Indonesia xử bắn một phụ nữ VN buôn ma túy

Theo tờ Jakarta Post, sớm 18/1, Indonesia đã xử bắn 6 tử tội, gồm 5 người nước ngoài và một phụ nữ Indonesia, vì tội buôn ma túy bất chấp có nhiều thỉnh cầu xin tha cho họ.

Chính phủ Indonesia đã lên tiếng bảo vệ cho hoạt động hành quyết, coi đó là sự cần thiết để chiến đấu với vấn nạn ma túy đang gia tăng tại quốc gia Đông Nam Á này, tờ nhật báo địa phương cho biết thêm.

 
Cảnh sát vũ trang của Indonesia (ảnh: AP)
Cảnh sát vũ trang của Indonesia (ảnh: AP) 

Bốn nam giới từ Brazil, Malawi, Nigeria, Hà Lan và một nữ người Indonesia đã bị xử bắn cùng lúc ngay sau nửa đêm ngày 17/1 tại nơi cách nhà tù trên đảo Nusakambangan có vài trăm mét. Tử tội còn lại là một phụ nữ Việt Nam đã bị hành quyết tại Boyolali, theo phát ngôn viên Tony Spontana thuộc Văn phòng Tổng chưởng lý.

Cả hai khu vực xử bắn trên đều thuộc tỉnh Trung Java. Ngay trong sớm 18/1, thi thể của các tử tội đã được đưa đi chôn hoặc hỏa táng, theo yêu cầu của thân nhân họ hoặc đại diện các đại sứ quán.

Tử tội người Brazil là Marco Archer Cardoso Moreira, 53 tuổi. Moreira bị bắt năm 2003, sau khi cảnh sát tại sân bay Jakarta phát hiện được 13,4kg cocain giấu trong khung diều lượn của đối tượng này. Tử tội mang quốc tịch Hà Lan là Ang Kiem Soe, 52 tuổi, đã bị cảnh sát bắt gần thủ đô của Indonesia cũng vào năm 2003.

Các tử tội còn lại bao gồm Namaona Denis, 48 tuổi, từ Malawi; Daniel Enemuo, 38 tuổi, từ Nigeria; và Rani Andriani người Indonesia. Tử tội người Việt Nam có tên là Trần Thị Bích Hạnh, 37 tuổi.

Bà Hạnh bị bắt với 1,1kg ma túy đá methamphetamine trị giá khoảng 200.000USD khi từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến sân bay thành phố Solo của tỉnh Trung Java. Theo Jakarta Globe, đó là lần thứ 9 bà Hạnh mang ma túy vào Indonesia, 8 lần trước đều trót lọt. Bà Hạnh đã bị tòa án Boyolali kết án tử hình vào ngày 22/11/2011.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bác đơn xin ân xá của các tử tội. Ông cũng từ chối lời thỉnh cầu của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Chính phủ Hà Lan xin tha cho công dân của họ.

Trong một tuyên bố đưa ra cuối ngày 17/1, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders nói tạm thời triệu hồi Đại sứ Hà Lan ở Indonesia và triệu tập đại diện Indonesia ở The Hague để phản đối vụ hành quyết Ang. Ông nói vụ xử tử được thực hiện bất chấp Vua Willem-Alexander và Thủ tướng Mark Rutte đã liên lạc với ông Widodo.

Đây là đợt thi hành án tử hình đầu tiên từ khi Tổng thống Joko Widodo lên cầm quyền ở Indonesia hồi cuối tháng 10 năm 2014. Indonesia đã ngừng thi hành án tử hình trong năm năm và mới áp dụng trở lại hồi năm 2013.

Theo Thanh Vân/Vietnamnet