Gặp cô dâu người Việt đầu tiên trên đất Myanmar
Biết chúng tôi là người Việt Nam, chị Huỳnh Thị Ngọc Thanh hồ hởi mời ngay về nhà chơi. Cuộc gặp nhau tình cờ của những người Việt trên đất khách quê người mang đến những câu chuyện đầy thú vị.
Sau cuộc gặp ấy, hình ảnh về người phụ nữ Việt Nam đầu tiên lấy chồng Myanmar ấn tượng hơn những gì chúng tôi tưởng tượng…
Chị Thanh (thứ ba từ phải sang) cùng những người bạn trong quỹ Từ thiện
Chị Thanh (thứ ba từ phải sang) cùng những người bạn trong quỹ Từ thiện
Tình yêu không biên giới
Chị Huỳnh Thị Ngọc Thanh là người gốc Sài Gòn, nổi tiếng xinh đẹp nhưng lại rất "kiêu”. Thời con gái, chị Thanh được xem là hoa khôi của Hải quan Sài Gòn, lại rất giỏi tiếng Anh, nên trở thành "mục tiêu” theo đuổi của biết bao chàng trai. Tài sắc vẹn toàn, ít ai ngờ cô gái Sài Thành lại yêu một thuỷ thủ vừa đen, vừa béo, người nước ngoài (Myanmar) như anh San Htin Cho. Trong câu chuyện kể lại với chúng tôi, chính chị Ngọc Thanh cũng không nghĩ mình lại nhận lời yêu một người xa lạ chỉ sau vài tháng làm quen.
"Hồi đó lấy chồng người nước ngoài phức tạp vô cùng. Hơn nữa, chúng tôi mới chỉ quen nhau nên không ai nghĩ cả hai lại đến với nhau như vậy. Chuyện tình ấy có thể viết được tiểu thuyết…”, chị Thanh bắt đầu câu chuyện đầy thú vị của mình.
Anh San Htin Cho là thuyền trưởng tàu viễn dương, vài tháng mới cập bến Sài Gòn một lần. Ngay trong lần gặp nhau đầu tiên năm 1990, San Htin Cho đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp của cô gái người Việt Nam. Ban đầu chỉ là những lá thư tỏ tình, rồi những món quà và chỉ sau khoảng 1 tuần, chàng trai đến từ Myanmar đã thổ lộ tình cảm với người thương của mình. Tất nhiên, chị Thanh chẳng dễ tin vào một người xa lạ. Thế nhưng, với chiến thuật "mưa dầm thấm lâu”, dần dần bằng tình cảm chân thành San Htin Cho đã lấy được tình cảm của cô gái xinh đẹp người Việt.
"Cứ đến Việt Nam là anh ấy đến tìm tôi luôn. Bố mẹ gọi về để đi hỏi vợ nhưng anh ấy nói đã có người yêu ở Việt Nam. Để lấy lòng tin, San Htin Cho quỳ lạy mẹ tôi và hứa sẽ mang lại hạnh phúc cho con gái của bà”, chị Thanh kể lại.
Cô kiểm soát viên Cảng Sài Gòn bắt đầu siêu lòng bởi những lá thư, bó hoa và thậm chí là…chiếc xe đạp. Chẳng ai tin cả hai người lại yêu nhau sau vài tháng làm quen. Chị Thanh cũng không tin mình lại lấy chồng nước ngoài. Lấy San Htin Cho, chị đã phải bỏ việc bởi quy định ngày đó rất khắt khe. Thế nhưng, đó là quyết định mang đến bước ngoặt mới cho người phụ nữ thông minh, sắc sảo, dám chấp nhận mạo hiểm.
Tự hào là cô dâu Việt đầu tiên trên đất Myanmar
Theo chân chồng về xứ người, mọi thứ khó khăn hơn những gì chị Thanh tưởng tượng. Văn hoá, ngôn ngữ…tất cả đều quá khác biệt với Việt Nam. Thậm chí những ngày đầu chị bị "sốc” vì chẳng biết tâm sự với ai.
Buồn quá, chị Thanh học nấu ăn. Ban đầu chị chỉ nấu cho gia đình, sau thấy nhiều người khen, lại quen biết một số người ở Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, chị Thanh đã mở cửa hàng ăn tại Myanmar.
Năm 1996, thương hiệu Vietnam House bắt đầu trở nên nổi tiếng ở Yangon (Myanmar), được cả những người Việt, người nước ngoài và bản xứ khen ngợi. Những món ăn của chị Thanh rất đặc biệt, được chính tay chị lựa chọn nguyên liệu, tự tay chế biến, bày biện. "Tiếng lành đồn xa”, hàng ăn của chị Thanh luôn chật kín người đến thưởng thức.
"Mình nấu ăn bằng cái tâm, sự sáng tạo và tinh tế của người phụ nữ Việt nên người đến ăn thích lắm. Chỉ sau vài năm, Vietnam House trở thành địa chỉ ẩm thực không thể không đến của du khách nước ngoài cũng như người Myanmar tại Yangon”, chị Thanh tự hào.
Điều khiến chúng tôi thực sự nể phục chị Thanh không chỉ bởi ngôi biệt thự lớn, có bảo vệ và nhiều lái xe riêng, có chuỗi nhà hàng nổi tiếng…mà chính bản sắc, văn hoá Việt luôn được chị thể hiện nơi đất khách quê người.
Sau nhiều năm, chị Thanh nhất quyết không thay đổi hương vị những món ăn Việt. Trong khuôn viên của ngôi biệt thự, chị trồng rất nhiều những loại rau mang sang từ Việt Nam. Cô con gái 15 tuổi xinh đẹp của chị Thanh, dù chẳng có ngày nào về quê ngoại, nhưng nói tiếng Việt rất sõi. 20 năm làm dâu ở Myanmar, chị Thanh cũng chưa bao giờ quên cúng Tết ông Táo, cúng đêm Giao thừa và mùng 1 Tết làm cơm, thắp hương cúng gia tiên. Đặc biệt, chị Thanh cùng một số người Việt Nam đã thành lập quỹ từ thiện để ủng hộ người nghèo, trẻ em cơ nhỡ.
"Người Việt ở Myanmar ít lắm, chỉ khoảng 200 người. Tôi là cô dâu đầu tiên tại Myanmar nên phải có trách nhiệm truyền lại kinh nghiệm, gắn kết những người con xa quê”, chị Thanh nói.
Theo An Chi
Báo Đại Đoàn Kết