Giáo sư Dư Thanh Khiêm:

Không muốn là khách trên chính quê hương mình

(Dân trí) - Thông thạo nhiều lĩnh vực từ thương mại, ngoại giao, thăng tiến xã hội, hợp tác quốc tế, báo chí, giáo dục tâm lý... nhưng Giáo sư người Việt Dư Thanh Khiêm lại trở thành người thầy giáo dạy tiếng Pháp cho người Tây.

Sau hơn 30 năm đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho không biết bao thế hệ, rồi trở thành Hiệu trưởng của Viện Giáo dục Woluwe-Saint-Pierre Bruxelles tại Bỉ, thầy giáo Khiêm còn được nhiều người biết đến với vai trò người làm chiếc cầu nối đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

 

Đi lên từ truyền thống học vấn gia đình

 

Giáo sư Thanh Khiêm, sinh năm 1951 ở Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình nổi tiếng nhiều đời về truyền thống hiếu học, như câu nói đã được lưu truyền: "Họ Dư giàu chữ, họ Lữ giàu tiền". Tuy nhiên, người bố ông vừa "giàu chữ" vừa có lối suy nghĩ rất mới mẻ trong thời kỳ đó. Với quan điểm "Nếu chỉ có chữ sẽ không làm nên chuyện lớn", bố ông đổi nghề và trở thành thương gia buôn bán phụ tùng xe hơi nổi tiếng ở cố đô Huế. Tuy gia đình khá giả, nhưng bố ông luôn ý thức được rằng trước hết con cái phải "giàu chữ" rồi mới có được những thành công khác, nên ông cụ đã hoạch định tương lai cho các con với lời nhắn nhủ: "Cha muốn các con đi khắp 5 châu, lĩnh hội kiến thức khoa học để thành con người có ích".

 

Năm 1974, chàng thanh niên 18 tuổi Dư Thanh Khiêm rời quê hương Quảng Trị lên đường sang Bỉ du học, mang theo truyền thống hiếu học của gia đình cùng những lời nhắn nhủ của bố, mong đem cái chữ về làm giàu cho quê hương. Dư Thanh Khiêm biết rằng trước mắt một sinh viên người nước ngoài mới đặt chân đến châu Âu như ông là một con đường đầy khó khăn. Thế nhưng, Dư Thanh Khiêm đã khiến cho nhiều sinh viên và nhiều người phải khâm phục khi chỉ trong vòng 5 năm, ông hoàn thành xuất sắc 4 ngành học khác nhau.

 

Mặc dù ban đầu không định theo học tiếng Pháp, nhưng một sự tình cờ đã khiến ông đến với nghề giảng dạy thứ ngôn ngữ này. Nói về "cái duyên" đứng trên bục giảng tiếng Pháp, GS Khiêm cho biết: "Tôi không tốt nghiệp ngành tiếng Pháp chính quy. Nhưng năm 1978, tôi gặp được vị giáo sư dạy Pháp ngữ theo phương pháp "Tập thể cấu trúc nghe nhìn" rất hiệu quả, phá bỏ cách truyền thụ cổ điển. Tôi mê phương pháp này. Và khi trường tuyển giáo viên dạy tiếng Pháp không chính quy, tôi đã tham gia".

 

Hiệu trưởng duy nhất gốc nước ngoài tại thủ đô Bỉ

 

Và thầy Dư Thanh Khiêm đã trở thành người trúng tuyển trong kỳ tuyển chọn giáo viên Pháp văn gắt gao ấy. Vốn là người say mê và có năng khiếu với môn tiếng Pháp, đến nay, GS Khiêm đã đứng trên bục giảng 3 thập kỷ, và trở thành Hiệu trưởng Viện Giáo dục Woluwe-Saint-Pierre Bruxelles (Bỉ). Môn tiếng Pháp đã như chiếc chìa khóa vạn năng, giúp ông giao lưu và phát huy khả năng chuyên môn về các ngành, lĩnh vực khác đã được học.

 

Đến nay, GS Khiêm là Hiệu trưởng Viện Giáo dục duy nhất người gốc nước ngoài tại thủ đô Bỉ. "Để có được thành quả như hôm nay, tôi đã phải nỗ lực, làm việc gấp 5 lần các đồng nghiệp ở nước sở tại. Có khi 6 giờ sáng tôi đã đến sở làm và 10 giờ đêm mới về đến nhà. Làm việc ở các nước phát triển rất khoa học nhưng cũng rất căng thẳng". Ông tâm sự.

 

Là nhà trí thức luôn hướng về quê hương, mỗi khi có dịp tiếp đãi bạn bè hay quan khách ở Bỉ, GS Khiêm đều tranh thủ giới thiệu về ẩm thực, văn hóa, tập tục của người Việt Nam. Cái phong cách Việt Nam rất riêng biệt của ông đã chinh phục nhiều người nước ngoài. Nhiều vị "Tây gốc" đã trở thành bạn tâm giao với ông và những người bạn ấy đã chung sức giúp ông đứng ra tổ chức "Dạ tiệc Việt Nam" tại Bỉ vào tháng 11/1993. Với 3 đầu bếp nấu những món ăn dân tộc như phở, cá kho... được mời từ Việt Nam sang, buổi dạ tiệc đã rất thành công và thu hút được nhiều người trong giới quan chức và báo chí tham dự. Nhiều vị thực khách khi tan tiệc vẫn còn tiếc nuối.

 

Đào tạo nhân viên du lịch cho các trường trong nước

 

Năm 1994, GS Khiêm có dịp về Việt Nam lần đầu tiên và đặt vấn đề đào tạo  nhân viên du lịch cho các trường trong nước. Năm 1996, Giáo sư đã mời hai đầu bếp nổi tiếng ở Bỉ về dạy văn hóa ẩm thực châu Âu miễn phí cho sinh viên của trường Trung học nghiệp vụ Du lịch TP. Hồ Chí Minh. Khóa học 3 tuần đã thành công ngoài mong đợi, mở ra nhiều hướng để Giáo sư Khiêm tiếp tục làm chiếc cầu nối "đưa văn hóa Việt ra thế giới và ngược lại" qua các lớp dạy làm các món ăn, cắm hoa Âu - Việt. Tháng 03/1996, được sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bỉ, Giáo sư Khiêm đã đưa 3 đầu bếp và 3 phục vụ bàn của Việt Nam sang Bỉ và tổ chức Tuần lễ Ẩm thực Việt Nam tại thủ đô Bruxelles. Đó là một Tuần lễ đặc biệt khi học sinh treo cờ Việt Nam đỏ thắm sân trường và có Bộ trưởng Bộ Giáo dục Bỉ đến tham dự. Hoạt động của Tuần lễ này đã gây tiếng vang lớn. Cánh cửa giao lưu văn hóa đã mở ra những cơ hội kết giao, đem đến cho ông những người bạn, những chuyên gia đầu ngành...

 

Năm 1997, trong dịp về Việt Nam tham gia Hội nghị các nước nói tiếng Pháp cùng phái đoàn Bỉ, GS Dư Thanh Khiêm đã nhân cơ hội này đứng ra thuyết phục những thành viên trong đoàn Bỉ đến tham quan Trường Du lịch Hà Nội. Với sự tích cực của mình, Giáo sư đã nối kết để Trường Nghiệp vụ Du lịch Hà Nội kết nghĩa với Trường Nghiệp vụ Du lịch, Khách sạn của thành phố Liège, Bỉ. Thủ tướng của Bỉ đã đến dự và chủ trì lễ kết nghĩa.

 

Sau đó, tháng 7/2004, tranh thủ kỳ nghỉ hè, Giáo sư Dư Thanh Khiêm đã tiếp tục mời Vua bếp Pierre Fonteyne - Chủ tịch Hiệp hội Các đầu bếp ngoại hạng của Bỉ - cùng với một lực lượng giáo viên của Viện Heusy sang Việt Nam tổ chức các lớp bếp Âu, bàn và cắm hoa, ngoại ngữ... và truyền dạy nghiệp vụ cho nhân viên ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh. "Thời gian đó, nhiều nước trả chi phí cho ông Pierre Fonteyne 10.000 USD/ngày nhưng ông nhận lời đến Việt Nam để dạy miễn phí", GS Khiêm kể. Từ đó, vào mỗi kỳ hè, Giáo sư đều trở về quê cùng bè bạn tham gia đóng góp một cách thầm lặng cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.

 

"Để con cháu ông có tương lai xán lạn hơn"

 

Với quan hệ rộng và am hiểu nhiều, sau du lịch, GS Dư Thanh Khiêm đã quan tâm hỗ trợ một số lĩnh vực khác mà trong nước có nhu cầu. Hai lĩnh vực mà ông quan tâm nhất là Y tế và Giáo dục. "Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh nhưng làm sao cho y tế và giáo dục cũng theo kịp các nước trong khu vực để người bệnh đỡ khổ hơn, để con cháu có tương lai xán lạn hơn là điều tôi quan tâm nhất", ông nói. Giáo sư Dư Thanh Khiêm đã đưa nhiều đoàn bác sĩ quốc tế về Việt Nam khám chữa bệnh cho nhiều người, tư vấn cho các bệnh viện trong nước.

 

Biến những day dứt, trăn trở thành hành động cụ thể nhưng trong ông lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm của người con xa xứ. Mỗi khi trở về nước, vị Giáo sư này lại lang thang trên phố, gặp gỡ, trò chuyện với những đứa trẻ đánh giày, bán báo, bán vé số... "Tôi không muốn là người khách ngay chính trên quê hương tôi", ông nói. Giáo sư Dư Thanh Khiêm còn dành nhiều thời gian tham gia công tác xã hội. Ông lặng thầm nhận đỡ đầu cho những sinh viên nghèo ở dải đất miền Trung trong nhiều năm qua.

 

Biết nhiều, thông thạo nhiều lĩnh vực, nhưng Giáo sư Dư Thanh Khiêm luôn khiêm tốn khi nói về mình. "Những gì biết, tôi sẽ làm hết lòng cho quê hương, những gì không biết, tôi xin làm chiếc cầu nối", ông nói. Dự kiến tháng 7/2008, Giáo sư Dư Thanh Khiêm sẽ lại về Việt Nam trong phái đoàn trao đổi, giao lưu văn hóa, y tế... của Thị trưởng thành phố Tournai (Bỉ) kết nghĩa với thành phố Huế.

 

      Vũ Anh Tuấn

Theo iihe.ac.bevà báo chí trong nước