số thuật ngữ như nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, chỗ ở, nhà ở và nơi ở…

Buổi lấy ý kiến kiều bào này mới chỉ là hoạt động mở đầu. Các đoàn thể, các cơ quan chức năng sẽ có nhiều hình thức khác để lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm đạt sự đồng thuận của nhân dân vào văn bản chính trị, pháp lý quan trọng này, để Hiến pháp thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước, của chế độ, là ý chí của cả dân tộc.

- Hơn 80% kiều bào đang sinh sống ở các nước công nghiệp phát triển (Bắc Mỹ, Pháp, Đức) và các nước Đông Âu, châu Á…, hàng năm đem lại cho đất nước nguồn kiều hối tăng trưởng khoảng 20%.

- Năm 2012, dự báo lượng kiều hối đạt khoảng 10-11 tỷ USD.






Theo Phỉ Thúy
VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm