Người Việt xa xứ viết
Khi những dòng sông khóc...
(Dân trí) - Tôi đã bao lần đi qua con sông Tô lịch của Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến. Trong dịp trở về thăm quê hương mới đây, tôi không khỏi ngậm ngùi xót xa, thậm chí kinh hãi khi nhìn dòng sông chết lặng đen ngòm hôi thối như tử thần!
Vì sao mà ra nông nổi này hỡi ai? Câu hỏi đó cứ nhói lòng tôi bao tháng ngày qua. Tôi vẫn thắc mắc khi thấy người dân hàng ngày vẫn phải chung sống với loại mùi rất chi là “đặc trưng”(?) này.
Nó từ đâu ra vậy? Xin thưa: Từ những ống cống thải nước sinh hoạt hàng ngày của hàng triệu con người trong lòng Hà Nội! Của những người dân thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm sống hai bên bờ sông (vất rác bừa bãi xuống lòng sông).
Nó không trong sạch, không được thoát đi đâu bởi không có ai đứng ra xử lí nồng độ, chất độc, cặn bã… nên đủ loại vi khuẩn cứ tha hồ tác oai tác quái, sinh sôi nảy nở.
Có lẽ nói không ngoa: Một con vật bất kì nào đó (cho dù nó có biết bơi như loại chó) mà vô tình trượt chân xuống dòng sông này chắc chỉ có ngáp ngáp vài cái rồi vĩnh biệt thế gian?!
Và cho dù tôi có tìm mỏi mắt cũng chẳng bao giờ thấy một con cá, con nhái, con tôm tép, con loăng quăng… bơi lội dưới dòng sông (đã chết) này.
Kì lạ thay, hai bên bờ sông này người dân vẫn cặm cụi mở quán bán hàng, chợ vẫn họp, nhà dân vẫn “sống chung với mùi hôi thối” thậm chí là vẫn dùng cả “loại nước đen” này để tưới rau?!
Một khúc sông Tô lịch (đoạn đã được xây bờ kè)
Tôi cứ mang mãi cái thắc mắc đó tâm sự với bao người, nhưng chỉ được cái lắc đầu thông cảm! Kiểu “biết rồi, nói mãi, khổ lắm”?! Than ôi, khi giữa lòng thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật, trung tâm văn hóa của cả nước mà mọi người lại thờ ơ với cảnh quan bị ô nhiễm trầm trọng như vậy sao?
Có bao khách nước ngoài cũng đã tỏ ra ngạc nhiên vì tình trạng này. Thế nhưng chúng ta vẫn cứ để yên cho nó tồn tại như chưa có điều gì xảy ra?
Lắm lúc tôi cứ tự hỏi: Chẳng biết các nhà chức trách của ta có bao giờ chịu khó bước ra khỏi chiếc xe ô tô sang trọng của mình đi lại gần con sông Tô Lịch lịch sử này để mà liếc qua, để mà hít thở một chút xíu thôi cái mùi vị rất chi là đặc trưng của nó? Khi đó các vị sẽ cảm nhận được những điều mà người dân bấy lâu nay phải khốn khổ chịu đựng.
Cũng trong dịp này tôi đã đi qua bao dòng sông - sông Hồng, sông Lam, sông lớn, sông bé… Điều khiến tôi ngậm ngùi thêm là nhiều nơi sông cạn trơ đáy! Trồi ra nhiều dải đất nằm chơ vơ giữa lòng sông. Màu nước không còn trong xanh hiền hòa mà vẩn đục một màu vàng cờn cợn. Hai bên bờ ven mép sông bùn phơi khô đến cỏ cây cũng xơ xác! Vì sao ra nông nỗi?
Ở một khúc sông miền Trung bị cạn trơ đáy.
Ngày xưa sông đâu có thế? Những câu ca về dòng sông hát có lẽ nay phải nhường cho dòng sông… khóc! Khi tôi hỏi những người bạn ở quê nhà, ai cũng bảo: Chắc do bị chặn nguồn nước từ thượng nguồn bởi công trình thủy điện quá nhiều!
Phải vậy không mà dòng sông trơ đáy? Phải vậy không mà nước chảy đi đâu? Đáng thương thay cho những người nông dân trông chờ vào nguồn nước tưới tắm cho cây nhưng than ôi nước chẳng chảy về! Đã thế, mùa lũ lụt thì nước cứ ào ào như triều dâng muốn nhấn chìm tất cả?! Thật là bất công, thật là tàn nhẫn.
Tôi vẫn thường nghĩ: Với dòng sông Tô Lịch, các nhà chức trách và khoa học cần phối hợp để tìm biện pháp xử lí sớm nhằm trả con sông Tô Lịch về với tính tự nhiên của nó. Không lý gì trong thành phố lại để tồn tại từ năm này qua năm khác một con sông chết như vậy! Vừa ảnh hưởng môi sinh trầm trọng lại vừa thiếu đi một cảnh quan mà bất cứ thành phố nào cũng cần có. Giải tỏa gấp hai bên bờ sông những sự lấn chiếm bất hợp pháp!
Còn nếu như không muốn tạo thành con sông đúng nghĩa thì ta có thể xây thành một đường cống ngầm khổng lồ kiểu cống ngầm Pari - thủ đô nước Pháp. Như vậy mùi xú uế có thể không bốc lên và sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bên trên sẽ trồng cây xanh, làm đường sá, công viên…
Còn với những dòng sông trơ đáy, điều cần thiết theo tôi và cũng như bao người khác mong muốn là: Hạn chế những công trình thủy điện không cần thiết, nhằm giải thoát nguồn nước vốn lâu nay bị ngăn chặn từ thượng nguồn đổ về xuôi.
Võ Hoài Nam (Từ Mátxcơva)